Mãi là tình nhân của Đà Lạt

Hoa dã quỳ vào lễ hội của đạo diễn Vũ Hoàng.
Hoa dã quỳ vào lễ hội của đạo diễn Vũ Hoàng.
TP - Mỗi lần hay tin Vũ Hoàng chuẩn bị làm lễ hội gì đó là nhiều người háo hức chờ đợi vì tin chắc sẽ có chiêu trò thú vị; dù là lễ hội lớn hay nhỏ, anh cũng cố gắng làm cho ra trò với những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo và cũng đầy mạo hiểm. Hàng chục năm rồi vẫn thế.

Nhà thơ, nhà báo Phan Ngọc Thường Đoan (báo Văn nghệ TPHCM) tâm sự đã quen biết Nguyễn Vũ Hoàng từ năm 1994, khi chị cùng CLB thơ nữ lên giao lưu với trường Đại học Đà Lạt. Là người gốc Huế nên Vũ Hoàng có sự thâm trầm, tinh tế, sâu sắc của người đất thần kinh. Tuy nhiên anh không tĩnh lặng cho riêng mình mà trải lòng ra với mọi người.

“Đại sứ” hoa

Theo lẽ thường nếu bình chọn đại sứ hoa Đà Lạt, người ta thường nghĩ đến những thanh nữ xinh đẹp, tươi tắn như đóa hoa ở xứ sở thường xuyên lọt vào top 10 tỉnh thành có nhiều con gái đẹp. Thế nhưng với chị Đoan, người đó phải là Vũ Hoàng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng, người làm tổng đạo diễn của nhiều lễ hội và festival hoa. Chị nói Hoàng đã đem những gì tinh túy nhất, đẹp nhất về hoa vào festival. Từ bàn tay của một đạo diễn đầy đam mê và sáng tạo như anh, hoa Đà Lạt bay đến khắp 63 tỉnh thành và bay ra thế giới.

Lễ hội sắc hoa Đà Lạt 2004 đã khiến du khách và người dân Đà Lạt vỡ òa cảm xúc khi vị đạo diễn “trình làng” sân khấu khai mạc lễ hội được cách điệu như đóa hoa dã quỳ, một loài hoa hoang dại. Đà Lạt có nhiều loài hoa đặc sắc với vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy nhưng Vũ Hoàng lại trao “vương miện” cho loài hoa đường phố. Điều đó thể hiện bản lĩnh và sự tinh tế của anh.

Đa số các loài hoa quý hiếm, có giá trị thương phẩm cao đều được trồng trong nhà kính, ở những nơi kín cổng cao tường, mấy ai được chiêm ngưỡng? Còn dã quỳ, cứ vào tháng 10-11 hằng năm là rạng rỡ khoe sắc trải thành thảm vàng rực giữa rừng thông xanh ngắt, bên những thác nước tung bọt trắng xóa hay nhuộm vàng những triền đồi quanh biệt thự cổ kiêu sang gần gũi với tự nhiên. Mỗi khi hay tin hoa nở là hàng vạn du khách, đặc biệt là những người mê săn ảnh lại í ới gọi nhau lên Đà Lạt.

Một số loài hoa đẹp riêng có của Đà Lạt thường được trồng trên hè phố, công viên hoặc các triền đồi như mimosa, phượng tím, mai anh đào… cũng được tôn vinh trong festival hoa gây sự tò mò thích thú cho du khách. Xu thế xê dịch lên Đà Lạt theo các mùa hoa dần hình thành: Tháng giêng tháng hai đắm mình trong sắc hồng mai anh đào hoặc vàng ươm màu nắng mimosa; tháng hai tháng ba lãng đãng với sắc tím… Từ đó, hoa dại được trồng nhiều hơn, tô đậm thêm bản sắc của một “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” như Đà Lạt.

Sau Lễ hội hoa là các festival hoa hoành tráng, cứ 2 năm tổ chức một lần tại Đà Lạt và cũng do Vũ Hoàng làm đạo diễn. Mỗi festival hoa có nét đặc sắc riêng góp phần không nhỏ đưa festival hoa thành thương hiệu của Đà Lạt và giúp miền đất này được công nhận là Thành phố Festival hoa của Việt Nam. “Mỗi khi đến dịp festival hoa, du khách lại lũ lượt đến Đà Lạt. Lễ hội văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất này”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp nói.

Vũ Hoàng còn là đạo diễn của nhiều lễ hội khá riêng có ở Lâm Đồng như Mưa phố núi, Ước nguyện cầu duyên... Biết tin Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tổ chức lễ hội cầu duyên tại thác Pongour (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng), tôi thắc mắc làm sao có thể thu hút khách đến một nơi xa xôi, hẻo lánh (cách thành phố Đà Lạt 50km), nhất là vào ban đêm. Vũ Hoàng dám chắc sẽ có hàng ngàn người tham dự lễ hội và sự thật đúng như anh tiên liệu.

Các già làng người K’Ho ở xã Tân Thành kể rằng thuở xưa, tại thác nước hùng vĩ nhất nhì trời Nam này, tiếng nước đổ tựa tiếng gầm thét của chúa sơn lâm vang xa vạn dặm. Với những kẻ bất tín, bội thề thì dòng nước tuôn ào ạt, những ngọn núi cao ngất và vực sâu thăm thẳm sẽ là những cái bẫy chết người khiến họ không còn đường trở ra. Tương truyền rằm tháng giêng là thời điểm linh thiêng nhất ở Pongour nên cứ đến 14-15/1 âm lịch là 5.000-6.000 người tìm đến Pongour bái vọng nguyện cầu tình yêu son sắt, cuộc sống an lành…, còn hầu hết những ngày khác trong năm, du khách chỉ đến lác đác.

Ước nguyện cầu duyên tuy tổ chức trước ngày rằm tháng giêng nhưng lượng khách vẫn đông không kém cho thấy lễ hội do Vũ Hoàng đạo diễn không chỉ có sức hút mà anh cũng rất có nghề trong khâu quảng bá. Du khách không chỉ được ngắm thác, vẩy nước cho nhau nhằm nguyện cầu tình yêu mà còn chứng kiến cảnh xin nước thiên duyên và thắp sáng hoa đăng để cầu duyên của 200 cặp tình nhân; xem chương trình biểu diễn ca nhạc đậm chất Tây Nguyên ở lưng chừng thác và màn bắn pháo hoa lung linh.

“Để tổ chức những chương trình, cảnh diễn công phu và hoành tráng nói trên, Trung tâm đã huy động 60 ô tô chở các vật dụng, đạo cụ… vượt hơn 50km từ thành phố Đà Lạt xuống chân thác Pongour sâu thăm thẳm”, Phó giám đốc Trung tâm Hoàng Mạnh Tiến cho biết.

Mãi là tình nhân của Đà Lạt ảnh 1 Vũ Hoàng bên những kỷ vật Đà Lạt xưa.

Đau đáu với Đà Lạt xưa

Đã quá quen thuộc với hình ảnh một đạo diễn Vũ Hoàng tất bật hò hét chỉ đạo ở các sân khấu lớn nhỏ của các lễ hội nên tôi rất bất ngờ khi được anh mời tham quan khu trưng bày “Kỷ vật văn hóa Đà Lạt” đầy tĩnh lặng. Khoảng 1.000 hiện vật về Đà Lạt xưa được trưng bày tại Dinh tỉnh trưởng cũ (nay được giao cho Trung tâm Văn hóa tỉnh quản lý) mà bản thân dinh thự này cũng là một kỷ vật của thành phố bởi được xây dựng từ năm 1930 theo kiến trúc cổ của Pháp. Công trình tọa lạc trên ngọn đồi cao nhất nội ô Đà Lạt, từ đó có thể quan sát toàn bộ khu vực trung tâm thành phố.  

Để tập hợp được lượng kỷ vật lớn như vậy, Vũ Hoàng đã dành công sức sưu tầm hơn 10 năm, mặt khác kêu gọi người Đà Lạt cùng ký gửi kỷ vật để không gian trưng bày luôn mới mẻ và phong phú. Chẳng biết anh rót mật vào tai thế nào mà hàng trăm người, kể cả Việt kiều từ những đất nước xa xôi cũng gửi hiện vật về. Các hiện vật xưa đưa người xem ngược miền ký ức trở về xứ sở tuyệt đẹp, mộng mơ, thanh lịch… như một lời nhắn nhủ để Đà Lạt tự vấn và nhận thức lại giá trị của mình.

Mãi là tình nhân của Đà Lạt ảnh 2 NS Nguyễn Ánh 9 hội ngộ với chiếc dương cầm mà ông từng học nhạc năm 1956.

Năm 2016, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đến đây. Ông bật nắp một trong 2 cây đàn piano có tuổi đời trên 100 năm, ngồi vào ghế và lướt nhẹ tay trên bàn phím. Nhạc đang du dương ngân vang bỗng nhiên bị ngắt quãng bởi nhạc sĩ khựng lại, chăm chú ngắm khắp lượt cây đàn như tìm một dấu tích nào đó. Sau vài phút lặng im, nhạc sĩ rơm rớm nước mắt thốt lên: “Đây là cây đàn mà tôi học nhạc với thầy Hoàng Nguyên cách đây đúng 60 năm”.

Ông bảo cây đàn gợi lại bao ký ức về một thời tuổi trẻ và người thầy đáng kính bởi vào năm 1956, dưới mái trường Grand Lýcee Yersin Đà Lạt, ông đã được nhạc sĩ Hoàng Nguyên dạy nhạc bằng chính cây đàn này. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp tú tài 2, cha mẹ muốn ông làm kỹ sư hoặc giáo viên nhưng ông lại đam mê âm nhạc. Qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, ông được tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Dẫu là con nhà khá giả nhưng vì cãi lời cha mẹ nên ông phải biểu diễn dương cầm ở các quán bar, nhà hàng để mưu sinh.

Chủ quán cà phê Tùng ở khu Hòa Bình (Đà Lạt) mang đến trưng bày chiếc bàn bằng gỗ và đôi ghế làm bằng tre mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly thường ngồi uống cà phê vào những năm 60 của thế kỷ trước. Ngoài ra còn có bức ảnh nhạc sĩ tài hoa chụp cùng những người bạn trong lần đầu tiên đến Đà Lạt.

“Vũ Hoàng luôn mang trong tim hồn đất, hồn người Đà Lạt; là gã tình nhân si tình của vùng đất này, mãi mãi yêu thương và cháy bỏng đam mê”.

Nhà thơ Thường Đoan

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.