Mihagui: "Trong máu tôi có... nước mắm?

Mihagui: "Trong máu tôi có... nước mắm?
"Mẹ là con gà ấp trứng vịt. Con vịt bơi qua sông, mẹ gà đứng bên này nhìn theo mà không thể làm gì được", Mihagui rớm nước mắt khi nhắc lại lời bà mẹ Việt của mình.

Mang trong người hai dòng máu, ở bên Pháp người ta "chỉ mặt" ông là ''da vàng, mắt hí", còn về Việt Nam thì được gọi là "ông Tây" Mihagui khổ trong cái vòng luẩn quẩn ấy.

Chia cách

24 bức sơn dầu đang trưng bày ở Gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, TPHCM) của Mihagui chan chứa nỗi buồn. Đó là nỗi buồn chia ly, nỗi buồn của người mang trong mình hai dòng máu, nỗi nhớ quê, nỗi buồn muộn màng và hối tiếc.

Rời Việt Nam khi Mihagui (tên thật là Robert Bouchin) mới 13 tuổi (1958), theo diện F.O.E.F.I (Federation des Oeurres Enfants Francis Indochine, Hội trẻ em Pháp gốc Đông Dương).

Nghĩa là Mihagui qua Pháp không cùng với cả mẹ và bố (bố về nước trước), chỉ với người em trai còn rất nhỏ, ở trong những khu nhà dành riêng cho trẻ con thuộc diện Tây lai đặc biệt này.

Đến Pháp, ngay lập tức ông mất liên lạc với em trai vì bị tách ra hai nơi ở riêng biệt. Người em này, mãi đến bây giờ ông vẫn chưa tìm lại được.

Đau đớn hơn, ông bị "cắt dây" hoàn toàn với mẹ và bố. Những lá thư của mẹ cũng không đến được tay ông.

Ngay cả tiếng Việt ông cũng bị cấm nói. Muốn nói, những cô cậu con lai này phải lén lút, nhờ thế nên mãi đến 40 năm sau, khi hầu như tất cả những ký ức tiếng Việt tưởng chừng như đã chết hẳn, lại được dịp trỗi dậy khi ông quay về Việt Nam.

Ông bắt tay vào ôn tiếng Việt. "Như cái mùi mắm, mùi trái cây... ở chợ Bến Thành, mặc dù rất nhớ nhưng không thể hình dung ra được. Cho nên, khi dạo chợ, nghe mùi là tôi nhận ra ngay. Tiếng nói cũng vậy đấy", Mihagui thổ lộ.

Những người bạn của ông có người học giỏi trở thành bác sĩ, kỹ sư; nhưng cũng có người học nghề, đủ 18 tuổi ra đời kiếm sống, lang thang rày đây mai đó.

Lúc mới qua Pháp, suốt đêm Mihagui ngồi ôm gối khóc vì nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ ngôi trường đang học (trường Jean Jacque Rousseau, nay là Lê Quý Đôn, Quận 3, TPHCM), nhớ cả cái tên Hùng mẹ đặt cho...

Lớn lên, Mihagui làm đủ nghề để sống và mất rất nhiều thời gian để xác định chỗ đứng của mình trong thế giới nghệ thuật ở Paris.

Ra trường, có một lần ông gặp lại bố sau bao năm sống ở Pháp. Nhưng đó là cuộc gặp gỡ duy nhất cho mãi đến giờ. Trong ông, bố đã chết.

Mẹ của Mihagui vẫn sống một mình ở Sài Gòn. Hai mẹ con liên lạc với nhau được đến năm 1972 thì đứt. Năm 1992, Mihagui muốn về VN tìm mẹ nhưng con cái ông vẫn còn học hành, hòan cảnh gia đình không có phép ông về Việt Nam.

Kết hoạch cứ bị hoãn, thì năm 1998, qua thông tin từ một người quen ở Pháp, ông được tin mẹ mình đã mất. Ngay lập tức Mihagui quay về Việt Nam. Trong vòng 8 năm qua, ông đã 14 lần về Việt Nam, nhưng lần về tổ chức triển lãm tranh này, Mihagui quyết định ở lại mãi.

"Tôi như con cá sinh ra ở dòng suối nhỏ, sau đó ra biển. Giờ đã đến lúc quay trở lại dòng suối vì nhớ cái mùi suối ấy".

Muốn khoe với con quê mẹ

Nơi mà Mihagui đến đầu tiên trong chuyến về VN sau 40 năm là những nơi mà tuổi thơ ông gắn bó: Cầu Thị Nghè - nơi cậu bé lai Tây cùng bạn bè cùng lứa nhảy xuống kênh tắm, vào Sở thú dạo chơi hay lang thang trên những con đường quen thuộc...

Người quen không còn ai, nghe đâu còn có hai bà dì ruột ở Hà Nội nhưng ông chưa tìm ra được. Thuê một căn nhà trên đường CMT8 để làm nơi ở và chỗ vẽ vời giá rất cao "vì người ta tưởng Việt Kiều chắc có nhiều đô la".

Ông cũng ít khi ra phố bởi không chạy được xe gắn máy. Ông thích ngồi lặng trong phòng, mở nhạc Việt nghe. Mihagui chỉ toàn nghe nhạc Việt ''vì âm hưởng của nó buồn da diết".

"Tôi tóc đen, mắt nâu thì không phải ông Tây. Tôi ăn được thịt cầy, tiết canh, mắm tôm... mà. Nhiều người trong "hội Tây lai" quên hết tiếng Việt, gặp nhau chê cái này cái kia của Việt Nam. Tôi nói trong máu tôi, và cả các ông, có... nước mắm rồi thì không nên chê gì hết", Mihagui kể.

Ở Paris, hàng tuần những người bạn già Tây lai của ông tụ họp lại, tự tay Mihagui nấu món Việt Nam đãi mọi người.

Dù có vợ người Pháp và các con của ông cũng không nói được tiếng Việt, nhưng Mihagui vẫn hướng các con mình về VN, bằng những bữa ăn đậm hương vị của người Việt, có cả cà pháo, mắm tôm, bánh xèo, bánh cuốn, thịt kho...

"Khi công việc ở VN của tôi trở nên ổn định hơn, tôi sẽ đưa hai con và các cháu của mình qua để khoe với chúng về xứ sở của bố chúng. Con tôi vẫn da vàng, tóc đen, có 1/3 máu của người Việt nên rất muốn về Việt Nam".

Những bức sơn dầu của Mihagui đều chứa đựng hình ảnh quê hương, đó là quê cha, quê mẹ, cô gái Việt... nhưng lại không hề có bóng dáng người mẹ - người mà ông đau đáu suốt 40 năm, đến khi tưởng chừng sẽ gặp được thì lại mất nhau.

Với ông, "mẹ gợi cho tôi quá nhiều kỷ niệm buồn; hơn nữa, thương mẹ ở trong tim, trong đầu, không cần vẽ ra cũng đã đủ".

Theo Nguyên Trần
Thể thao Văn hóa

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.