Môi trường xã hội - cái “gốc” của bệnh nói dối

Môi trường xã hội - cái “gốc” của bệnh nói dối
TP - Là một đại biểu dân cử, mới đầu, tôi không khỏi nghi ngờ khi Tiền phong mở diễn đàn về thói hư tật xấu của người Việt, bởi vì nếu không cẩn thận thì chúng ta chỉ toàn nhìn thấy những mặt trái của xã hội đang diễn ra hàng ngày, mà quên mất rằng đa phần người Việt mình rất tốt.
Môi trường xã hội - cái “gốc” của bệnh nói dối ảnh 1

Đến lúc này, ngược lại tôi rất hoan nghênh diễn đàn, đúng là dân tộc nào cũng có niềm tự hào về phẩm chất của mình, nhưng bên cạnh đó cha ông chúng ta đã tổng kết bằng ca dao, tục ngữ, thành ngữ về vô vàn những thói hư, tật xấu của người Việt.

Dường như, trong chiến tranh, những thói hư tật xấu đó phần nào bị chìm lấp đi, để rồi phát triển trong những ngày tháng mà chúng ta đang sống.

Nói về thói hư, tật xấu của người Việt, câu chuyện gây bức xúc nhất hiện giờ mà tôi cảm nhận được chính là thói tật ăn gian nói dối. 

Nhiều người hay đổ lỗi cho cơ chế, nói vậy cũng đúng thôi, nhưng tôi thích dùng chữ môi trường. Bệnh gian dối đang có môi trường để tồn tại, mà môi trường ở quanh ta, ngay trong gia đình, trong sinh hoạt hàng ngày, chứ không chỉ ở những vấn đề cơ chế lớn lao.

Thấy gì qua thói quen mua hàng không bao giờ lấy hóa đơn đỏ của người Việt? Phải chăng là thói quen thấy người ta gian dối mà mình không phê phán, còn vô tình ủng hộ, thậm chí là tham gia vào.

Diễn đàn Quốc hội nóng lên trong mỗi kỳ họp vì tham nhũng, lãng phí. Đằng sau những quốc nạn này chính là bệnh gian dối. Vì sao không mấy cơ quan, tổ chức tự phát hiện ra tham nhũng, lãng phí trong nội bộ của mình, mà thường phải đợi đến người dân và báo chí lên tiếng?

Là vì những cơ quan, tổ chức đó không dám nói thật với nhau, ai đó đang sống với nhau bằng cái giả dối và thật không may là môi trường xã hội của chúng ta lại dung dưỡng cho điều đó.

Giả dối và chân thật, thiện và ác, đều tiềm ẩn trong mỗi con người, không ai có thể chủ quan cho rằng mình là người tốt thì không sợ lây nhiễm cái xấu, đặc biệt là với cán bộ, công chức.

Bây giờ mà hỏi nhiều cán bộ đang ngồi trong tù, tôi tin nhiều người trong họ sẽ nói rằng “giá như mà tôi cảnh giác được với chính tôi”.

Từng nhiều năm làm công tác trong ngành văn hóa ở Hà Nội, tôi rất chia sẻ với nỗ lực xây dựng con người Thủ đô thanh lịch như một câu ca xưa về người Tràng An.

Đang có cả một chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước về đề tài này, tuy nhiên tôi nghĩ rằng việc xây dựng lối sống của một cộng đồng người thì không chỉ nghiên cứu khoa học, hay sự vào cuộc của các nhà lãnh đạo mà làm được, đây phải là nỗ lực chung của cả cộng đồng, những nỗ lực âm thầm, lặng lẽ nhưng đi sâu vào đời sống từng con người, từng gia đình.

Trở lại vấn đề, khi con người sống thật với nhau, đó mới chính là “gốc” của thanh lịch, bởi vì thanh lịch không phải là sự giả dối, ngọt nhạt ở vẻ bề ngoài.

Một xã hội lành mạnh là xã hội mà mọi người đều lao động hăng say, và tìm thấy giá trị của mình thông qua lao động. Còn môi trường xã hội của chúng ta bây giờ, nếu tính về cái “gốc” của bệnh gian dối thì có nhiều, nhưng riêng trong hệ thống hành chính, ít nhiều “gốc” của bệnh gian dối nằm ở đồng lương công chức và cơ sở của sự thăng tiến.

Hệ thống tiền lương của chúng ta cực kỳ bất hợp lý, lên lương không phải thông qua giá trị lao động mà cứ tuần tự ba năm xét một lần... Và công tác cán bộ cũng thế, thường thì “anh” phải qua chuyên viên mấy năm, qua tổ phó, qua tổ trưởng, sau đó lên phó phòng, trưởng phòng, cứ như vậy mà “leo” lên dần.

Một môi trường như vậy, cộng thêm thực tế không ít người ăn gian nói dối, nịnh trên nạt dưới, chạy vạy ngược xuôi thì được thăng tiến, dẫn đến cách hiểu là cứ gian dối thì được việc, nên mới đến mức dối trá bằng cấp, dối trá ngày sinh tháng đẻ.v.v.

Nhiều thứ dối trá ghê gớm, lớn thì dối trá theo kiểu lớn, bé thì dối trá theo kiểu bé, bệnh dối trá đã đạt đến “cảnh giới thượng thừa” là nhiều khi người ta nói dối mà không biết là mình đang nói dối.

Khi nói thật là không dễ, nói cho vừa lòng nhau nhẹ nhàng hơn nhiều, thì để có nhiều lời nói thật hơn, phụ thuộc rất nhiều vào “người trên”, trong tổ chức là cấp trên, trong gia đình là ông bà, cha mẹ.

Một cơ quan khuyến khích những người nói thật, trọng dụng những người nói thật, sẽ có nhiều người nói thật hơn, các cụ ngày xưa đã dạy là “rau nào sâu ấy”, “nhân nào quả ấy” là ở lẽ đó.

Tốt hay xấu đều không vĩnh viễn, mà thay đổi tùy theo môi trường, như vậy cần làm sao cho diễn đàn “thói hư, tật xấu” không chỉ là nơi để nói cho thỏa bực mình, thỏa những nỗi bức xúc, phải làm sao tìm ra được cái “chân”, cái “gốc” của vấn đề để mà cũng nhau sửa chữa, làm cho diễn dàn trở thành nơi trao đổi và tự rèn luyện.
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.