Lời quê mộc mạc, tình quê dạt dào

Lời quê mộc mạc, tình quê dạt dào
TP - Hàng trăm công trình, đầu sách, hàng nghìn bài báo viết về Võ Nguyên Giáp chứng nghiệm một hiện tượng hiếm thấy ở thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 và sẽ còn mãi mãi về sau.

> Thêm một cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong số đó, đáng quý, đáng trân trọng có một tập thơ, 90 bài, mang tên Tình quê nhân mừng Đại tướng thượng thọ 90 tuổi của những con người đồng hương, đồng ngãi xã Lộc Thủy, với 71 tác giả, xuất bản tháng 8 năm 2001.

Đại tướng cùng bà Đặng Thị Bích Hà vỗ tay xem hò khoan trước sân ngôi nhà thờ thời thơ ấu
Đại tướng cùng bà Đặng Thị Bích Hà vỗ tay xem hò khoan trước sân ngôi nhà thờ thời thơ ấu.

Ở lời giới thiệu, ông Phạm Bá Sự, quyền Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã viết: “Tập thơ được chắt chiu từ suy tư tình cảm của những người dân cần mẫn ngày đêm trên đồng ruộng làm nên hạt lúa, củ khoai, chuốt từng sợi lác dệt thành những tấm chiếu từ làng quê An Xá đem đến với mọi nhà”. Họ là những người còn tuổi thanh niên, trung niên, có người kinh qua các cuộc chiến tranh, lại có người cùng thời với Đại tướng.

Cụ Đặng Hữu Nghinh, bạn đồng niên với Đại tướng viết rất chân thành: Mừng bạn năm nay tuổi chín mươi /Tôi không đến được để chung vui...

Rồi cụ ngẫm nghĩ:

Chín mươi tuổi hạc còn minh mẫn

Sống được như ta cũng hiếm người

(Cũng hiếm người)

Cụ Trần Chực cùng chung mối tương giao ấy:

Về thăm quê tại nhà riêng

Anh thường cho gọi tôi lên chuyện trò

Chuyện bạn bè thuở ấu thơ

Chuyện hợp tác xã bây giờ ra sao...

(Biết bao nghĩa tình)

Hạnh phúc lớn nhất của người anh hùng là được hòa đồng giữa mọi người, làm một con người bình thường như mọi người. Cái đẳng cấp cần được tôn vinh sang trọng là con người. Trong trái tim con người Võ Nguyên Giáp có hình bóng người dân Việt và trong trái tim mỗi người dân Việt có hình bóng Võ Nguyên Giáp. Cái bình thường của sự vĩ đại là thế:

Bác là vị tướng của nhân dân

Đức, tài, trí, dũng mười phân vẹn mười

(Chúc ông trường thọ - Bùi Châu)

Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn mang nếp sinh hoạt đời thường rất giản dị, thân thiết. Người từng học trường Quốc học Huế, theo kháng chiến lên Việt Bắc, về Hà Nội, bước chân khắp đó đây trong và ngoài nước, vậy mà giọng nói không hề thay đổi. An Xá, ngày xưa có tên gọi Kẻ Thá. Kẻ Thá nằm kề Kẻ Tuy (là làng Tuy Lộc bây giờ). Giọng Kẻ Thá mềm, ấm, kéo dài một chút. Giọng Kẻ Tuy ngọt hơn, luyến hơn. Nếu chỉ nghe giọng Đại tướng nói, không thấy người, vẫn nhận ra giọng Kẻ Thá. Điều ấy cũng lạ, nhưng rất dễ hiểu, bởi đó là nhân tính của người. Cái phong thái bình dân của một vĩ nhân. Vì thế mà Lê Đình Lờng, nhà nghiên cứu dân gian không chuyên viết rất trung thực trong bài thơ Tiếng quê:

Vẫn là tiếng nói vùng ta

Giọng làng Kẻ Thá đậm đà miền Trung.

Lòng yêu nước thương người, vị tha là đức tính của các bậc vĩ nhân xưa nay. Các cụ túc nho ngày trước, các vị hưu trí bây giờ hay sử dụng lối chơi chữ trong thơ. Ghép các chữ đầu bài thơ lục bát của nhà giáo Lê Trung Lương sẽ thành dòng chữ: Võ Nguyên Giáp vị tướng tài lừng danh. Tư tưởng bài thơ được khái quát trong hai câu thơ bình dị:

Giáp trận giặc chạy tơi bời

Vị tha hết mực, thương người chiến binh.

(Ngàn lần kính yêu)

Đó chính là tư tưởng hòa bình, bác ái, là nhân nghĩa cao trọng, thể hiện tình yêu thương đồng đội, đồng loài mọi nơi, mọi lúc.

Trong tiềm thức người dân, họ muốn tên tuổi Võ Nguyễn Giáp có mặt mọi nơi: Đường liên thôn vừa rải nhựa xong / Dân muốn gọi đường Võ Nguyên Giáp (Con đường mới - Thảo Linh). Hoặc nói như ông Bùi Trường Sơn: An Xá là chiếc nôi / Nuôi nhân tài đất nước (Mừng thọ anh Văn).

Ghi lại hình ảnh Đại tướng về thăm trường khuyết tật Lệ Thủy, Châu Kim Nâm, một cựu chiến binh nói được tâm trạng của những người lính già sau chiến tranh:

Đại tướng đến thăm trường một sáng

Như người ông yêu kính trong nhà

Mấy cháu nhỏ được ông bồng bế

Nó ôm ông nức nở khóc oà

Trong tâm ông trào lên niềm cảm xúc

Cả cuộc đời là những chiến công

Vẫn chưa trọn nghĩa tình dân nước

Nhìn cháu thơ tàn tật động lòng.

(Nỗi nhớ)

Cùng chung tình cảm ấy, nhà giáo Võ Văn Vang, thiếu sinh quân thời chống Pháp nhớ lại những tháng ngày trên chiến trường Điện Biên Phủ:

Tháng năm qua chúng con lớn khôn

Được góp máu xương cho chiến dịch Điện Biên

Lại gặp Người trong quân y viện

Nắm tay con an ủi động viên...

(Tình đồng đội)

An Xá nói riêng, vùng Lệ Thủy nói chung là cái nôi của các điệu hò nổi tiếng. Các nhà nghiên cứu dân gian gọi là hò khoan Lệ Thủy, một làn điệu dân ca không chỉ độc đáo phần nhạc mà cả phần lời. Mỗi điệu hò có hai phần, phần xướng do một người xướng gọi là xướng cái, phần xô do có hai phần, phần hưởng ứng gọi là xô con hoặc xố con. Bốn câu thơ của bà Võ Thị Hải trong bài Khúc tình quê kể lại:

Mùa thu Kỷ Mão Bác Giáp về

Con được hò khoan cho Bác nghe

Bác cùng xố con và vỗ nhịp

Đậm đà chan chứa khúc tình quê

Cái tính nết đàn bà con gái vùng sông nước Lệ Thủy lạ lắm, mỗi khi có khách có bạn tới thăm thế nào chủ nhà cũng xướng lên một câu hò mời chào và khách bạn vui vẻ đáp lễ bằng cách xố theo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ cái nếp sinh hoạt văn hoá cổ truyền ấy, đó là hồn quê trong tim người mỗi khi gặp dịp lại bùng lên sôi động trẻ trung. Người xướng và người xố hoà nhập làm một, không phân biệt ngôi thứ, già trẻ, gái trai, quen lạ...

Đem tặng tôi tập thơ mừng Đại tướng, các anh Thái Sinh, Hồng Khê, Lê Trung Lương, Nguyễn Hữu Phục, Bùi Tử Hoành trong nhóm biên tập nói rằng: Cái cốt của tập thơ là giãi bày, mượn thơ để bày tỏ tâm can con người. Nhân dân xã chúng tôi muốn có một món quà tinh thần dâng lên Đại tướng...

Tôi nghĩ cái hay của tập thơ này không phải là cái hay như những công trình sáng tạo nghệ thuật khác. Đây là cái hay, cái đẹp, cái cao quý của một tấm lòng. Phải nói ra, viết ra bằng lời, bằng chữ mới thấu hiểu lòng dân nước. Lời quê thiệt thà, nhưng hồn quê thì dào dạt. Nhân dân luôn nhìn người anh hùng bằng cái nhìn thánh thiện, hóa thân như chính họ. Mà người anh hùng xưa nay vốn vậy, chính họ là nhân dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG