Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội:

Mới giai đoạn thể nghiệm

Bác Tuấn cẩn thận chụp lại từng bức ảnh Hà Nội xưa. Ảnh: Trung Dũng.
Bác Tuấn cẩn thận chụp lại từng bức ảnh Hà Nội xưa. Ảnh: Trung Dũng.
TP - Sau tháng trời “chạy thử”, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (TTVHPC) khai trương ngày 2/2 với Triển lãm ảnh Hà Nội xưa. Tư liệu và cách trưng bày giúp thấy lại một Hà Nội cổ giữa không gian kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn gói trong hai chữ “thể nghiệm”.  

TTVHPC lúc này giống cuốn sách ảnh 3D về Hà Nội xưa. Vào tầng trệt ngôi nhà 50 Đào Duy Từ hay rạp bị cháy (cách gọi trước đây của dân phố cổ) là vào ngay triển lãm với loạt pano đứng có ảnh, chú thích (tiếng Việt), bản đồ định vị.

Chậm rãi đi một vòng quanh, “nhặt” được kha khá nét đặc trưng của người Hà Nội xưa: trang phục, tập tục, phố xá, phương tiện (tàu điện, xe kéo, xe đẩy), cả người mẫu đầu thế kỷ 20.

“Ở Hà Nội từ bé mà nhiều cái giờ mình mới được biết” - ông Hùng nhà phố Gia Ngư vừa chỉ vừa dẫn giải - “Gốc gác của phố Đường Thành hay cảnh quan phố phường cuối thế kỷ 19, như Hàng Bồ này, cũng nhộn nhịp thế”.

Bác Tuấn (ở Phan Đình Phùng) 85 tuổi, mau mắn đi tìm rồi chụp lại ảnh tháp nước Hàng Đậu: “Hồi trước, nhà tôi dùng nước của cái tháp này. Ảnh có nhiều nhưng chụp từ hồi năm một tám chín mấy thì tôi chưa thấy”.

Lên tầng 2 vẫn chỉ thấy ảnh và chú thích. Chỉ khác ảnh nằm, chú thích Việt - Pháp - Anh còn nội dung kể lại tiến trình hình thành Hà Nội từ xưa tới nay. Các chuyên gia đến từ Toulouse (Pháp) thành phố kết nghĩa với Hà Nội, ngoài việc tư vấn kiến trúc xây dựng trung tâm, kết hợp làm luôn mảng trưng bày này.

Bác Tuấn nhận xét: “Hay. Nhưng ghi chú phải sửa. Tiếng Việt thì thiếu dấu, còn tiếng Pháp dùng nhầm danh từ sang động từ”. Xem ra dòng chữ in chìm vắt chéo trên mỗi bảng tư liệu “Triển lãm đang trong quá trình hoàn thiện” là cẩn thận không thừa.

“Ban hiện quản lý 6 điểm du lịch. Điểm này (TTVHPC) mới hơn, giao thoa đương đại và truyền thống, giới thiệu từ tổng thể tới chi tiết về Hà Nội xưa nên tôi tin khách sẽ thích” - một đại diện Ban Quản lý phố cổ cho biết.

Sở dĩ phía quản lý tin sẽ kéo được khách bởi chỗ này nằm trong lõi phố cổ, khu chợ đêm trình diễn nghệ thuật đường phố. Thời gian chạy thử với triển lãm “làng nghề, phố nghề”, việc quảng bá bằng tờ rơi và qua công ty du lịch đã hút một số khách Tây tới thăm, phản hồi tốt.

“Triển lãm chỉ là phương thức thể hiện, đưa ra các bộ sưu tập tạo cảm hứng cho người xem. Đợt tới sẽ mời kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội chuyên về phố cổ phối hợp Hội Sử học thực hiện các hoạt động văn hóa” - theo nhà sử học Dương Trung Quốc. “Mọi thứ mới bắt đầu. Muốn duy trì sức sống cần quy tụ nguồn lực xã hội, không chỉ vật chất mà cả sự góp trí tuệ của cộng đồng”, ông Quốc khẳng định.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG