Mệt mỏi

Mệt mỏi
TP - Mệt mỏi. Đó là cảm giác không chỉ của người làm đơn kiến nghị về cuốn sách của Huyền Chip, mà còn của nhiều người theo dõi vụ việc từ đầu (lấy mốc ngày 19/9 họp báo ở Hà Nội) cho đến lúc này.

> Giới trẻ quan tâm sách Huyền Chip hơn SGK?
> Xôn xao bức ảnh bán nude của Huyền Chip

Tính đến thời điểm này, vụ việc xung quanh bộ sách Xách ba lô lên và đi, hiện đã ra 2 tập, của tác giả Huyền Chip là vụ lùm xùm lớn nhất làng xuất bản năm nay. Cuốn sách gây tranh cãi về độ xác thực của một tác phẩm nhật ký hành trình.

Thông thường, khi một cuốn sách mới ra, nếu có tranh cãi, mọi việc được giải quyết nhanh. Có nhiều lý do, trong đó 3 lý do cơ bản là: hoặc đã được giải quyết, hoặc không có diễn biến mới, hoặc xuất hiện một vụ tranh cãi khác khiến vụ này chìm đi, báo chí không mặn mà nữa.

Vụ việc Huyền Chip thì khác, bởi diễn biến phức tạp, tin tức nhiều mà bài bình luận cũng nhiều. Diễn biến nằm ngoài cả suy tính chủ quan của các bên. Có cả diễn biến chưa có tiền lệ: một cá nhân, cựu du học sinh Trần Ngọc Thịnh, lên tiếng kiến nghị bằng văn bản (“kiến nghị 21 trang”) về độ xác thực của nội dung 2 cuốn sách và đề xuất Cục Xuất bản xử lý. Để đạt mục đích, như anh Trần Ngọc Thịnh và những người đồng quan điểm, là “tìm ra sự thật”.

Bất cứ hình thức nghi vấn, phản đối nào, nếu không có người đại diện lên tiếng (anh Trần Ngọc Thịnh) và không liên hệ với cơ quan chức năng (Cục Xuất bản) thì chưa chắc có phản hồi từ tác giả (Huyền Chip) và 2 đơn vị làm sách (công ty Quảng Văn và NXB Văn học). Tóm lại, làn sóng phản đối cuốn sách trên mạng, dù rất ầm ĩ, sẽ không đưa đến kết quả gì nếu không có người đứng ra kiến nghị.

Nhu cầu kiểm chứng sự thật cũng là chính đáng. Kiến nghị của anh Thịnh rõ ràng là một nỗ lực kiểm chứng, cho cả hai phía. Nếu Huyền Chip đúng, đây là cơ hội để cô chứng minh.

Trưa 30/9, công ty Quảng Văn cho biết văn bản giải trình (“giải trình 30 trang”) đã được Huyền Chip và công ty này nộp lên Cục Xuất bản. Theo Quảng Văn, trong “giải trình 30 trang”, bên phía tác giả trực tiếp giải đáp những nghi vấn cụ thể của “kiến nghị 21 trang”. Hiện, “giải trình 30 trang” chưa được công khai. Cả Huyền Chip và công ty sách, NXB Văn học đều phát ngôn rất thận trọng và kín kẽ, chứng tỏ họ đã rút kinh nghiệm sau hai lần tác giả phát ngôn không thỏa đáng khi họp báo ở Hà Nội và TP HCM.

Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc công ty Quảng Văn, cho biết “chưa khẳng định được các câu trả lời của Huyền có thỏa mãn phóng viên và độc giả hay không”.

Trong lúc chờ đợi phân xử từ Cục, anh Thịnh có lần viết lên Facebook rằng đã “mệt mỏi” và mong sớm có kết luận. Nhiều người cho rằng vụ việc là “chuyện bé xé ra to”, “không việc gì phải ầm ĩ đến thế”. Thực tế là chuyện đã trót “xé ra to” rồi, không thể nào quay lại mốc ban đầu: một cuốn sách không nổi bật về văn chương nhưng nổi bật nhờ biết lăng xê tác giả là một phượt thủ trẻ mạo hiểm, nguồn cảm hứng cho giới trẻ.

Khi vụ việc mới gây ra những tranh cãi ban đầu, ít ai đặt ra câu hỏi: “Khi mọi chuyện xong xuôi thì sẽ thế nào?”. Vụ tranh cãi nào rồi cũng hết “hot”, nhưng ít nhất cũng để lại một kết luận nào đó để phân định đúng sai phải trái. Hiện tại, khi chưa có quyết định của Cục Xuất bản, thì chưa có kết luận nào cả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG