Miên man tùy bút

Miên man tùy bút
TP - Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, vừa hay anh Thâm tốt nghiệp trung học. Không tìm vào Sài Gòn, không đến Paris, cũng không cần phải tìm lên chiến khu nữa, anh nhập vào đoàn người ra Bắc tập kết, học nốt ban tú tài để rồi thi vào khoa Hóa hữu cơ trường Đại học Bách khoa.
Miên man tùy bút ảnh 1
Ảnh: Mạc Ly

Kỳ II: Những trái bưởi vàng cuối thu

(tiếp theo)

Học xong anh được giữ lại làm công tác giảng dạy, dạy suốt bốn chục năm, sang năm thứ bốn mốt thì được cử đi Angola, qua đó dạy ở một trường trung học của một tỉnh lỵ, những lúc nhớ nhà thì làm thơ, dịch thơ.

Anh dịch thơ Pháp ra tiếng Việt và dịch thơ của mình ra tiếng Bồ, tiếng Pháp. Đã có lúc làm thơ bằng tiếng Bồ đăng trên tờ “Tiếng thét Angola”.

Hỏi mấy năm ở bên đó có gì đáng kể, anh Thâm nghĩ một lát rồi nói, sợ nhất là ruồi vàng, bạn anh có người bị ruồi vàng đốt phải đưa ngay về nước, ngủ li bì suốt ba năm thì chết.

Tôi biết anh Nguyễn Xuân Thâm qua tập thơ “Đồng xanh” in chung với anh Nguyễn Nhã ở nhà Văn học từ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, cũng thấy mới chỉ vầy vậy thôi.

Càng về già thơ anh càng khởi sắc, tính trữ tình trong thơ anh càng đằm, ngôn từ nhiều tìm tòi và rất chắt lọc. Giải thưởng văn học năm 2001 Hội Nhà văn Việt Nam đã được trao cho anh với tập “Tìm trầm”.

Ngay cái tên tập thơ cũng đã nhiều hàm ý. Ngậm ngải tìm trầm chính là đời anh. Trong tập đó có nhiều bài mang hương vị trầm hương của các cánh rừng miền Trung, một đôi bài khác lại có hương vị thơ Pháp, anh là người đặc biệt thích thơ G.Apollinaire.

Năm sáu năm về trước, một hôm tôi gặp anh Nguyễn Xuân Thâm trước cổng tòa soạn Văn Nghệ. Thoạt đầu tôi chưa nhận ra anh ngay, không thể nghĩ người này là Nguyễn Xuân Thâm. Anh gày xọp, đôi con mắt lồi ra như sắp rụng xuống đất, hình tướng nhàu nát dị dạng, tiếng nói cũng bị méo đi, nghe rất khó. Tôi trộm nghĩ ông anh gay to rồi.

Nhưng đến khi anh sờ tay lên má gãi nhẹ, khàn khàn tiếng gió, yêu cầu tôi bằng trực cảm hãy nói thử xem lần này nhập viện mình còn có ngày về gặp lại bạn bè nữa không, thì lập tức tôi định thần nhìn vào khuôn mặt đang đau đớn của anh trong giây lát.

Tôi ngẫm nghĩ, tôi trấn tĩnh, chuyện này thật không đơn giản chút nào. Sự thực tôi không phải là người có lòng tin vào tử vi bói toán, mà tôi cũng chẳng rõ mình có trực cảm trực kiếc hay không, nhưng vì tôi là người rất quý anh nên không thể nào nói qua quýt cho xong.

Chúng tôi lặng lẽ dắt nhau đi xuống mé cuối đường Trần Quốc Toản, chỗ ngã tư gặp đường Trần Bình Trọng, ở đó có một quán cóc bán nước trà và rượu cuốc lủi.

Cái thú là có chỗ ngồi yên tĩnh, lại sạch sẽ. Một mảnh sân vắng giữa lòng thành phố, dưới bóng cây nhãn cổ thụ, cây lan cổ thụ, thật không dễ có trong thời buổi này, vài chục năm trước thì dễ nhưng những năm gần đây không dễ chút nào.

Đây là một ngôi đền, nhưng người ta cứ gọi nó là chùa, chùa Ngọc Liên. Hai anh em ngồi uống trà trong mảnh sân ấy.  Ở một bài sau tôi sẽ có dịp kể kỹ về ngôi đền này, cũng như sẽ kể về bà chị đang ngồi trông nom cái quán này, còn bây giờ tôi muốn quay lại chuyện trò với Nguyễn Xuân Thâm.

Anh vẫn đang im lặng chờ tôi lên tiếng, tôi có trách nhiệm dùng trực cảm mà nói một câu liệu anh có còn trở về với bạn bè nữa hay vào viện lần này là cứ thế đi luôn. Tôi đang moi óc lục tìm xem đời tôi có nợ nần gì ông này không mà nay ông ấy lại đòi tôi phải trả lời một câu hỏi ghê gớm đến vậy cơ chứ.

Tôi hỏi anh, trước khi vào viện đã kịp về thăm nhà trong quê chưa. Anh gật đầu. Vừa từ nhà ra đây, đã xây cất lại ngôi từ đường cho nội tộc, mồ mả ông bà mang tất cả về một chỗ, làm thật gọn gàng, tiền là của người anh và chị dâu từ nước ngoài gửi về, mình chỉ có nhiệm vụ đứng ra trông nom thôi.

Tôi gật đầu. Thế là chu đáo lắm. Này anh Thâm ạ, lần này anh gặp khó, không mấy hy vọng, nhưng nếu anh thắng được mình thì anh sẽ qua. Hiểu mình gọi là anh, thắng mình gọi là hùng, anh hùng chỉ có nghĩa là thế.

Và tôi tin anh đủ phẩm chất để vượt qua, anh nhất định sẽ trở về, rồi anh em mình lại ra đây ngồi tán gẫu. Chui cha! Anh kêu lên thều thào, liệu có được lấy dăm ba năm nữa không? Tôi lại nói, mười năm hoặc lâu hơn nữa, cứ đợi đến tuổi bảy mươi chín ta sẽ bàn tiếp.

Tôi cứ nghe lòng tôi mà nói chứ chả căn cứ vào sách vở nào, mà tôi cũng chả tin vào sách vở nào. Tôi chỉ nghĩ ông trời không thể phụ người như thế được. Lúc đứng dậy chia tay, anh đưa mấy ngón tay cong queo ra nắm lấy cánh tay tôi, cảm ơn Chu, mình tin ông.

Rồi đến năm sau anh Thâm trở về thật, quả là thần tình. Một hôm có cháu gái trong văn phòng Hội báo cho tôi cái tin tốt đẹp đó. Bác Nguyễn Xuân Thâm vừa ra viện là đến ngay cơ quan tìm chú nhưng không gặp, bác ấy gửi chú một bài thơ bác ấy đã chép trước lúc lên bàn mổ lần sau cùng.

Tôi đón lấy cái phong bì, mở là nhận ra liền nét chữ của anh, chữ một người thầy giáo có bốn mươi nhăm năm cầm phấn đứng trước bảng đen. Nhưng chữ ký lại là chữ ký của nhà thơ, hai chữ Xuân Thâm chạy ngang tờ giấy khổ rộng bay bướm và thoáng đãng.

Tôi vẫn đang còn giữ được lá thư đó, anh viết rất lịch sự: “Thân yêu tặng nhà văn Đỗ Chu. Thành Sơn chưa vỡ lá bàng, Tản Viên lá đã lay vàng trong cây. Sông Đáy ngăn ngắt thu đầy, nhớ ơi Quang Dũng hồn mây xứ Đoài”.

Tôi ngồi rất lâu ngắm nét chữ ngay ngắn của anh và vỡ ra một điều, cái khí Thi Thư kia giống như hồi quang của một tinh thần văn hóa, nó không nằm im lặng trong các cuốn sách mà được tỏa ra, bảng lảng trong nét chữ, tiếng nói giọng cười, trong tâm tính nết sống của con người ta.

Lại nhớ một buổi chiều mùa hạ của một năm chiến tranh anh Nguyễn Xuân Thâm kéo tôi tới chơi nhà. Một buổi chiều hiếm hoi, không gian vắng lặng, không tiếng pháo tiếng bom. Cả nhà đều đi vắng, vợ con anh đang sơ tán trên Sơn Tây. Đường Bà Triệu ngập nắng, các nhà hai bên đường cửa đóng kín, lâu lâu mới lại thấy có một ô cửa sổ hé mở.

Cửa sổ nhà anh cũng hé mở. Hai anh em ngồi với nhau sau khung cửa đó, bên một cái bàn nho nhỏ, vẫn thấy có mấy bông hồng cắm trong chiếc cốc thủy tinh.

Anh vừa đưa sinh viên đi thực tập trong Hà Tĩnh hai tháng, thầy trò vác ba lô nhảy lên tàu hỏa, ngồi chung với anh em bộ đội, lúc về thì ngồi nhờ ô tô tải quân đội, xe vào nặng, xe ra nhẹ. Chuyến đi thực tập của thầy trò anh là đến một cơ sở đánh cá của ty thủy sản, giúp họ chế biến tôm cá đưa vào chiến trường.

Ở tuyến lửa ra mà không có thơ sao được, tôi phải ngồi đấy nghe anh tra tấn bằng thơ. Cứ nghe khoảng vài ba bài tạm ngừng một lát vì ngoài cửa sổ lại có một nhà chị nào đó hiện ra, có chị gọi tên anh, có chị chỉ im lặng cười. Có tới ba bốn lần như thế. Chị nào cũng nói em gửi anh cái lọ.

Toàn lọ thủy tinh Hàng Bồ, cái cao cái thấp, nắp đậy cũng mỗi cái một khác. Nghe chán thơ rồi tôi mới hỏi anh, lọ gì mà lắm thế. Anh giải thích đấy là lọ đựng tôm chua xứ Huế, đặc sản quê anh.

Chuyến vừa rồi đi Hà Tĩnh, thầy trò anh đã làm thành công hàng chục tấn mắm chua gửi cho các anh chiến sĩ đang sống trên rừng. Biển trong ấy nhiều tôm, đêm trăng chúng bay hàng đàn rào rào như mưa trên ngọn sóng. Anh có mang về vài cân, tặng hàng xóm mỗi nhà một chút gọi là quà tuyến lửa.

Lúc chia tay tôi cũng được anh dúi cho một lọ tôm chua. Những con tôm càng đỏ au ngâm trong một thứ nước hóa chất chống thối, anh Thâm giải thích dài dòng bằng tên khoa học nhưng tôi vốn dốt môn hóa nên mù mịt không nhớ. Anh hướng dẫn cách ăn, trước hết phải có bún lá và đậu sống, rồi khế chua, chuối chát, gừng thơm, rau thơm, nước mắm.

Tôi hí hửng mang về nhà Lưu Quang Vũ ở mạn chợ Hôm, Vũ cho đũa vào gắp ra một con ăn thử, nhăn mặt nhăn mũi nói, chẳng ra gì, đấy là câu cửa miệng của Vũ, chua loen loét.

Đặc sản đếch gì ông Thâm ông ấy là giáo sư, dân hóa học như phù thủy luyện đan, đố biết nó cho những gì vào đấy. Mà thật vớ vẩn, đã có bún đậu rau thơm thì hỏi còn cần gì phải ăn tôm của ông ấy chứ. Tôi cãi, nhưng tôm chua là phải ăn thế.

Muốn chua đã có mấy quả chanh, ông nhớ cho, ông Thâm là dân Huế, mà dân Huế vô khối người có gốc Hời, “ép năm ép mười”, ăn lông ở lỗ lọ mọ lắm – ông Chế đẻ ở Quảng Trị, nom có vẻ cũng Hời. Mày chỉ được cái nói xằng. Tôi cười sằng sặc mắng Vũ.

Rồi tôi lại ôm cái lọ ấy lên tạp chí Văn nghệ Quân đội, trời đã sẩm tối, tôi gõ cửa phòng ông Thanh Tịnh. Tôi nói có lọ tôm chua anh Nguyễn Xuân Thâm anh ấy làm xin mang biếu anh. Ông Thanh Tịnh đón lấy cái lọ tự tay mở nắp ra đưa lên mũi ngửi liền mấy cái.

Thơm quá, ông khen. Tới lúc đó tôi mới dám phổ biến cách ăn như anh Thâm đã dặn. Ông cụ cứ nghe, nghe xong ông đưa một ngón tay lên, vẫn còn thiếu một thứ, đó là ớt, ăn mắm phải có ớt, thật nhiều ớt.

Dân biển thường nói cây mắm đi trước cây đước theo sau, đó là diễn thế của rừng ngập mặn, còn khi ăn mắm chua thì họ nói, mắm chua đi trước ớt tước theo sau. Ớt tước là trái ớt được chẻ dọc thành sợi, tước sạch hạt đi.

Dăm ngày sau tôi mới gặp lại để nghe ngóng, ông Thanh Tịnh vỗ vai tôi, Chu nhớ cho mình gửi lời cảm ơn Nguyễn Xuân Thâm, mắm của Thâm dậy mùi lắm, ăn chút mắm quê nhà, thấy Huế thật gần.

Đến bây giờ thì anh Thâm đã trở về với chúng ta dăm năm rồi, qua được hạn lớn rồi. Các bác sĩ thẩm mỹ đã xúm vào chỉnh sửa cho khuôn mặt anh trở lại như thường, tiếng lại trong lại ấm, một giọng Huế ngọt ngào pha lẫn chút trầm tư như câu hát của cô Hương Mơ.

Và đến bây giờ tôi lại muốn đặt ra một câu hỏi, nếu cái đận ấy anh Thâm bỏ chúng ta mà đi luôn không quay lại thì phải hiểu sao đây, anh ấy sẽ bị xem là người thiếu nặng tình sông núi chăng, nghĩ thế sao ổn, anh ấy là người biết yêu núi sông từ tấm bé, thì sắp lên bàn mổ vẫn còn làm thơ nhớ Sông Đáy, Tản Viên đấy thôi.

Vậy thì lại phải hiểu thế này, những người nặng tình với nước non dẫu có ra đi sớm thì họ vẫn cứ còn sống mãi trong lòng những ai còn sống, như vậy là bất diệt.

Cái khí Thi Thư kia, cái tình sông núi kia đã dẫn dắt chúng ta đến bên nhau trong kiếp này, kẻ trước người sau rồi đều sẽ lần lượt ra đi, có sao đâu, điều đáng bàn với nhau ở đây, cái khiến mỗi nhà văn đang cảm thấy thúc bách, ấy là làm sao để có những trang sách đủ sức sống lâu dài trong lòng người đọc. Đấy là tiếng gọi của đời sống, là trái bưởi vàng cuối thu ta gửi lại cho đời.

Ngày cải táng cho mẹ tôi, tôi đã mang bà về nhà, đặt dưới bóng cây bưởi trong vườn. Suốt đêm tôi thức, ngắm những trái bưởi cuối mùa lặng lẽ tỏa hương trên chiếc bàn đá có đặt cốt của bà. Những cành bưởi chỉ to bằng cổ tay người chứ có là bao. Và tôi tự thấy phải hỏi mình, liệu đời mình có sánh nổi cây bưởi kia không.

Kỳ III: Thăm thẳm bóng người

Một lần tôi theo anh em làm lâm nghiệp chui vào vùng núi Cai Kinh phía nam Lạng Sơn, có anh kỹ sư điều tra quy hoạch rừng chỉ một con suối vu vơ mà bảo, nguồn sông Thương đấy.

Nguồn một dòng sông đã có cả ngàn năm đi vào văn hóa mà chỉ thế này thôi sao? Tôi đâm lúng túng tự hỏi mình. Sông Thương nước chảy đôi dòng, cuốn theo chiều gió một con thuyền trôi xuôi, trên con sông nào ai biết nông sâu.

Lẫn lộn nhớ, chỗ thì là dân ca, chỗ là tân nhạc, có người hát là sông Tương, lại có người hát sông Thương. Thuở nhỏ tôi nghe những ca từ ấy cứ ngỡ tác giả của nó cũng phải là một ai đó đang sống quanh quẩn trong vùng này.

Ngày ấy cũng chỉ mới hiểu thương nghĩa là thương yêu, về sau hiểu thêm thương ở đây nghĩa là xanh, nó được bắt nguồn từ một vùng núi đá vôi cho nên nó phải là một dòng nước xanh.

Tôi đứng ngẩn ngơ giữa dòng ngắm trời ngắm núi lòng thấy nao nao nhớ đến những câu hát nghe não nùng như tiếng cuốc gọi hè. Hai bàn chân tôi rung rinh lay động trong làn nước mát lạnh, lúc leo qua một thân cây mục nằm dưới lòng suối anh kỹ sư lại bảo, mun đấy, lũa mun mang về cắt ra đẽo gọt một hồi rồi bày ở những phòng khách lịch sự, lúc ấy gỗ được tính theo cân, đắt còn hơn vàng.

Tôi vẫn không nhận ra nổi xem nó đẹp ở chỗ nào, chỉ thấy đó là một cái gốc sù sì đen đúa, vỏ ngoài đã bị nước ăn mòn hết, còn trơ lại cái lõi già cứng như đá, hang hốc lỗ chỗ.

Một con suối vắng vẻ giữa hai bờ sim mua phờ phạc, doi cát trắng nằm phơi trong nắng, nước xô tràn bờ bãi, xoáy tròn cuốn theo những đám lá khô có mùi thum thủm.

Bà Anh Thơ mới thật đúng là người đã sinh ra ở bến sông Thương. Hỏi ai có về trên bến sông Thương thì chính là bà. Mấy năm cuối đời bà đã hì hục viết một bộ hồi ký dài về cuộc đời văn chương của mình, đặt tên là  “Từ bến sông Thương”.

Thuê một cô bé vừa tốt nghiệp đại học Văn khoa làm thư ký riêng, ngày làm việc tám tiếng, có đủ máy chữ, rồi có cả máy computer. Lúc đưa bản thảo tới nhà Văn học ông Giám đốc Lữ Huy Nguyên đọc xong ghé tai tôi bảo trong này bà ấy có nhắc đến một kỷ niệm về ông, tôi giật mình hỏi lại, tôi thì làm sao?

Ông Lữ Huy Nguyên cười, sau Cách mạng Tháng Tám bà ấy hoạt động trong phong trào phụ nữ ở tỉnh, thỉnh thoảng vẫn về nhà ông, bế ông đi chơi lang thang khắp làng. Thế thì đúng rồi đấy, hồi đó nhiều bà cán bộ phụ nữ đã qua nhà, tôi được Hội Phụ nữ Trung ương yêu quý từ nhỏ.

Trước cách mạng vài tháng khắp vùng Bắc Giang đã sục sôi một không khí đứng dậy cướp chính quyền, ông cụ tôi bảo bà cụ chuẩn bị thật nhiều vải đỏ may cờ. Bà cụ lúc đó buôn vải ở trên chợ Thương, có nhà ở trên đó, đẻ tôi ra ở nhà hộ sinh phố Đạo Đường.

Mỗi lần ngồi xe tay nhà về quê bà cụ lại bế tôi trong lòng, đống vải đỏ đặt dưới đệm, phủ kín bằng lớp ga diềm bâu trắng. Khi xe qua cầu mấy tay lính Nhật trông thấy trên xe có người đàn bà bồng thằng cu thì vẫy tay cho đi liền, miễn lục soát.

Có thể hiểu tôi đã tham gia cách mạng từ năm lên ba tuổi. Nhưng kể làm gì vào hồi ký những chuyện ấy, anh bảo bà ấy bỏ cái đoạn bế bồng tôi đi. Lữ Huy Nguyên nói,  để tôi gạch cái trang ấy rồi nói sau cũng được, bà này đúng là lẩn mẩn, in thì cứ cho in chứ đọc thấy nhạt lắm, ông đọc thử mà xem.

Tôi xua tay rồi rủ anh Nguyên xuống nhà uống cà phê, mảnh sân nhà xuất bản ở đầu đường Trần Hưng Đạo lúc đó sao mà lộn xộn, mấy bà đua nhau dọn hàng quán, như cái chợ, anh Nguyên lắc đầu bảo chả can được, cũng là hoàn cảnh chung lúc này nó thế, khéo nay mai phải tìm một chỗ khác cho nhà xuất bản, làm việc ở nhà trên, nhà dưới lại là khu tập thể của các gia đình thì tránh sao khỏi tình thế này.

Thuở con gái bà Anh Thơ có những câu thơ thật cảm động kể chuyện con sông Thương, “Cha già mái tóc bạc, chống gậy lên sườn đồi, thương một thời con gái, vải rụng bến sông trôi”.

Vừa qua, ngồi trong Hội đồng giải thưởng tôi đã quả quyết bỏ một lá phiếu để bà nhận giải thưởng văn học Hồ Chí Minh cũng là bởi vẫn không quên được những câu thơ ấy. Ở đời người và cảnh vốn vẫn chỉ có thế, còn như thấy là đẹp hay xấu, vui hay buồn lại phải tùy thuộc ở cái tình của ta. Cái cảnh được diễn theo cái tình là vậy. Thế mới nói là tình cảnh.

Văn chương nghệ thuật đâu phải là hột gạo bát cơm, vậy mà nó cũng có sức nuôi dưỡng, có sức làm lây lan cái tình muôn thuở kia. Con sông Thương đời này qua đời khác vẫn cứ nằm ở đó, nhưng nếu thiếu những câu hát những bài thơ nhắc đến thì chắc chắn nó sẽ vô duyên đi nhiều lắm. Vô duyên vì người ta quên không đắp cho nó một giá trị văn hóa.

Tai ta nghe những âm giai kỳ thú, mắt ta nhìn vào những sắc màu huyền ảo, đọc những dòng chữ với những ngôn từ lấp lánh như mọc cánh  trên trang sách, chính là ta đã tiếp nhận những mật mã thông tin vô thường, ở đấy có mang những thông điệp tinh thần, những năng lượng tinh thần khó nói được thành lời, nhưng có thể cảm thụ đầy đủ.

Tôi ngờ rằng ở miền đầu nguồn của sáng tạo trong đời sống tinh thần của con người cũng đang uẩn tàng rất nhiều bí mật, nó chẳng khác nào những mảnh lũa hay những tầng vỉa đá quý nằm sâu trong miền đất đầu nguồn của những dòng sông khắp trái đất này.

Năm trước, tôi có theo mấy nhà hoạt động điện ảnh của ta lên Vân Nam, họ lên là để bàn chuyện hợp tác với bạn cùng làm một bộ phim truyện, còn tôi lên là muốn được đi đến một miền đất đầu nguồn, đi thăm thú, đi để được mở mắt nhìn cảnh nhìn người.

Chúng tôi đi mãi về hướng Tây, hỏi bạn rằng Miến Điện còn bao xa, Lào còn bao xa, Tây Tạng còn bao xa, bạn đều trả lời không bao xa, gần ngay đây rồi. Gặp một khúc sông Hồng, một đoạn Mê Kông, một bến Kim Sa, nguồn sông Dương Tử. Sông Dương Tử có trên bốn trăm cái nguồn đổ nước vào nó...

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.