Mối tình thầm lặng của nhà thơ Garcia Lorca

Mối tình thầm lặng của nhà thơ Garcia Lorca
Mùa hè năm 1936, cả nước Tây Ban Nha sững lặng khi nghe tin người con thân yêu của mình – nhà thơ Garcia Lorca - hy sinh giữa lúc ông vừa tròn 38 tuổi.

Không có mộ phần riêng của ông. Không ai nhìn thấy thi thể  ông – ông được chôn cất đâu đó trong một ngôi mộ chung với những nạn nhân khác của chế độ phát xít Franco. Ông đã trở thành một phần máu thịt của đất nước Tây Ban Nha, hương hồn ông đã hòa lẫn với sông núi Tây Ban Nha.

Toàn bộ cuộc đời Lorca gây ấn tượng như một mùa hè không thể nào quên, rực rỡ và chan hòa ánh nắng. Ông không bị săn đuổi, không bị truy nã, không phải giam mình trong ngục tối, nhưng cuộc đời ông có tất cả những gì mà một nhà thơ cần có.

Ông không chỉ đơn giản là người con xứng đáng của đất nước Tây Ban Nha, ông còn là tiếng nói, là niềm vui và nỗi buồn của đất nước mình. Nhờ có những vần thơ tài hoa mang đậm chất dân gian của ông mà người ta nghe thấy tiếng hoàng hôn than khóc ánh bình minh, tiếng đàn guitare cất lên xao xuyến, tiếng đôi thằn lằn thầm thì bên tảng đá ven sông, tiếng cát lạo xạo dưới chân cặp người yêu dạo bước bên nhau …

Cũng chính nhờ có thơ ông mà đất nước Tây Ban Nha hiện lên với chiều dài sâu thẳm của lịch sử, với những sắc màu độc đáo, nồng nhiệt, nhưng vẫn phảng phất đâu đó một nỗi buồn mênh mang trong tâm hồn.

Federico Garcia Lorca ra đời trong một gia đình có 4 người con. Mẹ ông chơi piano rất giỏi và ngay từ nhỏ ông đã học được nghệ thuật chơi đàn piano của mẹ. Còn guitare? Ai mà biết được ông học guitare ở đâu. Bởi lẽ, đối với người dân Tây Ban Nha thì loại nhạc cụ này tự nhiên hệt như hơi thở.

Hệt như nỗi buồn mênh mang mà bất kỳ người Tây Ban Nha nào cũng hấp thụ cùng sữa mẹ, hệt như tiếng hát ru con tha thiết mà cậu bé Lorca được  những người phụ nữ láng giềng đôn hậu hát cho nghe. Về sau, nhà thơ Lorca nhiều lần phát biểu những suy ngẫm của mình về âm điệu các bài hát ru con dân gian. Ông nói rằng đã mấy trẻ em trên thế giới được đắm chìm vào giấc ngủ như đắm chìm vào thế giới mộng mơ như trẻ em Tây Ban Nha.

Năm 1914, Lorca vào học trường đại học Granada và bắt đầu nghiên cứu triết học, ngữ văn và pháp quyền. Năm 1918, ông cho xuất bản cuốn sách đầu tiên của ông - cuốn “Những phong cảnh và ấn tượng”.

Năm 1919, ông chuyển đến thủ đô Madrid để tiếp tục học tập tại một cơ sở được tổ chức theo kiểu các trường đại học tự do. Tại đây, số phận run rủi nhà thơ trẻ quen biết họa sĩ trẻ đầy tham vọng Salvador Dali và cô em gái của Dali là Anna-Maria. Tình bạn thắm thiết với Dali đã gây cảm hứng cho Lorca và giúp Lorca sáng tác được bài thơ nổi tiếng “Thơ tặng Salvador Dali”.

Còn về phần Anna-Maria thì Lorca cũng gắn bó với cô bằng một tình cảm đặc biệt. Nhiều năm về sau ông viết cho cô : “Anna-Maria yêu quý, người bạn gái yêu quý của tôi, tôi không biết do đâu mà tôi đủ can đảm viết thư cho em. Chắc hẳn em nghĩ rằng tôi đã quên em từ lâu. Không đâu. Ký ức tôi luôn luôn đấy ắp hình bóng em, những nụ cười của em. Trong ký ức của tôi, em mãi mãi là một trong những kỷ niệm êm đềm nhất”.

Lorca mơ ước có gia đình, và có con. Nhưng duyên phận không đến với họ. Anna-Maria nhiều lần nói rằng kết hôn với Lorca chẳng khác gì kết hôn với gió. Nhưng hiển nhiên là cô cũng không thể tìm được một người nào xứng đáng hơn. Mặc dù qua đời sau Lorca nhiều năm nhưng Anna-Maria không một lần lên xe hoa, phải chăng là vì tình cảm sâu nặng với Lorca?

Lorca luôn luôn gắn bó với quê hương Granada của ông. Tuy cuộc đời ông đầy sự kiện và bạn bè nhưng năm nào ông cũng về thăm Granada. Năm 1922, ông tổ chức tại đây ngày hội “Cante Hondo”, có nghĩa là “Giai điệu sâu xa”.

Ông lấy tên gọi như vậy có thể bởi vì đó là phong cách ca hát dân gian độc đáo với tiếng đàn guitare hòa theo, mà cũng có thể bởi vì gốc gác của phong cách ca hát này bắt nguồn từ quá khứ sâu thẳm mà người dân Tây Ban Nha chẳng còn ai nhớ nữa.

Sáng tác dân gian bao giờ cũng làm ông xúc động sâu sắc, bao giờ cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ ông. Lorca cũng rất quan tâm đến sân khấu không chỉ với tư cách nhà viết kịch mà còn với tư cách đạo diễn.

Ông đòi hỏi sân khấu phải cách tân, phải thể hiện được những tư tưởng nhân đạo và tiến bộ. Năm 1932, ông thành lập nhà hát lưu động sinh viên “La Baraca” nhằm giới thiệu những kiệt tác của các tác giả cổ điển Tây Ban Nha như Cervantes và Lopez de Vega.

Với tính cách và tâm hồn như vậy, việc Lorca đến với cuộc đấu tranh chống áp bức là chuyện tất yếu. Năm 1936, ông và một số người cùng chí hướng, trong đó có nhà thơ cộng sản Alberti, thành lập “Liên đoàn trí thức chống phát xít”.

Ngày 16 tháng 7 năm đó, ông trở về Granada để dự hội Thánh Federico. Đó cũng là những ngày bùng lên cuộc nội chiến giữa các lực lượng dân chủ Tây Ban Nha với các lực lượng phản động của phát xít Franco. Trên đường đi, ông bị bọn dân vệ của Franco chặn bắt rồi xử bắn tại một nơi gần mảnh đất Granada thân yêu của ông vào một sáng tháng 8 năm 1936.

MỚI - NÓNG