Lý sau Bài hát Việt

Lý sau Bài hát Việt
TP - Trang bị khá nhiều bảo bối để chinh phục người xem (sáng tác, đàn, hát kể cả ngoại hình xinh xắn), trò chuyện còn thấy Lê Cát Trọng Lý có sự chín chắn và cầu thị.
Lý sau Bài hát Việt ảnh 1
Lê Cát Trọng Lý trên sân khấu Bài hát Việt. Ảnh: N.M.Hà

Thi Bài hát Việt là lần thứ hai Lý lên sân khấu lớn. Cảm giác: “Run lắm nhưng mà lỡ rồi…”. Chỉ với một Chênh vênh- Lý đã đoạt giải quan trọng nhất: Bài hát của năm và Nhạc sĩ trẻ triển vọng.

Trước đây, cô chỉ hát ở quán cà phê người nhà. Một tháng nay mới nhận hát giúp cho quán của bạn mới mở. Tuần hai buổi. Ban nhạc ba người. Lý là ca sĩ. Hát cả đêm - tình nguyện nhận chỉ 100 nghìn đồng.

Sau khi được Bài hát Việt lăng xê, thay đổi lớn nhất là tuần nào cũng được trả lời báo chí. Ngoài ra, bắt đầu lẻ tẻ có lời mời đi hát. Dù gặp một số hệ lụy như bị bùng cát sê, phải tự mặc cả… Lý không lấy đó làm phiền.

“Ai cũng cần kiếm sống. Nên cần thương lượng để đạt kết quả hài hòa cho cả hai bên”. Phần lớn thời gian cô đọc sách. Cuốn sách làm Lý ấn tượng gần đây là Nhà giả kim (Paolo Coelho). Lý còn giới thiệu người viết nên đọc tiểu thuyết trinh thám Tên của hoa hồng (Umberto Eco) mà cô thấy như “một kho triết học, thần học”.

Hơn một năm lại đây, Lý chăm đọc kinh Phật. “Nhà tôi theo đạo Phật. Tôi tiếp nhận đạo Phật không như một tôn giáo mà như cuộc cách mạng giáo dục- lặng lẽ. Tôi học tập ở đó quan niệm, cách xử thế…”. Dù gầy, hóa ra cô không hề ăn chay(!).

Lý học cả võ Aikido. Cô đang giai đoạn nghỉ học violon ở Nhạc viện vì lý do sức khỏe. “Tôi yếu do lúc mới vào TPHCM hát nhiều quá, không để ý chăm sóc sức khỏe nên bệnh hoài,”. Hiện mỗi ngày cô dịch một trang sách tiếng Anh, lấy sinh ngữ làm một cánh cửa tri thức.

Ưa hát nhạc tiếng Anh nhưng sáng tác của Lê Cát Trọng Lý vẫn phảng phất truyền thống. Cô cho rằng đó là nhờ sự tiếp thu tự nhiên từ nhỏ kết hợp với việc học.

Khi đang học năm I ĐH Tiếng Nga ở Đà Nẵng, trong một lần ra Hà Nội, Lý gặp anh chàng chơi violon hay quá, cô về học lại violon. Bốn tháng sau trúng tuyển Nhạc viện TPHCM. Lý từng có nửa năm học violon, vài tháng học guitar khi đang là học sinh cấp III.

Tham gia ban nhạc Du Mục- từng vài lần biểu diễn trên đường phố Đà Nẵng- Lý biết hát bè. Chị gái mở quán nhờ hát- Lý lên đơn ca. Hát tiếng Việt bài nào cũng thấy khó, thôi tự viết nhạc hát.

“Tôi vẫn chỉ xác định dài hơi trong việc học nhạc còn ca sĩ hay viết nhạc gì thì không nói sớm được,” Lý cho hay. Lý phát hành trên mạng (ký hợp đồng độc quyền với một trang web) sáu bài hát trong số vốn hai chục bài.

Cô đang làm hồ sơ cho album chính thức, album cô thực hiện cùng thầy và bạn, để đi xin tài trợ Album dự định thu trực tiếp trên sân khấu với các nhạc cụ mộc. Lý dự tính sẽ mất ít nhất một năm cho dự án. Ngoài các sáng tác của bản thân, cô sẽ hát nhạc của Thanh Tùng và có thể của Trịnh Công Sơn.

Được liên tưởng tới Trịnh Công Sơn (có độc giả còn gọi Lý là Trịnh Công Sơn nữ) nhưng Lý cho hay: “Tôi không được nghe nhiều nhạc của Trịnh Công Sơn cho đến khi chị tôi hát một-hai năm nay”.

Dù là Trịnh Công Sơn hay Thanh Tùng, Lý đều thích và chọn những đoản khúc xinh xinh: Cơn bão nghiêng đêm, Lời chim đỗ quyên, hay Này em có nhớ, Tình xót xa vừa… Có kiểu nghe bằng hòa thanh của dân nhạc, nên Lý cũng thích nhạc Phạm Duy hơn. Cô không bình luận gì thêm về việc được so sánh với Trịnh, chỉ nói: “Tâm hồn ông quá lớn so với tôi”.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.