“Mật mã Da Vinci”: Thành công từ đâu tới?

“Mật mã Da Vinci”: Thành công từ đâu tới?
TP - Được chọn chiếu đình đám tại LHP Cannes, chỉ sau chục ngày công chiếu tại 82 quốc gia, “The Da Vinci Code” (Mật mã Da Vinci) đã thu về hơn 220 triệu đô-la.
“Mật mã Da Vinci”: Thành công từ đâu tới? ảnh 1
Tom Hanks và Audrey Tautou trong phim “Mật mã Da Vinci”

Và trở thành phim thứ 2 gặt hái lớn trong tuần lễ ra mắt, chỉ sau “Star Wars: Revenge of the Sith” (Chiến tranh các vì sao: Cuộc báo thù của người Sith - hơn 250 triệu đô).

Và bất chấp những bài điểm phim không mấy thiện cảm trên hầu hết các báo lớn tại Mỹ, thành công bước đầu của bộ phim không chỉ nhờ vào sự hiếu kỳ.

Trước đó, tiểu thuyết “Mật mã Da Vinci” có doanh số chỉ đứng sau... Kinh Thánh!  Khi Ron Howard - từng nổi tiếng với các phim “A Beautiful Mind” (Một tâm hồn đẹp) và “Cinderella Man” (Chàng Lọ Lem)  nhận đạo diễn phim này, không ít người tỏ ý ái ngại.

Nếu phim bị các tín đồ Thiên Chúa tẩy chay thì thất bại là khó tránh bởi họ chiếm đa số tại các nước phương Tây- thị trường chính của các phim Hollywood.

Khá trung thành với nguyên tác, đạo diễn đã làm một siêu phẩm giải trí ly kỳ với diễn xuất khó chê của Tom Hanks.

Tom Hanks thủ vai nhà biểu tượng học Robert Langdon của trường Harvard. Khi đang ở Paris thuyết trình, ông được thanh tra Fache (Jean Reno đóng) báo tin một người trông coi bảo tàng Louvre đang hấp hối do bị bắn trọng thương, và mời hợp tác điều tra.

Rất may nạn nhân vẫn kịp dùng máu của mình để viết ra các ký hiệu cùng lời nhắn nhủ gửi đến cô cháu gái là nữ chuyên gia giải mã người Pháp Sophie Neveu (Audrey Tautou thủ vai).

Sophie cảnh báo Robert về mối nguy hiểm rình rập vì chính ông bị tình nghi là thủ phạm vụ án mạng. Kể từ đó, để minh oan, đồng thời khao khát vạch trần sự thực, hai người sống lưu lạc điều tra sự việc.

Nhiều lớp truyện đan xen những cuộc rượt đuổi, những phát kiến và những cuộc chạy trốn, trong đó hồi hộp hơn cả là trường đoạn nói về cuộc truy tìm và giải mã chiếc Chén Thánh đầy bí ẩn liên quan giáo phái Opus Dei.

Từng hợp tác thành công với Ron Howard qua vai trò biên kịch trong “Cinderella Man” (Chàng Lọ Lem), Akiva Goldsman đã lột tả được hầu hết thần thái nguyên tác của Dan Brown.

Tuy nhiên, dễ nhận thấy trong phim, hành động của các nhân vật được chú trọng hơn lời thoại – đây là điểm không mấy dễ chịu với ai chưa đọc tiểu thuyết.

Sau một thời gian công chiếu, có vẻ dư luận cũng bớt căng thẳng và các nhà phê bình bắt đầu nhìn nhận “Mật mã Da Vinci” một cách công bằng hơn trên phương diện giải trí thuần túy.

MỚI - NÓNG