Màu bóng tối

Minh họa: Bình Minh
Minh họa: Bình Minh
TP - Cha con Chín Diện làm cả xóm hai của ấp Hoàn Sở như giặc dậy. Chín xách cây ba phân vuông rượt thằng con. Nhưng mà chạy chi nổi khi con ma men đang dâng tận đỉnh đầu. Thiên hạ xúm nhau coi chơi, đã coi lại còn cười làm quán Hai Long vui như ba ngày tết. Dân xóm này xưa nay vậy, to nhỏ chi cũng bàn, nhiều chuyện thôi thì khỏi chê tiếng nào đi.

Mà chuyện thằng Diện con già Chín đáng để bàn lắm. Ai đời con trai nheo nhẻo chẳng những yêu thì chớ, còn sống với con Trang như vợ chồng. Nhỏ nầy có một đứa con gái. Chuyện nầy xưa nay không hề lớn, trai lấy gái góa chuyện quá thường. Sở dĩ già Chín chửi inh trời xóm hai là vì nhỏ xuất thân từ quán cà phê Cỏ Dại, một loại đèn mờ chính hiệu con nai đen.

Ôi dào. Cha Chín này rách việc quá. Chuyện tình yêu của người ta, nó yêu ai thời có quyền lấy người đó làm vợ. Thiên hạ dạy rằng lấy đĩ làm vợ hơn là lấy vợ về rồi làm đĩ. Cũng tình thiệt mà nói, dân xóm hai nầy mấy ai mát mái thuận buồm? Ai chẳng rổ rá cạp lại? Cha nội Sáu Linh, một vợ ba con nhưng con gái lớn là con riêng của bả. 

Cha Tèo Bầu cũng vậy luôn, và nhiều nhiều nữa những người khác mà họ cũng hạnh phúc chớ có sao đâu? Không phải chồng trước của bà Chín đi lính bên K bị Khmer đỏ cho lên bàn thờ ngồi đó sao? Và già Chín, cũng K về, thương binh loại ba vì lủng bụng, ráp vô bà Chín mà nên vợ chồng. 

Vậy thì có gì lớn đâu khi thằng Diện phải lòng một em ở cà phê ôm? Ẻm có sa vô bước cùng mới đưa thân ra cho mấy ảnh ôm kiếm tiền nuôi con. Gái vậy ta phải thương cho cảnh của họ chớ, đúng hông? Bày đặt ngăn cấm nầy nọ, cha Chín nầy đúng là rách việc quá xá quà xa đi.

Thôi ông con, ông ngoài lộ lớn vô đây biết khỉ mẹ gì xóm hai nầy. Ông không biết xí xi gì về cha Chín đâu mà xía mỏ dzô. Cha Chín là đại sư phụ ở đây, ổng có dzõ đó cha nội. Chả có chiêu bí truyền chớ không phải đùa chơi đâu.

- Thiệt không? Chiêu gì?

- Khà khà khà. Đó là chiêu Trâu già khoái gặm cỏ non…

Không tin hả? Ở xứ nầy muốn biết có bao nhiêu cái quán lá móc võng, quán nào có bao nhiêu em, em nào ra làm sao cứ hỏi ổng là ra hết. Tao chắc như đinh đóng vô cột rằng: Chả đã từng thò tay thúi vô ngực áo con Trang nên mới ra sức ngăn cấm thằng Diện. Hiểu chưa?

- Trời đất ơi.

- Trời đất cái con khỉ khô. Chuyện nhỏ. Có bán ắt có mua, có tiền mua tiên cũng được có chi đâu lạ.

Nói sao mà nghe kinh quá. Kinh kiếc gì. Xứ nầy từ ngã ba Mỏ Đá đến Cây Xăng Đôi cả ba chục cái quán lá. Sao công quyền không dẹp loạn? Chỉ thử một chiêu để dẹp coi. Quán tôi mở ra bán cà phê nước ngọt có giấy phép và đóng thuế hẳn hoi, tiếp viên được đăng kí đàng hoàng.

Tụi nó bồ bịch, ôm nhau kệ cha nó chớ, mấy ông ra ngoài đường mà cấm tụi nhỏ ôm. Còn chuyện mại dâm hả? Mô phật, mấy ông đừng có mà nói không bằng chứng, cứ bắt cặp nào làm bậy trong quán tui, mấy ông cứ phạt.

Bọn nó khôn lắm, muốn là kéo nhau vô nhà nghỉ bình dân. Ở đó có bảo kê bảo kiếc hết rồi. Mà làm chi nhau, tôi và người yêu vô nhà nghỉ tâm sự, mắc mớ chi tới ai. Và cái mấy ẻm cần đâu phải ly cà phê trăm ngàn bạc. Vô nhà nghỉ mới có đệm ấm chăn êm và tiền nhiều. Vậy mới có mà gửi về quê cho ba má, lo cho bầy em nheo nhóc, mũi dãi lòng thòng. Tội lắm hỡi người ơi.

Nhưng mà sao thằng Diện lại dính vô gái ôm? Thì yêu mà. Đã nói tình yêu tuy cũ mèm nhưng đố cha thằng nào lí giải được. Nó gói gọn trong mấy từ kì cục, kì dị, kì quái. Mấy cái kì dồn vô một cái gọi tình yêu. Không phải sao? Nhỏ Thắm xinh như hoa sớm mai, đắm đuối thằng Tư Hô, bà mẹ nó, nhìn bộ răng Hô là ăn cơm hết ngon, vậy mà nhỏ Thắm mê nó mới kì cục. 

Thằng Út Hiền con Tám Lâm đẹp trai như diễn viên lấy con vợ xấu ỉnh, thiên hạ mắng yêu bọn này bị khìn. Riêng thằng Diện thì không khìn khìn mà họ nói khùng thẳng miệng. Thiệt đó, không thằng nào trong xóm hai chưa ôm con Trang. Vì sao? Con nhỏ tuy một con mà đẹp ơi là đẹp, lại chiều khách tới bến. Nó mà về làm dâu xóm nầy, trời ơi, bọn trai trẻ, trai già chắc có đường á khẩu. Vậy nên, Chín cấm Diện là có lí.

Không có lí lẽ gì khi con ma tình nó ám. Thằng Diện chả nói chả rằng, nó dẫn nhỏ Trang và con của ẻm đi thuê phòng trọ. Với Diện tháng triệu bạc chả nghĩa địa gì. Lại cho con của vợ đến nhà trẻ hẳn hoi. Vậy thôi, chẳng cưới xin gì được vợ thì chớ, còn lời thêm đứa con. Quan trọng là hai ta yêu nhau. Chuyện cũ của em nhớ đến chi cho rách việc. Cái của chúng ta là ngày mới bắt đầu. Phải không cưng?

Nhỏ Trang có yêu Diện hay không thời gian sẽ trả lời, còn Diện yêu Trang lắm, nó chả nai tơ gì. Bao nhiêu quán ôm xứ nầy nó đều có mặt, biết hết và biết tất. Có câu nhất chơi tiên nhì giỡn tiền. Tiên sa cả trăm em rẻ bèo, vậy mà đắm là yêu chớ chi nữa. Diện tuy nghèo và chữ nghĩa gói gọn trong cái lá mít nhưng biết cách làm ra nhiều tiền.

Khác với thiên hạ chỉ ôm iếc khi trời tối. Diện đến lúc hai giờ chiều, bốn giờ là tạm biệt em yêu. Cái trái khoáy nầy là do đặc thù nghề nghiệp. Nó đến quán luôn vắng khách nên được ngồi với Trang lâu lâu. Em nói:

- Về sớm vậy anh, ngồi chơi tí nữa đi.

- Tới giờ anh đi kiếm tiền rồi cưng.

Em ngạc nhiên:

- Anh làm gì vào giờ nầy?

- Anh bốc mủ.

- Bốc mủ?

- Em không biết đâu. Việc anh bắt đầu vào năm giờ cho tới sáng. Ba bữa em về sống với anh rồi biết thôi mà.

Lúc ấy Trang không hề biết Diện muốn trăm năm với mình:

- Anh cứ giỡn không hà. Em dzầy ai mà thèm.

- Anh thèm là được rồi.

Chỉ đơn giản vậy thôi mà tấn tần nên duyên. Nói vậy chớ đời Trang ơi là khổ. Cô nói với Diện trong nước mắt :

- Em hai con rồi anh. Thằng chồng em nó khốn nạn lắm. Có ba giọt rượu nó vũ phu, tàn bạo với em. Sống trên ghe, nó đánh em lọt xuống ghe. Chia cho em con bé, còn nó bắt đứa con trai. Em lên đây đâu biết làm gì ngoài cái nghề này hả anh? Anh có thương em thì thương cho thiệt, đừng bỏ em giữa chừng tội nghiệp em.

Chao ơi là tương. Nghe nước mắt và kiểu nói này có đá cũng mềm nói chi trái tim mấy thằng si tình. Diện ta về nói với ông bà Chín. Bà thì sao cũng đặng, còn ông thì nổi tam bành lục tặc. Nhưng chẳng có gì chia được uyên ương. Diện ung dung thuê phòng trọ, và vui vẻ khi bà má vợ được vợ lôi lên coi con cho vợ chồng đi bốc mủ. Nghề này còn gọi là mót mủ.

Mót? Mủ ở đâu mà mót?

Trong lô chớ đâu. Trong lô? Nói nghe không hiểu được. Có gì mà không hiểu, nói mót cho có vẽ lương thiện chứ thiệt ra là... ăn cắp của nông trường. Mẹ ơi, tài sản quốc gia mà ăn cắp? Ở tù như không.

Khỏi lo vụ tù tội, chẳng thể nào bắt cho hết tập đoàn mót mủ. Trên năm chục mạng xa lắc. Cứ hai giờ chiều là tập trung tại quán Hai Long. Lai rai, đàn ông rượu, đàn bà con nít xi rô đá bào, bánh tét, bánh ú. Vợ chồng Hai Long ăn nên làm ra nhờ vào lực lượng nầy. Tầm năm sáu giờ chiều, khi công nhân của nông trường trút xong, lên xe về nhà là cả bọn túa vô.

À, vậy là khai thác xong, người ta có quyền mót. Sao lại gọi ăn cắp? Nói bậy bạ không sợ mích lòng. Mích lòng cái gì? Trút xong, mủ thừa tiếp tục chảy vào chén, hôm sau công nhân sẽ tiếp tục thu để giao nộp sản phẩm, các anh các chị tuôn vào lấy sạch. Rồi bảo mót, buồn cười không?

Nhưng thực ra cũng không còn bao nhiêu, đúng không? Anh trút sạch rồi, thừa thãi đáng là bao? Dân đi mót toàn loại thất nghiệp, nghèo mới đêm hôm lọ mọ trong lô để kiếm vài ba giọt mủ thừa. 

Nghe nè, vài ba giọt thì ra ruộng mót lúa còn có ăn hơn. Tuy năm sáu mươi mạng, nhưng sáng nào mỗi đứa cũng trên chục ký đã đánh đông. Thằng Tú, Út Đen, Tèo Bầu một đêm vài ba chục ký là ít. Con Mai con bà Bốn Cờ, từng ở tù vì buôn lậu mủ đêm nào chẳng ba bốn chục ký đi lên... 

Trời ơi, nhiều vậy à? Chớ sao, làm một phép nhân đơn giản, năm mươi nhân hai mươi, mỗi đêm nông trường mất một tấn, một tháng là kếch xù?

Quán Hai Long rất chi xôm tụ. Bọn trai tráng làm tới sáu xị chớ không ít... Ủa, đi cả đêm mà không ngủ, lại nhậu là sao? Ngủ chớ, lội đi lội lại trong lô cả chục cây số không ngủ chịu sao thấu, nhưng phải chờ lái Ba Mạnh vô cân, lấy tiền cái đã, có mất giấc đâu mà lo. Và trong khi chờ đợi ta vô đôi xị đỡ buồn.

Cân xong, ta tới bến. Ai say cứ tựa đầu vô vách quán đánh giấc, thích mát mẻ cứ ra lô, sạch bong tha hồ kéo gỗ. Có rượu giấc mỏi mệt nào cũng qua và ngon, cứ đánh cho đẫy vào. Khi tỉnh, không cơm thì mì gói vợ Hai Long hầu hạ... Xong, chưa tới giờ vô lô ta làm vài ván tiến lên.

Như Diện thì tắm rửa sạch sẽ rồi mượn xe đạp phi ra đèn mờ thăm em. Trên thế gian này cái gì làm riết cũng quen, cái dễ quen nhất là ăn nhậu, bài bạc, gái gú và ăn... cắp, mà ăn cắp tập thể kiểu này, chẳng ai vướng tí gì tội lỗi. Nghiệp gì mà khổ quá, ngày chơi đêm lặn lội, chả ai ham. 

Ở đó mà không ham. Thời này biết nghề tay chân gì cao giá nhứt không? Không biết hả? Đó là thợ hồ, thậm chí đi phụ hồ cũng bảnh, nhưng so với bốc mủ chẳng bõ bèn gì. Mỗi đêm trung bình thu nhập gấp hai lần thợ, bốn lần phụ. Trúng mánh còn hơn nữa kìa. 

Trúng mánh? Thiệt khó hiểu. Cái này phải trong nghề mới biết được, nghĩa là phải làm sao qua được bảo vệ của nông trường. Làm cái chân bảo vệ là chao ôi một tiếng vọng đến trời xanh liền. Phải suốt đêm trong lô để bắt cho bằng được bọn trộm. 

Yên lặng phục dưới gốc, đối tượng đang đi tới, một tay xách túi ni lông đựng mủ, một tay bưng chén trút vào, thằng, con, gã, nhóc, bà già, ông già đến trước mặt, ta phải nhanh tay chộp lẹ, bằng không nó chạy mất. Nếu bắt được chỉ tịch thu, còn người phải thả, bảo vệ đâu phải công an mà có quyền giữ.

Đêm nào cũng lùng sục, cực khổ vô ngần, nhất là những đêm mưa. Mưa lớn, mủ trôi hết, miệng cạo tắc lại chả nói làm gì, còn lất phất, mát mẻ kích thích cây ra nhiều, trộm hoạt động mạnh hơn, phải đội mưa đội gió ra đi, có cái đèn pin cũng không dám bật, trộm đạo chỉ cần thấy một loáng ánh sáng là độn thổ, thăng thiên không để lại một sủi tăm nào... Vậy sao không đóng chốt? Chỉ cần lập vài chốt chờ chúng ra ta bắt chớ tội gì... 

Vô ích, cao su bạt ngàn biết ngã nào mà chốt với trạm. Từ lô ra lộ lớn tuy chỉ một đường đất đỏ, bọn lái vào ra mua bán còn bắt không được. Bởi một đường nhưng hàng trăm hẽm. Hằng hà sa số kẻ gian kết lại trăm mưu nghìn kế bảo vệ nhau. Phe ta mõng như tờ giấy quyến...

Chung quy đi bắt cũng lấy lại được nửa phần đã mất, nhưng nguy hiểm bội phần. Bóng tối luôn đồng lõa với tội ác, bọn mót chả nói làm gì. Gặp tập đoàn mang cả thùng, cả dao đi cạo trộm sẵn sàng năm ăn năm thua, lúc đó không xỉa súng lên trời pằng pằng pằng để đồng đội tiếp cứu có mà đi tong. 

Cao su là vàng trắng. Ông nhà nước, mà đại diện là Nông Trường bỏ ra hàng ti tỉ tiền để thành lập. Dễ chắc? Phá hàng trăm hecta rừng, san lấp cho ra mặt bằng chuẩn. Cây cao su muốn có phải cấy, ghép, lai tạo những giống có chu kì khai thác sớm, cho nhiều mũ và tốt nhất... Từ lúc xuống cây, sau vài năm chăm sóc hơn chăm con mọn mới có thể thu. Còn bọn ta ư? Của nhà nước là của cha chung... Lỡ bị tó, ta than:"- Em khổ quá, lại thất nghiệp, anh tha cho em, tội nghiệp em..."

Bộ đêm nào cũng đi sao? Ừ, đêm nào cũng vậy. Bữa nay cạo lô một, mai lô hai, mốt lô ba rồi xoay tua, mỗi lô vài ba chục hecta tha hồ mót. Chưa kể hai tuần bôi thuốc kích thích một lần, mủ chảy suốt đêm, những lúc ấy thằng nào dở nhất cũng hai chục kí. Hai chục kí? Rồi tay đâu mà bốc? Khỏi lo. Dân bốc mũ siêu đẳng trong vụ cắt và nhớ rừng.

Đủ năm kí là họ dùng lá cà ry đánh đông rồi đem dấu. Tuy cao su bạt ngàn thêm cái đêm hôm, họ đã dấu thì chỉ có thể bị mất do đồng đội "thó" mất, sáng nào cũng điệp khúc từ cha má, đến kịnh mà đù cái thằng cha căng, con kiết nào đã ăn cắp của tao.

Đó là vào cao điểm, còn những khi cao su thay lá họ tổ chức vào lô ăn cắp củi. Thông thường có những người hành nghề mót củi trong lô kiếm sống. Bảo vệ cũng nhân nhượng cho họ như một cách làm vệ sinh rừng, đôi khi cành khô cũng gây hại cho công nhân cạo mủ, đã có trường hợp nhập viện vì bị rơi trúng đầu. Lợi dụng vậy, bọn trộm cũng vào lô mót luôn cây… bự.

Đêm xuống, họ vào lô, cưa, rựa, xúm nhau gọt võ cây vô tận thân gỗ. Ba ngày là cây không còn một cái lá, một cơn gió qua là ầm, cây nào không ngã họ cưa rễ. Cao su là rễ ngang, cứ thế mà nằm, nằm là sạch.

Bảo vệ cũng đổ lực lượng truy quét, nhưng trộm cắp dữ hơn. Có nghe ba cái vụ bảo vệ hành hung dân thường không? Thực ra không thường đâu. Lô cao su của nông trường anh vào làm chi? Đâu phải tự nhiên mà có chuyện, tôi đâu có khùng mà đánh anh… Đồng ý cũng có những tay bảo vệ hơi quá khích, nhưng cũng nên thông cảm, họ bị quá nhiều áp lực. Mất mũ cũng bị la, mất cây cũng bị chửi, chưa kể lô bị cạo trộm cũng bị công nhân lôi ra mắng vào mặt… Đơn giản, họ được phân lô cạo ăn sản lượng, mất lấy đâu giao nộp mà không chửi.

Và cứ thế đời sống của những người được mệnh danh mót mủ tiếp tục trôi. Nó đã hình thành từ thời cao su còn là của quốc doanh, cái thời mà kẻ nào dám vô lô coi chừng bị ăn ma trắc, và kẻ trộm bị tù là thường, chống đối bị ăn đạn vô chân không có quyền khiếu nại. 

Chủ quán Hai Long bị thọt là vì vậy. Từ khi cao su vô liên doanh, hợp doanh nạn ăn cắp thôi thì khỏi nói. Miễn sao biết điều với mấy anh bảo vệ, đó là bọn có râu, còn mấy đứa có nụ cười phải biết cười làm sao cho mấy anh thấy mát dạ mà cho qua. 

Đời nó vậy. Cũng xin thưa rằng nơi tôn nghiêm mà còn có tiêu cực nói chi trong bóng tối lô. Nửa đêm mịt mù anh trai vác ngoài hai chục kí lô mủ trên vai. Trị giá vài trăm nghìn lỡ bị vịn anh phải chung. Và anh bảo vệ lương ba cọc ba đồng ngu sao không lấy? Em gái thì không nhiều, mươi ký mủ mà anh tịch thu thì đêm của em coi như bỏ. Vậy làm sao em đưa về được thì chỉ có bóng tối mới biết. Tối vậy không trời có thể không, nhưng người thì biết chắc.

Người mà biết thì…

***

Thì sao? Thì rủ rỉ kháo nhau nghe chơi chớ sao. Và khi có rượu thì thì rủ rỉ rù rì còn lớn hơn cái loa phóng thanh ngoài lộ lớn. Một đêm kia thằng Diện đi dấu mủ, nó nghe mấy thằng nói về vợ yêu của mình. Diện yên lặng lắng tai. Cũng xin nói thêm rằng, cái nghiệp bốc mủ đôi chân phải nhẹ nhàng hơn Thần Hành Thái Bảo Đới Tung trong Thủy Hử truyện. Và lỗ tai phải thính để lắng nghe động dạng bốn phương. Trộm mà, phải vậy thôi:

- Tao nghe sột soạt, liền đứng lại vì sợ mấy ảnh phục kích, nhưng không phải. Tụi mày biết cái gì không?

- Nói mẹ đi, rê ra quá tao biến à.

- Là tiếng trai gái đang mần cái vụ kia.

- Tưởng gì. Chuyện đó có gì lớn đâu. Ở đây con nào không giao hàng cho mấy ảnh để qua ải.

- Thì tao biết nhưng đằng nầy…

- Sao?

- Tao yên một hồi chờ cho qua. Một lát mới thấy con Trang vợ thằng Diện.

- Vậy mà lớn lao gì? Con Trang là gái ôm vụ đó với nó nhỏ xíu.

Đã nói là Diện yêu Trang lắm. Nó nghe qua mà rời rả tâm can. Mười thằng đàn ông trên thế giới nầy khi yêu thằng nào cũng cao thượng lắm, dĩ vãng của em có chi chi mô mô cũng chẳng sao. Miễn sao sống với anh thì thủy chung với anh là tốt rồi. Cao thượng chừng nào thì cũng thấp thượng chừng đó. Bụng dạ Diện sôi lên sùng sục. Chửi thề rằng bà cha nó, con quỷ cái mày có yêu tao đâu. Chả còn lòng dạ nào mà mủ máu. Diện lùi lủi về.

Diện gỏ cửa quán Hai Long kêu xị. Hai Long luôn phục vụ quý ngài thượng đế bất kể giờ giấc. Hỏi:

- Sao rụ giờ này mậy?

- Kệ cha tui.

- Rồi… thì kệ cha mày.

Ngôn ngữ dân bốc mủ nó vậy. Không tin cứ theo chơi vài bữa biết liền.

Diện nốc xong chai ba xị, kèm hai cái bánh ú và tô mì gói là trời cũng vừa sáng. Dân bốc lục tục kéo nhau về. Đứa nào cũng đói giấc nên hai con mắt thẳm sâu. Vợ chồng Hai Long và con cái phục vụ hết công suất. Ba Đào - người quan trọng nhất - dân buôn mủ có máu mặt xuất hiện. Mủ thẩy lên cân vậy là ta có tiền.

Nhưng hôm đó Diện không có tiền. May mà con vợ được hai mươi kí. Chà, đàn bà con gái mà giá đó là giỏi chớ chẳng chơi. Vài ba trăm nghìn trong tay chỉ một đêm lặn lội quả là không bỏ công. Em Trang hiền hậu bên anh Diện:

- Về thôi anh.

Diện lên xe, và vợ ôm eo ếch chồng. Xe đạp cóc cách ra lộ để về tổ uyên ương là phòng trọ. Dừng xe ở một cà phê cóc bên đường. Cả hai vào quán. Chồng nói với vợ khi yên vị bên ly cà phê đá :

-Anh hỏi cái nầy em trả lời cho thiệt nghe.

Diện đâu có học hành chi, lại được mệnh danh ruột để ngoài da, ấm ức là nó tuôn ra liền. Nó hỏi Trang rằng sao lại phản bội nó? Sao lại giao hàng cho bảo vệ trong lô? Tại sao nói yêu nó mà lại làm vậy? Và kết luận rằng em đã phản bội tình anh, nên ta chia tay nhau cho rồi.

Nó cũng không cho Trang có cơ hội phân trần. Nó nói cả một bọn thấy Trang và thằng Bình Chột làm gì, ở đâu, và hôm nào. Trang chỉ còn biết cúi đầu lắng nghe. Rồi cô ôm mặt khóc. Bình lặng lẽ nhìn vợ. Nó không thể hiểu làm sao mà thằng khốn ấy có thể ôm một cô gái mà mủ dính từ gót chân lên đến tận tóc, cả mặt mũi của cô cũng lấm tấm mủ là mủ, và - trời ạ - cả thế gian nầy ai cũng biết mùi mủ tươi nó hôi rình. 

Diện nốc sạch ly cà phê và rời quán. Nó về nhà ông bà Chín, nhờ có rượu nên đánh một giấc ngon lành đến sáu giờ chiều. Tỉnh giấc, quờ tay qua chung quanh, phải một lát nó mới nghe một trống vắng chạy quanh tâm hồn. Mắt Diện lặng lẻ nhìn qua liếp cửa tồi tàn và nghe buồn vô hạn. Trời ơi buồn. Làm sao để giải phóng cơn buồn đây hỡi cao xanh? Diện lại đến quán Hai Long như xưa nay vẫn thế, nó tính kêu xị nhưng dừng lại khi chủ quán hỏi:

- Sao bữa nay hai vợ chồng mày không bốc ?

Vậy là cả Trang cũng không đi. Buồn và nhớ. Tai sao vậy kìa ? Thì yêu chớ sao mà hỏi. Bấy nay đầu ấp tay gối, nay ra vầy không nhớ, không buồn đâu phải người. Diện lại lếch thếnh cả năm cây số đường bộ ra phòng trọ. Chỉ có Trang trong phòng, còn bà già và con bé chắc đi xem ti vi ké bên hàng xóm. Nghe động Trang quay lại và mắt cô reo vui khi thấy đó là chồng.

Chồng ngồi xuống nắm tay cô, bóp nhè nhẹ. Rồi nằm xuống bên cạnh. Huề đi. Mong cho cả hai huề cho rồi. Tình yêu mà, nóc nhà luôn xa hơn chợ, đúng không?

Diện hỏi vợ:

-Làm sao mà Bình Chột… ?

Trang kể rằng hồi em bán quán ôm nó tới hoài anh à. 

Truyện ngắn của Nguyễn Trí luôn mang đậm chất hoạt kê. Ẩn bên trong những cười cợt nhẹ tênh là những cắc cớ lạ lùng của đời sống.

Màu bóng tối ảnh 1Câu chuyện mở đầu một cách trào lộng, bỗng nhịp truyện chìm xuống với một đoạn mô tả khá dài về cách làm ăn của cánh trộm đạo, để rồi về cuối mạch truyện căng trở lại chuẩn bị cho cái kết lửng lơ như một cú đánh nhanh và đau dù bề ngoài thật nhẹ nhàng.

L.A.H

Truyện ngắn của
Nguyễn Trí

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.