Mặt nạ - “vũ khí” lợi hại của người Tây Nguyên

Hóa trang trước khi vào lễ hội.
Hóa trang trước khi vào lễ hội.
TP - Tin rằng các thế lực siêu nhiên có thể chi phối cuộc sống thường nhật của buôn làng nên người Tây Nguyên rất kính trọng, cầu cạnh thần linh và cả ma quỷ. Tuy nhiên trong những tình huống bất khả kháng, họ sử dụng mặt nạ như “vũ khí” lợi hại để “chiến đấu” với ác ma.

Vào cuối năm cũ, đầu năm mới âm lịch, khi hạt lúa, hạt bắp đã về kho, men rượu được ủ chín, nắng hanh hao, trời se se lạnh là bắt đầu mùa lễ hội Tây Nguyên. Người miền xuôi gọi đó là Tết Thượng với những nét văn hóa đặc sắc làm say đắm lòng người. Tưng bừng hơn cả là các lễ hội cầu an, pơ thi…, trong đó ly kỳ và hấp dẫn nhất là các màn đeo mặt nạ hoặc vẽ mặt, trát bùn hóa trang thật kỳ dị để “chiến đấu” hoặc lừa phỉnh ác ma.

Độc đáo mặt nạ hoá trang

Mặt nạ - “vũ khí” lợi hại của người Tây Nguyên ảnh 1

Già làng Krajăn Plin (ở giữa) cùng dân làng hóa trang. Ảnh: KP

“Bởi mặt nạ là bộ phận quan trọng nhất làm nên hình ảnh của những chú hề hoặc chiến binh trong lễ hội nên phải trông thật ngộ nghĩnh, gây cười khiến người xem thích thú hoặc thật quái dị để tạo cảm giác sợ hãi. Đó có thể là mặt người nhưng mang cái mũi của quái vật và cái lưỡi thật dài hoặc mắt ti hí, còn miệng thì méo xệch, ngoác ra trông rất hài hước”, Thượng tá Đặng Minh Tâm (thành viên Hội cổ vật Nam Bộ và là hội viên hội UNESCO Việt Nam) nói. Ông từng nhiều năm sống cùng đồng bào thiểu số, được thương yêu, quý trọng như người con của buôn làng và được đặt tên là K’Tâm.

Ông K’Tâm (56 tuổi) đang sở hữu bộ sưu tập “khủng” gồm 3.000 hiện vật về Tây Nguyên, trong đó có mặt nạ, áo và khố làm bằng vỏ cây tre của người Jrai ở Kon Tum. Ông cho biết nghệ nhân khoét và khắc trên tấm gỗ có kích thước khoảng 25 x 30cm nhằm tạo hình khuôn mặt rồi ngâm dưới bùn vài tháng để không bị nứt nẻ, mối mọt. Sau đó lấy màu phết lên để trang trí. Người chế tác tận dụng màu trắng từ bản thân thớ gỗ để làm màu da, màu răng; màu đen dùng tô vẽ tóc, sừng, râu, lông mày; màu đỏ tô phần miệng, lưỡi…

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (Giám đốc Bảo tàng Gia Lai), chất liệu để làm mặt nạ còn là những loại củ to có thể ôm hết khuôn mặt người như củ chuối, củ nâu... Nghệ nhân thường chọn những củ có hình thù ban đầu gần giống mặt người hay con vật rồi dựa theo hình dạng của củ mà cắt gọt, khoét rỗng... để tạo hình; tận dụng những chỗ nhô ra, móp vào, thậm chí cả phần rễ trên củ để cắt, tỉa một cách khéo léo làm thành những chiếc mặt nạ lạ lẫm. Hình thù của mặt nạ tùy thuộc vào sự sáng tạo và trí tưởng tượng của nghệ nhân nhưng phổ biến là đầu người và các con thú hay những nhân vật được mô tả trong truyền thuyết, sử thi. Mỗi mặt nạ có nét độc đáo riêng, không cái nào giống cái nào.

Mặt nạ - “vũ khí” lợi hại của người Tây Nguyên ảnh 2

Mặt nạ dữ

Phải là những thợ điêu khắc lão luyện biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa gọt đẽo và sử dụng sắc màu mới làm được những chiếc mặt nạ đúng chất, thể hiện được “cái hồn”. Chỉ với một đường khoét lõm ở đuôi mắt, khóe môi hay đường cong trên má là có thể toát lên tính cách của chiếc mặt nạ: hung dữ hay hiền lành. Mặt nạ dữ thường không giống con người mà mang dung mạo của những ma xấu, quái vật: Đầu có hai chiếc sừng nhọn như “Ngưu ma vương”, mắt trợn trừng nanh ác, mồm rộng nhe răng nanh nhọn hoắt, lưỡi thè ra đỏ chóe… Thoạt nhìn đã khiến người xem lo sợ, khiếp đảm. Dây đeo mặt nạ được tước từ một loại cây trong rừng rồi se thành sợi nên rất bền và dai.

Lạ lùng lễ hội cầu an

Từ tờ mờ sáng, người dân buôn Đang Ja (Lạc Dương, Lâm Đồng) dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ đã tất bật với việc hóa trang để chuẩn bị tổ chức lễ hội cầu an, một trong những lễ hội truyền thống có từ xa xưa và truyền lại cho con cháu hôm nay. Đây là lễ cầu xin các vị thần linh trợ giúp xua đi những chuyện xui xẻo, bệnh tật để dân làng khỏe mạnh, làm được nhiều rẫy lúa, nương ngô...

Đến giờ linh, chủ lễ bước ra trước giàn hiến tế khấn nguyện: “Ơi thần núi thần sông. Ơi ma ông ma bà! Hãy đến vui cùng buôn làng chúng tôi! Đến uống rượu cần làm từ hạt lúa mẹ, từ dòng suối nguồn ngọt ngào! Phù trợ cho mùa màng tươi tốt, cho chúng tôi nhiều heo bò gà trâu”.  Khấn xong, chủ lễ đặt đầu trâu lên giàn hiến tế và lấy máu con vật hiến sinh bôi lên cây nêu với ngụ ý gởi thông điệp mời các thần linh và ma quỷ đến nhận lễ vật; mong các vị hãy thụ hưởng, vui chơi và đừng làm hại dân làng. Sau đó mọi người tấu chiêng, thổi khèn, ăn uống no say, nhảy múa tưng bừng. Tiệc tàn, chủ lễ đọc bài văn tiễn các thế lực siêu nhiên trở về những đỉnh núi cao, khu rừng rậm rạp, hang thẳm khe sâu hiểm trở. Nếu các ác ma và linh hồn vất vưởng không chịu rời đi mà quẩn quanh hại người thì dân làng sẽ hóa trang thành ma quỷ để chiến đấu đẩy đuổi ra khỏi buôn làng.

Mặt nạ - “vũ khí” lợi hại của người Tây Nguyên ảnh 3

Tại lễ hội cầu an

Già làng Krajăn Plin cho biết các tộc người phía Bắc Tây Nguyên thường đeo mặt nạ gỗ, đóng khố da trâu hoặc rễ cây rừng, khoác áo choàng được làm từ bông lau, rễ cây xi, lá chuối khô hay những tua rua bằng tre, nứa. Còn ở Nam Tây Nguyên như người K’Ho thì dân làng giúp nhau lấy các loại phấn màu được chế tác từ cây rừng vẽ trực tiếp lên da thịt sao cho giống gương mặt của ma quỷ rồi lấy bùn hoặc đất sét pha loãng trát đầy người. Có người đeo một sợi dây ngang qua lỗ mũi để kéo hai lỗ mũi hếch lên; chống 2 nan lồ ô nhỏ 2 bên mắt nhằm kéo căng 2 hốc mắt; đẩy một vòng tròn bằng kim loại bên ngoài phần lợi của răng cửa để mở ngoác phần môi ra. 

Trong tiếng cồng chiêng dồn dập, đoàn người hóa trang thật ghê rợn, quái dị đi từ đầu buôn đến cuối buôn; vừa đi vừa hú hét tay lăm lăm giáo mác làm các động tác như đang đánh nhau để dồn đuổi thế lực đen ra khỏi buôn. Sau đó đoàn người tắm rửa, lội hoặc bơi theo con suối, con sông để xóa dấu vết rồi mới về tới nhà. Thế lực đen bị mất dấu nên không thể theo về buôn nữa, đành phải trở về làng ma. 

Có nhà nghiên cứu cho rằng mặt nạ là loại hình mang đậm dấu ấn nghệ thuật nguyên thủy, thường được các chiến binh xưa dùng trong chiến đấu và có liên quan đến tục săn đầu người, một tập tục khá rùng rợn từng tồn tại ở một số tộc người.

MỚI - NÓNG