Lưu lạc và thành danh trên đất khách

Lưu lạc và thành danh trên đất khách
TPCN - Sau 18 năm kiếm sống ở Séc, đến tuổi 61, họa sỹ Vũ Quốc Chính mới  thực hiện được khát vọng của mình - có được một triển lãm tranh hoành tráng tại Hà Nội vào tháng 1/2006 vừa qua.
Lưu lạc và thành danh trên đất khách ảnh 1
Hoa sỹ Vũ Quốc Chính thăm lại ngôi nhà "Mùa đông năm ấy"

Ông tâm sự: “Đây là món quà của người con xa xứ trở về và nó cũng như là bản báo cáo của tôi với Hội Mỹ thuật Hà Nội về những kết quả  đã đạt được trong quá trình học tập và làm việc tại Cộng hòa Séc”.

Chấp nhận làm một công nhân hưởng lương hạng bét

Vốn là một họa sỹ đã thành công tại Việt Nam vào thập niên 80 với giải nhì Triển lãm Công nhân viên chức năm 1984, giải nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1985, giải A triển lãm tranh, tượng không chuyên năm 1985 và  có phòng triển lãm tranh tư nhân đầu tiên tại Hà Nội năm 1986, nhưng Vũ Quốc Chính vẫn ấp ủ ước mơ vươn tới đỉnh cao nghệ thuật thế giới.

Năm 1988, Vũ Quốc Chính sang làm thợ tiện tại nhà máy luyện kim Tola Pecky. Bàn tay chuyên cầm cọ, cầm bút của ông đã phải làm công việc cực nhọc nhất của một người công nhân như  vác những thanh sắt nặng hàng tạ, mài những chiếc cờ lê nặng hàng 7- 8 kg, có những lúc mảnh gang đâm vào tay đau buốt, nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng.

Ban ngày đi làm vất vả ở nhà máy, tối về lại chong đèn ra ngoài hành lang vẽ để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của những người khác. Rồi sáng hôm sau, lại trở thành anh công nhân bạc đít quần trong nhà máy, hưởng mức lương hạng bét vì cái tật lóng ngóng và thỉnh thoảng lại có một sai sót trong sản xuất.

Cứ miệt mài như thế một năm trời, ông đã có một số bức tranh kha khá và mạnh dạn gửi đi tham dự triển lãm ở thành phố Pecky, nơi sinh sống và làm việc.

Vận may đã đến với ông, khi Giám đốc nhà máy là người say mê hội họa. Ngưỡng mộ tài năng của Vũ Quốc Chính, kể từ sau triển lãm đó, ông được cất nhắc lên làm việc ở phòng hành chính với  công việc của một họa sỹ tự do, hưởng lương đặc cách với một mệnh lệnh: “Muốn làm gì thì làm, miễn là phải có tranh đẹp cho nhà máy”.

Lưu lạc và thành danh trên đất khách ảnh 2
Họa sỹ Vũ Quốc Chính đứng trong băng tuyết trước ngôi nhà kỷ niệm

Bị công an bắt...  hóa may!

Tới năm 1991, khi chính quyền cũ tan rã, tất cả công nhân Việt Nam làm việc trong nhà máy phải về nước, trong đó có cả họa sỹ Vũ Quốc Chính.

Không thể để cho sự nghiệp mình đang đeo đuổi bị dở dang, ông Chính đã xin với Đại sứ quán cho ở lại và được chấp thuận với một điều kiện là phải tự lo cuộc sống của mình.

Lúc đó, chỉ với 100 đôla còn lại trong túi (hàng hóa đã gửi về Việt Nam hết rồi), ông vẫn quyết chí ở lại. Không công ăn việc làm, không chốn nương thân, người họa sỹ tài năng này đã phải sống lang thang ngoài sân ga, vẽ ký họa để kiếm sống.

Bức ký họa đầu tiên bán được 150 cua-ron, đủ tiền mua 1 chai nước mắm để uống chống rét trong mùa đông là một kỷ niệm không thể nào quên đối với người họa sỹ truân chuyên này.

Một hôm, khi đang vẽ ở sân ga, ông tình cờ gặp lại bà chủ nhà trọ cũ ở nhà máy. Thương cảnh người nghệ sỹ nghèo không nơi nương tựa, bà cho ông trở về sống tại nơi ở cũ nhưng với một điều kiện là phải đi sớm, về muộn để những người xung quanh không phát hiện ra.

Lúc đó để kiếm sống, ông đã phải vừa đi bán vải rong, vừa vẽ. Sau này, có được một chút tiền và cũng không muốn phụ lòng tốt của bà chủ mãi được, ông đã thuê được một ngôi nhà ở chốn đồng không mông quạnh.

Vào mùa đông, ngôi nhà như một cây nấm tuyết trơ trọi trong băng giá. Mỗi lần đi bán hàng và đi vẽ về, nước ở trong nhà đều đóng thành băng. Đi cả ngày mệt là thế, về đến nhà ông lại thắp đèn lên vẽ.

Mùa đông khắc nghiệt đó đã để lại cho ông những kỷ niệm không thể nào quên. Bức “Mùa đông năm ấy”  ông vẽ năm đó sau này đã trở thành một tác phẩm nổi tiếng.

Một lần trong lúc đi bán hàng, ông bị cảnh sát bắt vì  không có giấy phép kinh doanh. Cực chẳng đã, ông phải khai hết mình là một họa sỹ, phải nuôi nghề bằng mẹt hàng rong.

Biết chuyện, ông Thị trưởng Karem (lại một người yêu hội họa) đã bảo lãnh cho ông với một điều kiện... rất nghệ sỹ: “Nếu còn muốn ở đây, thì phải vẽ tranh cho thành phố, một năm sau phải có triển lãm tranh cho thành phố”.

Ngoài ra, Thị trưởng còn giúp ông tìm nhà và xin giấy phép kinh doanh. Đúng 1 năm sau ngày bị phạt, ngày 2/9, họa sỹ đã có một triển lãm với các bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp về thành phố.

Toàn bộ số tiền bán tranh, ông tặng  hết cho trại trẻ mồ côi. Ông Thị trưởng cám ơn vì người họa sỹ có tấm lòng nhân ái và nhận ông làm người em kết nghĩa kể từ đó.

Lưu lạc và thành danh trên đất khách ảnh 3
Bức tranh "Mùa đông năm ấy" của Vũ Quốc Chính

Hội họa - người vợ thứ hai

Trong lần về triển lãm tranh này, rất nhiều bạn bè mang hoa, quà tới chúc mừng họa sỹ Vũ Quốc Chính và không quên hỏi thăm: “Vợ đâu?” Họa sỹ cười và chỉ vào những bức tranh của mình. Nhiều người tưởng ông đùa vui, nhưng thực ra đó là cả một câu chuyện buồn.

Vợ ông chỉ đồng ý cho ông sang Tiệp hai năm, còn nếu ông muốn đi tiếp thì phải lựa chọn giữa vợ và tranh. Ông muốn chọn cả hai nhưng không được. Vì quá yêu nghệ thuật, ông không thể bỏ dở dang sự nghiệp của mình, ông khuyên vợ đi lấy chồng. Một  thời gian sau, vợ ông có gia đình mới.

Và cũng lại trớ trêu thay, vài năm sau đó, vợ ông cùng người chồng mới sang Đức, nhưng đến Tiệp thì không còn tiền. Ông đã cung cấp cho  họ tiền đi tiếp và nhận nuôi  cô con gái 6 tuổi của mình.

Từ đó, ngoài công việc của một người họa sỹ, một chủ cửa hàng tạp hoá, ông còn kiêm thêm chức năng làm... mẹ. Ông dồn hết tâm trí mình vào việc chăm sóc con gái và hội họa.

Giờ đây, cô con gái Vũ Hoàng Thanh Thảo đã 19 tuổi, sinh viên khoa nhiếp ảnh Trường Năng khiếu nghệ thuật Cộng hòa Séc. Cô là niềm kiêu hãnh của ông.

Thảo cũng đã có nhiều tranh triển lãm cùng cha mình, từng đoạt giải nhất  cuộc thi đơn ca toàn Séc dành cho lứa tuổi 8-15, trong đợt thi tuyển vào trường cách đây 4 năm, Thảo đã đỗ thủ khoa.

Với những đóng góp của ông, tháng 1/2006, họa sĩ Vũ Quốc Chính được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trao tặng bằng khen Người Việt Nam có đóng góp cho cộng đồng người Việt tại Séc nhằm tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Séc.

Cuối tháng 2 này, ông lại trở về Séc để chuẩn bị cho triển lãm qui mô lớn, một tại Séc và một tại Thụy Điển. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.