“Mật mã Dan Brown” đã được mở

“Mật mã Dan Brown” đã được mở
TPCN - Ra mắt ở Hoa Kỳ tháng 5/2005, Mật mã Da Vinci của tác giả Dan Brown mau chóng được dịch ra 45 ngôn ngữ. Tuy nhiên, nó cũng gây ra hai vụ án văn chương mang tính thời đại khá điển hình.
“Mật mã Dan Brown” đã được mở ảnh 1
Dan Brown

Dan Brown là nhà văn được đọc nhiều bậc nhất hiện nay trên toàn cầu. Trong bốn tiểu thuyết đã in của Dan Bown, Mật mã Da Vinci là cuốn thành công nhất.

Ra mắt ở Hoa Kỳ tháng 5/2005, nó mau chóng được dịch ra 45 ngôn ngữ, hiện con số tiêu thụ được đã vượt 40 triệu bản, mang về cho tác giả không dưới 250 triệu USD, khiến Dan Brown lọt vào 100 người mạnh nhất thế giới hiện thời.

Điều thú vị là Mật mã Da Vinci gây ra hai vụ án văn chương mang tính thời đại khá điển hình. Tháng  7/2005, nhà văn Mỹ Lewis Perdue kiện Dan Brown đạo văn từ hai tiểu thuyết Con gái của Chúa (Daughter of God, xuất bản năm 2000), và Di sản của Vinci  (The Da Vinci Legacy, 1983); đòi được bồi thường 150 triệu USD.

Ngày 8/8/ 2005, thẩm phán Liên bang George Daniels phán quyết rằng Mật mã Da Vinci vốn khai thác những mật mã trong tác phẩm của Leonard de Vinci về cơ bản không  tương đồng với hai tác phẩm của Lewis Perdue”, vốn thiên nhiều về hành động, bạo lực, và chết chóc bi thảm.

Thẩm phán khẳng định: “Những ý tưởng và đề tài chung không thuộc phạm vi bảo vệ của Luật bản quyền”. Như vậy, Dan Brown vô tội.

Đầu năm nay, hai trong ba tác giả người Anh của cuốn chuyên luận Ẩn ngữ tôn giáo (Holy Blood, Holy Grail) là Michael Baigent và Richard Leigh, đã đệ đơn lên Tòa án tối cao London, Anh.

Họ buộc tội không chỉ Dan Brown mà cả nhà xuất bản Anh quốc Random House đã “sao chép” ít nhất cũng chủ đề trung tâm của cuốn sách của họ, do chính nhà xuất bản trên công bố năm 1982 và đã tiêu thụ được trên hai triệu bản.

Chủ đề trung tâm ấy là một bí mật mà lâu nay Giáo hội ra công bảo vệ bằng cả máu. Ấy là chuyện Jésus Christ và Marie - Madeleine đã kết hôn với nhau và sinh ra nhiều con mà một dòng họ là hệ các vua Mérovingiens, trong tương lai sẽ trị vì nước Pháp.

Hậu duệ của Jésus và Marie - Madeleine hiện vẫn sống ở nước này và được Tu viện Sion bí ẩn bảo vệ. Trong quá trình xét xử, một mặt, Dan  thẩm Brown phải khai trước tòa cách thức sáng tác của mình, mặt khác, các quan tòa, nhất là phán, phải đọc kỹ lại hai cuốn sách liên quan.

Sau năm tuần nghị án, ngày 7/4, thẩm phán Peter Smith, Tòa tối cao London, đã đọc bản tuyên án trong phòng xử chật cứng người, im phăng phắc và trong sự chờ đợi đầy sợ hãi của giới văn chương.

Theo bản tuyên đó, ẩn ngữ tôn giáo không có chủ đề trung tâm. “Thậm chí, nếu chủ đề trung tâm được sao chép thì nó cũng quá phổ biến và chưa đủ trừu tượng để Luật bản quyền can thiệp”.

Thẩm phán Smith từ chối việc cho phép hai nguyên đơn kháng án, đồng thời buộc họ bồi hoàn cho Nhà xuất bản Random House 85% án phí, tức 1,87 triệu euros, đợt đầu là 500.000 euro vào ngày 5/5 tới đây.

“Mật mã Dan Brown” đã được mở ảnh 2

Bản án càng thúc đẩy việc tìm hiểu thành công của Dan Brown nói chung và của Mật mã Da Vinci nói riêng. Dan Brown từng tốt nghiệp đại học nghệ thuật, từng giảng dạy tiếng Anh, trước khi chuyển hẳn sang nghề viết năm 1996, do quá say mê các “luật kín” và mật mã.

Ông làm việc ở nhà mình tại New Hampshire. Ông chia công việc viết văn của ông thành ba công đoạn:1, chọn lựa ý tưởng; 2, nghiên cứu và viết; 3, in ấn và phát hành. Công đoạn đầu dễ hơn cả và cũng tốn ít thời gian nhất.

Vợ ông Blythe, một nhà lịch sử nghệ thuật, là trợ thủ đắc lực, nhất là ở công đoạn hai. Nếu đấy là công nghệ, ông làm là chính. Nếu là nghệ thuật, vợ ông phụ trách gần như hoàn toàn.

Ông không đọc và sửa bản thảo trên máy vi tính mà thường in ra và đọc trong phòng khách cho một số người nghe để tham khảo ý kiến và nâng  cao tác phẩm.

Ông cũng chọn lối viết từng chương ngắn với những thay đổi bất ngờ. Các nhà văn khác lấy chất liệu chủ yếu trong đời sống. Dan Brown thì chủ yếu trong sách vở  và tư liệu. Để viết Mật mã Da Vinci, ông đã đọc 38 quyển sách và hàng trăm tài liệu liên quan đến Jésus.

Tháng Giêng năm 2001, ông làm xong phác thảo, rồi mới đọc đến ẩn ngữ tôn giáo của ba nhà sử học Anh như nói trên.

Ba cái tài của Dan Brown đã được các nhà khoa học chỉ ra là: 1) khai thác rất giỏi các nguồn lý thuyết về mưu lược; 2) đưa ra rất nhuần nhị các phát biểu nữ quyền, làm say lòng nữ độc giả Mỹ;  3) “điểm huyệt” kỳ tài vào nhu cầu về cái huyền bí và huyền diệu của con người.

Nhờ những biến hóa đột ngột, ông bao giờ cũng giữ được khoảng cách tối cần để không bị kết tội là tuyên truyền cho những luận thuyết phản Tam điểm hay bài Do Thái.

Những công kích của ông nhằm vào Nhà thờ, Opus Dei (Viện đào tạo chức sắc tôn giáo), những bay bổng của ông trên đôi cánh của tự do, những suy nghĩ hiện đại của ông về Chúa Trời, hay chủ nghĩa nữ quyền của ông làm rối đường hướng cảm nhận và vô hiệu hoá các ý tưởng phê bình.

Cho nên, gần như mọi kiểu độc giả đều hài lòng, từ các học giả đến người lao động chân tay, qua trí thức, công chức, học sinh. Dan Brown được suy tôn là vua “tái chế và sử dụng phế thải” (triết học, lịch sử...).

Ông từng công bố trên web của bản thân: “Trong sách này, tôi phát giác một bí mật vẫn được thì thào từ nhiều thế kỷ. Tôi không bịa ra nó. Lần đầu tiên, bí mật ấy được bóc trần trong một truyện “giật gân” hấp dẫn. Tôi thành thật hy vọng rằng Mật mã Da Vinci được sử dụng để mở ra những nẻo lối tư duy mới”. 

Ấy là vì “từ thượng cổ tới nay, lịch sử luôn luôn được viết bởi những người chiến thắng”.

Điều này có nên được coi là một phẩm chất văn chương? Hiện đa phần được các nhà nghiên cứu đều cho Mật mã Da Vinci chỉ là sách đọc khi chờ tàu. Nó không thể tồn tại cho tương lai...

Hà Thu Trang
Tổng hợp

MỚI - NÓNG