Manga hóa Shakespeare và…

Manga hóa Shakespeare và…
TP - Làn sóng say mê manga- truyện tranh kiểu Nhật Bản, đang lan rộng trên nước Anh đã thúc đẩy các NXB ở đây cho ra đời phiên bản manga các tác phẩm của nhà soạn kịch William Shakespeare và thậm chí cả kinh thánh.
Manga hóa Shakespeare và… ảnh 1
Bìa cuốn manga Romeo và Juliet

Các họa sĩ Anh đang cố gắng tham gia tái tạo thể loại nghệ thuật truyện tranh truyền thống Nhật Bản này trong khi nhu cầu đối với các dịch phẩm manga từ Nhật như Giỏ trái cây (Fruits Basket) và Thái không phi thử (Astro Boy) cũng tăng vùn vụt, một thực tế đã trở nên phổ biến tại các nước Mỹ, Pháp và Đức.

“Tại Anh, sự say mê manga đang lên đến cực điểm”- họa sĩ John Aggs, vừa giành chiến thắng trong một cuộc thi vẽ manga diễn ra tại Anh và Ailen do NXB Tokyopop đứng ra tổ chức nói.

“Đây là điều kỳ diệu của manga. Nhật Bản là một đất nước xa xôi, vậy mà giờ đây nó trở nên thời thượng, lôi cuốn mọi người”- Aggs tiếp.

Từ thời Trung cổ, nghệ thuật tranh biếm họa của Nhật đã ra đời, nhưng từ manga, nghĩa đen là “bức tranh kỳ quái”, chỉ xuất hiện khi họa sỹ khắc gỗ người Nhật thế kỷ 19 Katsushika Hokusai sử dụng nó để mô tả các tác phẩm của mình. 

Vào đầu thế kỷ 20, manga mới mang ý nghĩa như hiện nay– dùng để miêu tả toàn bộ nghệ thuật truyện tranh Nhật Bản. Sau thế chiến II, phong cách này thực sự nổi tiếng nhờ các tác phẩm của Osamu Tezuka, thường được gọi là “vị thánh của manga”, người tạo ra các nhân vật nổi tiếng mà điển hình là Astro Boy.

Các nhân vật mang phong cách manga xâm nhập thế giới game và phim hoạt hình tạo ra cái nhìn mặc định của trẻ nhỏ đến thế giới này. Mọi người cũng rất say mê với các cuốn sách manga – thường tương đương với một bộ truyện tranh dài kỳ –  đa dạng về nội dung, từ kinh dị, lãng mạn đến hài hước.

“Tại Anh, chúng tôi đi từ con số không đến một ngành kinh doanh mà doanh thu mỗi năm  tăng gấp đôi” - Giám đốc đại diện tại Anh của Tokyopop, một NXB Nhật thâm nhập thị trường này từ hơn 3 năm trước đây, nói.

Sự phổ biến của manga đã truyền cảm hứng cho các NXB để họ tìm đến lớp khán giả mới. David Moloney, giám đốc biên tập sách về Thiên chúa giáo của NXB Hodder & Staughton, quyết định cho ra đời phiên bản kinh thánh manga tiếng Anh đầu tiên. “Manga là một hình thức kể chuyện rất phổ biến thời điểm này, vậy sao không thử lồng các nội dung của kinh thánh vào”.

Siku, họa sĩ minh họa tài năng từng nổi tiếng với nhân vật Judge Dredd trong loạt truyện tranh 2000 AD, được giao thực hiện công việc này.  Hiện, Siku đã cho ra đời cuốn manga Tân Ước, xuất bản tại Anh tháng 2 vừa qua, và đang tiếp tục hoàn thành toàn bộ bản manga kinh thánh. Dự định, cuốn sách ra mắt vào tháng 7 tới và năm sau sẽ được NXB Doubleday phát hành tại Mỹ.

Các tác phẩm kinh điển của văn hào Shakespeare cũng đang được manga xử lý. 1/3 vừa qua, các phiên bản Romeo và Juliet, Hamlet ra mắt tại Anh, hiện nay các cuốn này cũng đang được tiến hành xuất bản tại Mỹ và Nhật.

Tới đây Hayley sẽ cho ra mắt các tác phẩm khác của Shakespeare như Bão tố, Giấc mộng đêm hèRichard III  trong kế hoạch xuất bản toàn bộ tác phẩm của tác gia vĩ đại này.

Theo giáo sư Marie Conte-Helm, giám đốc Quỹ Daiwa Anh- Nhật, một tổ chức từ thiện trợ giúp các quan hệ Anh-Nhật, sự phổ biến của manga cùng với sự yêu thích món ăn Nhật Bản như sushi cũng như xu hướng ưa chuộng thời trang Nhật đã giúp đất nước này thu hút thêm nhiều sự chú ý. Và bà gọi đây là một “hiện tượng văn hóa trẻ trung”.

Đăng Ngọc
Theo Reuteurs

MỚI - NÓNG