Long Biên trong thơ

Nữ họa sĩ trẻ và cây cầu trăm tuổi
Nữ họa sĩ trẻ và cây cầu trăm tuổi
TP - Nhiều người dẫn những câu thơ khuyết danh mộc mạc như vè, nhưng đúng là lùng với Long Biên một thuở:

Hà Nội có cầu Long Biên

Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng

Tàu xe đi lại thong dong

Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...

Cầu Long Biên được nhiều nhà văn nhà thơ viết về hoặc nhắc đến trong tác phẩm của mình. Có những câu thơ về cầu hay, nhiều người yêu thơ còn hằn trong trí nhớ, chẳng hạn những câu thơ của Bằng Việt trong bài Tình yêu và báo động ông viết năm 1967:

Sông Hồng nước lên. Em đưa anh qua

Tháng tám cầu nhô hai nhịp gãy

Sông Hồng nước lui khi anh trở lại

Ta nắm tay nhau trên nhịp đã liền

Hai bên bờ Long Biên

Nghìn lá sắc trổ cờ trên ngọn mía

Hạnh phúc lớn, tự hào, đơn giản thế

Ngày xưa anh chưa nghĩ ra...

Giống như Paris có cầu Mirabeau mà tên nó được thi sĩ Apollinaire đặt cho bài thơ nổi tiếng của mình, Hà Nội cũng có cầu Long Biên (nói thẳng ra là về hầu hết các phương diện, so với Long Biên, cầu Mirabeau chẳng là gì) được một số thi sĩ dùng đặt tên cho thi phẩm. Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ Cầu Long Biên viết những câu:

Cầu Long Biên gù lưng người phu già

Sớm chiều cõng chuông qua sông

Nhắc nhở lẽ huyền vi Hà Nội

Chiếc cầu đi suốt đời ta

Ròng ròng huyết mạch

Một người thơ khác, Nguyễn Đình Xuân, cũng có bài thơ Cầu Long Biên, trong đó có những câu:

Khắc lên cầu nếp nhăn khó nhọc

Những chia ly ai khóc tiễn chồng?

Vọng phu một đời như nước chảy

Hương hoa nhớ người nằm đáy sông...

Khá thú vị là nhà thơ Vương Tâm đã viết trường ca đầu tiên về Cầu Long Biên xuất bản năm 2009, nhân đón chào 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội. Trường ca là một câu chuyện tình trong chiến tranh có 19 chương ứng với 19 nhịp cầu Long Biên.

MỚI - NÓNG