Lột xác 'mậu dịch'

Gian trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu” ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Gian trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu” ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
TP - Các bảo tàng ăn khách tại Việt Nam đều có chung một lý do quyết định thành công là tiếp cận quan niệm mới về trưng bày với ngôn ngữ riêng từ hiện vật, tư liệu, hình ảnh.

Điểm danh các bảo tàng ăn khách tại Việt Nam như Bảo tàng  Dân tộc học VN (BTDTHVN), Bảo tàng Phụ nữ VN (BTPNVN), Bảo tàng Lịch sử VN (BTLSVN), Bảo tàng Điêu khắc Chăm (BTĐKC), Bảo tàng Đắc Lắc (BTĐL), Bảo tàng chứng tích chiến tranh (BTCTCT), Bảo tàng thiên nhiên VN (BTTNVN) … đều có chung một lý do quyết định thành công là tiếp cận quan niệm mới về trưng bày với ngôn ngữ riêng từ hiện vật, tư liệu, hình ảnh.

Mười năm trở về trước, bảo tàng chủ yếu là nơi dành cho sinh viên, cán bộ vào tìm tư liệu. Từ lúc nhận ra một số dự án cải tạo mời chuyên gia nước ngoài có hiệu quả rõ ràng,các lãnh đạo bảo tàng nhanh nhạy đã tìm ra hướng đi để thoát xác “mậu dịch”.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, giám đốc BTPNVN, cách làm của chuyên gia nước ngoài là gắn câu chuyện vào hiện vật và kết nối với hiện tại. Theo cách làm cũ khi chú thích hiện vật là mặc nhiên coi tài liệu và nhân vật đó thuộc quá khứ . Bài học vỡ lòng về cách kể chuyện qua mỗi tư liệu, hiện vật như một bước ngoặt tạo nên nền tảng giúp tôi tác nghiệp... 25 000 hiện vật của BTPNVN là 25 000 câu chuyện. Thay đổi cách tiếp cận tư  liệu là thay đổi toàn bộ không khí của bảo tàng. Nhờ cách tiếp cận mới mà triển lãm chuyên đề “Tín ngưỡng thờ mẫu Tâm-Đẹp-Vui” đã đưa BTPNVN vào top 3 bảo tàng hút khách nhất VN sau hai năm nâng cấp, theo đánh giá của TripAdvisor.

Cùng quan điểm với những người được chuyên gia bảo tàng quốc tế đào tạo, PGS.TS Võ Quang Trọng, giám đốc BTDTHVN cho rằng “Bảo tàng không có nghĩa là “cũ””. Ông Trọng  chia sẻ, khi đến với bảo tàng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các hiện vật mà còn được tham gia vào những trò chơi dân gian, trải nghiệm cùng nghệ nhân sản xuất thủ công và thưởng thức cả những món ăn dân tộc vào những ngày lễ hội. BTDTHVN chú trọng kết nối công chúng với những câu chuyện đương đại, vấn đề có tính thời sự, thí dụ như HIV - AIDS, vấn đề đồng tính…  

Cách làm riêng biệt này chứng minh rằng bảo tàng “sống” là mô hình tất yếu để hoạt động bảo tàng phát triển bền vững. Một điều thu hút khác ở BTDTHVN là ngoài cách chú thích hấp dẫn các thông tin ở đây được dịch ra 9 thứ tiếng nên tạo cơ hội dễ dàng cho khách quốc tế tiếp cận.

Bà Lê Ngọc Thủy, PGĐ Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển Văn hoá (A&C), người có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức chương trình “Khóa mùa Hè nghiên cứu và thực hành Bảo tàng” do quĩ Ford tài trợ cho rằng phương pháp làm bảo tàng của các chuyên gia nước ngoài chắc chắn giúp những bảo tàng hệ “mậu dịch” đổi đời. Cũng theo bà Thủy không phải những giám đốc bảo tàng tên tuổi  mà cách tiếp cận mới với hiện vật mới chính là “người hùng” kéo bảo tàng VN ra khỏi hố lầy.

MỚI - NÓNG