Miên man tùy bút - Kỳ III: Thăm thẳm bóng người

Miên man tùy bút - Kỳ III: Thăm thẳm bóng người
TPCT - Vùng chúng tôi đến có rất nhiều đá quý, nghe nói ngọc cũng nhiều. Đá quý được chế tác đẽo gọt thành đủ thứ hàng hóa, bày bán la liệt ngoài chợ, trong làng trong phố, bày ở ven đường đi lại.

>> Kỳ I: Kỳ nghiêm hồ

>> Kỳ II: Những trái bưởi vàng cuối thu

Miên man tùy bút - Kỳ III: Thăm thẳm bóng người ảnh 1

Trước lúc về tôi đã ôm luôn mấy chiếc lọ đá có vân hoa lóa mắt, mang lên máy bay. Tôi nói với những người cùng đi đây chính là những bình ngọc.

Nhà thơ Hồng Ngát, Cục phó Cục Điện ảnh nghe tôi nói thì ôm bụng cười rũ rượi, lát sau cô lấy khăn tay vừa chấm nước mắt vừa nói, đây này, đây mới thật là ngọc!

Cô xòe một bàn tay ra cho tôi nhìn thấy chuỗi hạt lóng lánh màu lục. Tôi còn chưa rõ thực hư ra sao thì cô đã nghiêm mặt lại, đùa anh một chút thế thôi chứ ngọc đâu có dễ vậy, khắp gầm trời này không ai mang ngọc ra bán ngoài chợ xổm, ngọc là thứ không thể bày ra mẹt.

Mai sau con cháu chúng ta khôn ngoan khấm khá lên thế nào chưa rõ, chứ đến chúng ta hôm nay thì mười mươi là vẫn chưa hiểu biết gì về ngọc. Muốn hiểu nổi ngọc là chuyện phải có chuẩn bị cả nghìn năm trước.

Chúng ta là đám từ lam lũ mà ra, quanh năm bới đất lật cỏ, buôn thúng bán mẹt bàn đến ngọc e muốn khó, e còn đang lùn, còn phải kiễng chân lâu mỗi khi đứng chuyện trò với thiên hạ.

Con đường đi tìm sự sang trọng cho một đất nước hình như còn phải tốn nhiều thời gian.

Hãy cứ nhìn qua Singapore chứ chẳng phải nhìn đâu xa, người có nhiều đâu mà làm ra cả một quốc gia hùng mạnh, có nhiều cách hùng mạnh, không nhất thiết cứ phải xua con cái vác đòn gánh đi đánh khắp làng mới là mạnh.

Nước người ta quan ra quan dân ra dân, một anh đứng gác thang máy cũng có vài ba ngoại ngữ đủ dùng, có một người Mỹ mang vài cân thuốc phiện vào là lập tức được mời ra hầu tòa, dán cho cái án tử hình, miễn xin xỏ.

Chất lượng công dân ở bên đó là rất cao, một khi chất lượng công dân thấp tức là mặt bằng dân trí thấp, là cạn ao bèo tới đất, chả riêng gì văn nghệ văn gừng, lúc đó ở mọi khu vực trong xã hội đều ba xí ba tú, tính nghiệp dư lấn lướt tính chuyên nghiệp, mọi mực chuẩn đều xuống cấp, là nhà ba con ngọng.

Nước ta có ba ngàn cây số bờ biển còn lịch sử người thì bảo bốn ngàn năm, lại có người bảo hơn thế nữa, nhưng liệu để làm gì, không thể ngồi đấy mà mang lịch sử ra gặm được, mấy ngàn năm nay dân ta khi làm nhà hình như đều bảo nhau trổ cửa nhìn vào trong núi, gọi là cái thế khai môn kiến sơn.

Có dạo rất nhiều tỉnh xây nhà liên cơ quan, mỗi ty mỗi sở chiếm một tầng, hành lang chạy sâu hun hút, buồng nào cũng giống buồng nào, một cửa ra vào một cửa sổ trổ hậu. Nhưng khu nhà vệ sinh thì dùng chung, đặt ở chân cầu thang chung.

Có bà ở làng mò lên tìm con đi khắp năm tầng, vào nhà tập thể gặp  ai cũng chào, chào mỏi mồm, hỏi mỏi mồm đành phải tìm ra cầu thang mà ngồi thụp xuống.

Có ông bảo vệ đi qua dặn, thế là phải chả cần đi tìm cho khổ, bà cứ ngồi nguyên ở chân cầu thang, từ giờ đến trưa là sẽ gặp  đủ, từ các vị lãnh đạo tới các nhân viên hạng bét, con bà không thể không xuống đây.

Tôi nghe mà sửng sốt, trời đất, cô bé của vùng Hưng Yên quê mùa ngày nào sao giờ bỗng hóa nên đáo để. Cô ta đang nói lên một sự thật, cho dù có chua chát đôi chút thì đó cũng vẫn là một sự thật.

Người ta thường nói cái biết quyết định cái thấy, đã chưa biết nó là thế nào thì dẫu có nhìn thấy cũng vẫn là chưa thấy. Muốn thấy lại phải biết đã. Thật quả là bi hài khi ta rủ nhau đi tìm kiếm cái mà ta không biết.

Người Trung Hoa có câu chuyện viên ngọc họ Hòa. Họ Hòa nhặt được viên ngọc quí đem dâng lên vua Tề, nhà vua ném ra sân bảo nó là hòn đá, sai lính chặt một tay của kẻ toan lừa vua.

Họ Hòa ôm ngọc về vừa đi vừa khóc. Gặp vua đi qua đường lại dâng ngọc, lại mất một cánh tay. Rồi  cứ thế lần lượt mất thêm cả hai chân. Họ Hòa vẫn ôm ngọc kêu trời.

Lúc bấy giờ thì nhà vua bắt buộc phải động lòng nghi hoặc, sai quan hầu cận mang hòn đá ra hỏi người thợ ngọc trong thành, người thợ ngọc mài lớp đá phủ bên ngoài, một khối ngọc lớn hiện ra, nó được gọi là viên ngọc họ Hòa từ đó.

Thế gian không thiếu những người bắt chước họ Hòa đi tìm ngọc. Tìm được gỗ lũa trong rừng sâu đã khó, tìm được ngọc xem ra còn khó bội phần, nó là chuyện muôn một, nhiều khi bỏ cả đời ra mà vẫn công toi.

Cho nên những ai được gọi là nhà sáng tạo, trên mọi lĩnh vực đều bị vợ con xóm giềng nhìn là gàn dở viển vông, những thành tựu mà họ tìm thấy chính là ngọc vậy, nhưng giá đừng tìm thấy thì còn đỡ, tìm được rồi mới lắm lôi thôi.

Đến hôm nay thì người Việt Nam nào cũng có thể hiểu Truyện Kiều là áng văn bất hủ, cả những người chưa kịp đọc Kiều cũng xem Nguyễn Du là nhà thơ lớn.

Nhưng vua Tự Đức khi gấp cuốn sách ấy lại đã nói, anh này nếu còn sống thì trẫm sẽ nọc ra đánh cho trăm roi. Mà Tự Đức đâu phải ông vua ít chữ, khi bà vợ yêu là Bằng Phi mất, ông ấy đã có một câu thơ rất hiếm thấy, “xếp tàn y lại để dành hơi”.

Khóc vợ thế là yêu khôn xiết. Ta gấp các áo cũ của nàng để giữ lại mùi hương thân thuộc. Lại như ông Mao một nhân vật lịch sử không dễ bàn, nhưng về thơ chắc chắn đấy là một nhà thơ lớn, rất đa tình, “ngã thất Kiều Dương quân thất Liễu”… ta mất nàng Dương em mất chàng Liễu.

Vào thời Nam Bắc triều có ông vua Tàu là Trần Hậu chúa cũng có nhiều bài thơ tuyệt cú, “Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu, giá tựa nhất giang xuân thủy hướng đông lưu”.

Hỏi anh liệu có thể nói cái gì là buồn nhất ở trên đời? Có lẽ đấy là dòng nước mùa xuân đang chảy về hướng đông.

Đẹp nhất là tuổi xuân, nó như dòng nước mùa xuân, nhưng buồn nhất cũng là khi ta thấy nó mỗi năm mỗi tuổi, nó đang trôi ra biển, nó đang chậm rãi vào già, đến một ngày nó sẽ lặn mất hút, sẽ tan biến hóa thành những con sóng trùng khơi.

Văn chương của những bậc đế vương xưa nay đều rất đáng nể, đáng nể vì nó có mang khí phách vương giả. Nhưng có điều cũng rất đáng quan ngại, đó là khi họ bàn về thơ ca học thuật.

Trong những người ấy hy hữu lắm mới tìm ra nổi một vài người có thể xem là “vô thằng” tức là không còn gì trói buộc, có đủ bản lĩnh vượt ra khỏi cái bóng quyền lực của mình mỗi khi đứng trước quyền lực thi ca.

Mỗi lần ngồi hỏi chuyện anh Vũ Hoàng Địch, một nhà nghiên cứu triết học là tôi lại thấy mình được mở mang thêm nhiều.

Hôm đám tang nhà sử học Trần Quốc Vượng, ngồi ở ngoài sân nhà tang lễ, anh Địch hỏi tôi, sao chú không về bên quê mà nằm, về đó yên tĩnh, làm việc thích hơn. Tôi nói tôi vẫn đi đi về về, dạo này lười về hơn là vì cũng đã thấy ngại đi lại, lũ con cháu ở bên này cả rồi.

Anh Địch lại chuyển câu chuyện, nhóm Xuân Thu Nhã tập có mấy ông Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, có cả Nguyễn Xuân Khoát nữa… ít nhiều họ đã góp phần làm thơ nhạc của ta mới mẻ lên đôi phần.

Miên man tùy bút - Kỳ III: Thăm thẳm bóng người ảnh 2
Ảnh: Hữu Việt

Xuất sắc hơn cả trong nhóm ấy chưa phải là mấy ông vừa kể mà là nhà thơ Phạm Văn Hạnh, người bên quê cậu.

Đã có cả nghìn bài thơ viết về Hà Nội, một trong những bài được gọi là hay nhất theo mình có bài của ông ấy.

“Trời xanh như đúc ngọc lưu ly, cánh sữa nồng chen lấp lối đi, mặt nước hồ thu màu cốm đậm, môi cô gái nhỏ thắm yên chi. Bờ sương mấy ả tan về học, áo mỏng khôn ngăn trận gió si, sực thấy dư hương mùa hạ cũ, quần thơ thịt lẳn búp hoa quì”.

Hỏi yên chi là gì, anh bảo nó là son thoa môi hồi ấy. Phạm Văn Hạnh không đi kháng chiến, ông ở lại trong thành, cưới một cô người Ấn, mấy năm sau theo vợ về Ấn sống chết ra sao đến gia đình cũng còn chả rõ nữa là bạn bè, thế là bặt vô âm tín một nhà thơ.

Tôi đùa, hay là đi hoạt động cách mạng, kiểu bí mật ấy, anh Địch cười, giọng khàn khàn, hoạt động thế đếch nào được, thằng ấy con nhà quan, lại ham chơi được cái bụng dạ tốt sống sảng khoái vô tư lắm. Nó có nhìn việc gì ở đời là lớn lắm đâu, thế mới lấy vợ Ấn Độ. Người ấy rất thích đọc sách Phật.

Tôi lại nói, trong những bài hát hay sau Cách mạng Tháng Tám, phải kể đến bài “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, lời Vũ Hoàng Địch – vừa rất trang trọng lại rất mới mẻ. Qua lời bài hát ấy đoán rằng anh có làm thơ.

Mình cũng có làm đấy, nhưng không nhiều, lại thêm ngại đem in ra. Sau hòa bình mình phải qua Bắc Kinh học Triết, mất năm sáu năm, từ lúc về nước đến khi nghỉ hưu vùi đầu vào làm ở Viện Triết, triết học làm nhụt mất cả hứng thơ.

Cậu bảo trong gia đình mình thì ai mà chả ít nhiều có làm thơ, từ cụ nội đến ông nội, đến cụ thân sinh ra bọn mình. Ông anh cả tớ là Vũ Hoàng Chương mà bảo không biết làm thơ sao được.

Vào Sài Gòn, đến lúc sắp chết ông ấy còn gọi người nhà mang giấy mực ra để ghi lại bài thơ cuối đời. Bài đó bây giờ đang lạc qua Paris.

Ông Chương có thời gian làm chánh thanh tra tuyến đường sắt Hà - Lạng, hay rủ Bàng Bá Lân, Đinh Hùng, Vũ Bằng xuống Niềm Xá hát cô đầu. Nhiều cô đào ở bên ấy đẹp mà sang trọng chẳng khác gì bà Quách Thị Hồ bên này.

Dạo ấy vùng Kinh Bắc là sân sau của cánh văn nghệ Hà thành. Những năm đó mình đang chuẩn bị vào tú tài nên ít để ý đến chơi bời, có một lần các ông ấy cho đi theo đuôi, thấy vui lắm nhưng thực là không hiểu gì.

Anh có dịp nào gặp gỡ với ba anh em họ Nguyễn Tường nhà Tự lực văn đoàn không? Lâu lâu cũng có nom thấy họ từ xa, riêng với Thạch Lam thì có được ngồi trò chuyện đôi lần.

Người ấy hiền, tử tế, văn quá đẹp. Nhưng nhà ấy không chỉ có ba anh em đâu, còn ông em út nữa, đậu đốc tờ trường y Hà Nội xong là biến luôn qua Tàu, không làm chính trị, không văn thơ gì hết, cho nên chả mấy ai biết tên biết tuổi.

Ông ấy tên là Nguyễn Tường Bách, một lần từ Bắc Kinh xuống chơi dưới Quảng Châu tình cờ mình có gặp ông Bách, được ông ấy mời về chơi nhà, ăn một bữa cơm gia đình.

Bà vợ  là người Quảng Châu, mấy đứa con không đứa nào biết tiếng Việt, ông Bách mở phòng khám tư, đi lại nom hệt một anh Tàu rồi.

Con người ta kể cũng lạ, cứ như hạt cải hạt vừng gieo đâu mọc đấy, ở đâu âu đấy. Tưởng sống là khó hóa ra cũng không khó lắm. Tớ có lần còn gặp một người Việt nữa ở bên đó, lần này là gặp ở ngoại ô Nam Kinh.

Ông cụ này đúng là một “ca” lạ lùng. Nom nhang nhác như một người tâm thần vậy, sáng nào cũng mò ra ngôi chùa cổ ở cạnh nhà, đứng giữa sân đá mênh mông, tay cầm cái chổi đót cán dài ngập đầu, nhúng chổi vào chậu nước lã ở góc sân rồi cứ thế vừa giật lùi vừa phất chổi viết lia lịa, viết cho kín sân thì thôi.

Hôm thì viết thơ, hôm thì viết từ, có hôm viết kinh Thi, chữ đẹp không thể tả, mảnh sân lát đá bỗng hóa thành một sân chữ thảo bút lực tuyệt hảo, những ông già cầm tẩu cán dài vừa nhả thuốc vừa gật đầu bái phục.

Người ta đứng xem chật quanh sân. Bãi chữ ẩn hiện, chỗ này sắp khô chỗ kia vẫn còn đang mờ tỏ, diễn biến hết sức bất thường, hết sức ung dung tự tại.

Ông già ấy được mời ra viết chữ thảo lấy lương tháng của ban quản lý khu du tích. Một chiều, tớ vào thăm ngôi nhà nhỏ mái ngói âm dương tối mò mò của gia đình ông.

Bà vợ ngồi dưới hiên nhà, ngay bên hè ngõ vắng, hai chân nhúng trong một cái thùng nước nóng, gật đầu chào khách - Bà cụ chiều nào cũng ngồi im lìm như đang thiền, đang suy ngẫm.

Khi nào nước nguội thì đã có con dâu mang siêu nước sôi ra tiếp thêm vào. Ngâm chân là chuyện hàng ngày của người Tàu. Họ cũng chỉ có một người con trai, làm việc ngoài cảng sông.

Ông già đó vốn là người Thanh Nghệ, mười sáu tuổi theo gót cụ Phan Bội Châu, đầu tiên sang Nhật học hành hội họp bốn năm ở quần đảo Hoành Tân, sau đó theo anh em đồng chí quay về Trung Quốc.

Sự nghiệp chung cứ tan rã dần, lòng cũng chán nản nguội lạnh dần, tình cảnh cố hương thì vẫn thế, ở xa nhìn về mà thấy đau lòng và càng ngày càng thấy là nan giải.

Đến như cụ Nguyễn Thượng Hiền cuối cùng cũng đành phải chui vào sống trong một ngôi chùa bên Hàng Châu để quên ngày tháng, để đọc sách Phật, để chôn vùi luôn những uất hận, những ngậm ngùi, những cay đắng của một trí giả không Tổ quốc, không còn lối về, không có lối thoát.

Nghe nói về già cụ Thám Hoa mắc bệnh lắc đầu, ngồi một mình tụng kinh cũng lắc đầu, chuyện trò với ai cũng lắc đầu, chỉ lúc ngủ là yên được một chút. Cụ Phan trước ngày bị Pháp bắt giải về nước còn đến thăm bạn vài lần, hai cụ ngồi cả buổi, không ai nói với ai nửa lời. Nó là quẻ bĩ vậy.

Anh Vũ Hoàng Địch đứng dậy nhìn tôi cười khàn khàn, hai con mắt không còn được nhanh nhẹn như những năm trước, trên trán trên mũi lấm tấm những vết đỏ ngoài da. Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc của anh nói lời tạm biệt.

Anh nói, năm mình gặp ông già viết chữ thảo thuê ở Nam Kinh là mới ngoài ba mươi, nay đã ngoài tám mươi, thế tức là đã có nửa thế kỷ rồi. Dòng nước mùa xuân cũng đã sắp ra tới biển, nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.

Không có mây trời ở đâu trong sạch như mây trời Vân Nam, cũng như không có núi đồi nào tươi đẹp hơn núi đồi Vân Nam.

Những cụm mây trắng xốp nằm lơ lửng trên nền trời cao, những cụm mây yên lặng như không muốn bay đi đâu nữa, ngày mai sớm ra vẫn thấy chúng nằm nguyên ở đó, ngày kia, ngày kìa, sang năm, sang năm nữa, mãi mãi vẫn thấy nó đợi ta ở đó.

Những miền đồi núi trập trùng, băng tuyết phủ trên các đỉnh cao trắng lóa, những cánh rừng đại ngàn thẳm xanh đầy bí hiểm, đại bàng sải cánh lượn ngang sườn núi.

Những đồng cỏ ngàn ngạt trải thảm tới chân trời. Những rừng đá đủ các hình thù kỳ dị bày thế trận liên hoàn đóng mở ra vào thần tình tựa trận đồ bát quái, gợi ta nhớ tới những cửa sinh cửa tử của các ông Phục Long, Phượng Sồ.

Trong khe núi là những chú trâu rừng lậm lừ đứng, lông lá đầy mình, những chòm râu dài lắc lư theo cái đầu vuông, đôi sừng rộng cũng vuông, bốn móng vuông.

Bộ lông quý đen nhánh khiến ta chợt giật mình hay là chúng vừa từ đáy sông đáy biển chui lên. Nhưng ở đây lại hiếm nước, sông thì ở  xa, bên kia những dãy núi lớn đi vòng vo cả ngày mới tới, sông nằm dưới khe sâu, vực thẳm, đứng ngang núi trông xuống mà sởn tóc gáy.

Còn biển chắc chắn là không có rồi, có một vài cái hồ lớn thì ở tận ngoài Côn Minh. Từ ngàn năm trước Côn Minh đã được mệnh danh là Xuân Thành, một thành phố quanh năm hoa trái, mùa đông không có tuyết rơi, thuận hòa đến từng cơn gió.

Côn Minh ở độ cao một ngàn tám trăm mét trên mặt biển, khí hậu ôn đới, nước sôi ở hơn chín mươi độ C, trứng luộc chín lòng đào, trà pha trong ấm như muốn ngai ngái nhạt, cho thật nhiều trà vẫn nhạt.

Một hôm đi bộ trên chiếc cầu vượt hình cánh cung gần khách sạn Xô-phi-a, tôi được may mắn gặp một cô gái rất đẹp của Xuân Thành, dáng kiều dỏng cao, tóc đen trùm xõa hai vai, hàng mi thanh tú môi đỏ má hồng, không cần son phấn.

Cô đi ngang qua tôi với cái chổi lau nhà cán rõ dài, có lẽ mẹ đã sai cô đến một cửa hàng nào mua về. Chợt giật mình khi gặp ánh mắt tôi nhìn, cô vội đưa tay ra kéo vạt áo bông hoa.

Chúng tôi tạm rời Côn Minh để lên thành Đại Lý cách Côn Minh chừng bốn trăm cây số. Bữa cơm của người Bạch ở đây rất dễ ăn, từ bát canh ốc vặn đến miếng măng miếng cá đều được kho nấu giống như ở nhà.

Thành Đại Lý đã được trùng tu, tường thành, cổng thành đều xây bằng đá cao ngất, phố xá nằm trong thành mang đầy màu sắc cổ kính khiến ta chợt nhớ đến những trang tiểu thuyết cổ của Tàu đã đọc lúc còn bé, có ông tướng họ Đoàn cưỡi ngựa ra trận.

Người Bạch mang khăn trắng, quần áo đều trắng, đôi giầy, chiếc  quạt cầm tay cũng trắng và những ngôi nhà quét vôi trắng…

MỚI - NÓNG