Man Asian Literary - Giải thưởng văn học châu Á đầu tiên

Man Asian Literary - Giải thưởng văn học châu Á đầu tiên
Lần đầu tiên, châu Á có một "sân chơi" lớn dành riêng cho văn học, đó là giải thưởng Man Asian Literary, ra đời nhằm khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ và tôn vinh những tài năng văn học của châu lục lớn nhất thế giới.

Ðây là giải thưởng được sáng lập bởi tổ chức Man Hong Kong International Literary Festival cùng một số trường đại học ở Hồng Công và được sự tài trợ của Man Group PLC - tập đoàn tài trợ cho giải Man Booker danh tiếng.

Giải thưởng được trao lần đầu trong năm nay, dự kiến vào ngày 1-11 tới, trị giá 13.000 USD, trong đó tác giả nhận 10.000 USD, dịch giả nhận 3.000 USD.

Vì là một châu lục đa ngôn ngữ nên Ban tổ chức yêu cầu các tác phẩm phải được dịch ra tiếng Anh và dài hơn 30.000 chữ, với ý tưởng góp phần kích thích sự phát triển của hoạt động dịch thuật, mở rộng cánh cửa để văn học châu Á đến với đông đảo bạn đọc trên thế giới.

Tuy nhiên, chỉ những tác phẩm gốc xuất bản tối đa trước tám năm so với hạn dự thi mới đủ điều kiện tranh giải. "Có rất nhiều tác phẩm xuất sắc đã trở thành kinh điển, nhưng đó không phải là đối tượng của giải này".

Man Asian Literary - Giải thưởng văn học châu Á đầu tiên ảnh 1

Nữ nhà văn trẻ của Trung Quốc - Quách Tiểu Lộ.

Ông Peter Gordon, Chủ tịch Festival Văn học Hồng Công, Chủ tịch giải thưởng nói rõ quan điểm. Tác phẩm dự thi không nhất thiết phải lấy bối cảnh, chủ đề hay có nhân vật là người châu Á, chỉ cần tác giả phải là công dân của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ châu Á (ngoại trừ khu vực Tây Á).

Ngay từ năm đầu tiên, giải thưởng đã thu hút được 243 nhà văn ở khắp các nước châu Á tham dự, 23 tác giả đã lọt vào vòng chung kết, trong đó, Ấn Ðộ chiếm 11 tác giả, với gần một nửa là tác giả nữ.

Dẫn đầu trong danh sách lọt vào vòng chung kết giải Man Asian Literary lần này là Quách Tiểu Lộ (Xiaolu Guo), một nhà văn trẻ của Trung Quốc với cuốn tiểu thuyết mới 20 mảnh vỡ của khát vọng tuổi trẻ (Framents of a Ravenous Youth).

Ngoài ra, cũng từ Trung Quốc, còn có nhà văn Khương Nhung với tác phẩm nổi tiếng Tôtem sói đã phát hành ở Việt Nam.

Nữ nhà văn trẻ Nhật Bản Hitomi Kanehara, người từng đoạt giải Akutagawa, giải thưởng văn học danh giá nhất của Nhật Bản năm cô 21 tuổi cũng lọt vào danh sách đề cử lần này với tiểu thuyết Tự truyện (Autofiction).

Theo Hoàng Bách
Nhân Dân

MỚI - NÓNG