Một cuốn sách hay về ngoại giao Việt Nam

Một cuốn sách hay về ngoại giao Việt Nam
TPO - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn “Ngoại giao Việt Nam – Phương sách và nghệ thuật đàm phán” của Nguyễn Khắc Huỳnh.
Một cuốn sách hay về ngoại giao Việt Nam ảnh 1
Tác giả Nguyễn Khắc Huỳnh

Tác giả là một nhà ngoại giao lão thành, đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao, một cây bút quen thuộc của bạn đọc trên Tạp chí Lịch sử quân sự, Tạp chí Xưa & Nay, cùng nhiều tờ báo khác.

Cuốn sách tập hợp các bài đã công bố trong vài năm gần đây nhưng các sự kiện mang tính liên tục đã tạo nên một cuốn lịch sử về ngoại giao Việt Nam từ ngày Cách mạng tháng Tám 1945 đến chiến thắng năm 1975.

Theo trình tự thời gian lịch sử, phần lớn nội dung cuốn sách dành cho 3 sự kiện ngoại giao quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là những cuộc đàm phán để đi tới  Hiệp định sơ bộ năm 1946, Hiệp điịnh Geneve năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973.

Tác giả không chỉ dừng lại phần ghi chép các sự việc đã diễn ra trong những cuộc đàm phán với đối phương mà từ góc độ nghiên cứu, ông đã phân tích sâu sắc bối cảnh dẫn đến đàm phán, những tính toán của mỗi bên tham gia, những cuộc “mặc cả” căng thẳng và những thỏa thuận đạt được. 

Chẳng hạn, công thức Pháp công nhận Việt Nam là một “quốc gia tự do” trong Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 là một sáng kiến quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gỡ được thế bế tắc trong phút chót của cuộc đàm phán, và hơn thế nữa, theo tác giả thì đây là “một đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào thể chế quan hệ quốc tế hiện đại” (tr. 96) mà trước đó chưa hề có.

Cuốn sách cũng cho thấy sự vận động rộng lớn của Hồ Chủ tịch trong những ngày thăm Cộng hòa Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp. Đặc biệt nổi lên tài mưu lược và nỗi gian truân của Người trong thương lượng với những người cầm quyền Pháp để ký bản Tạm ước 14/9/1946.

Phân tích tình thế đan xen giữa đối đầu và hòa hoãn trong quan hệ của các nước lớn hồi đầu thập niên 50, tác giả đã lý giải bối cảnh dẫn đến Hội nghị Geneve về Đông Dương năm 1954.

Có điều tiết lộ là khi đó, “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi cùng Phạm Văn Đồng sang Bắc Kinh rồi sang Matxcơva phối hợp chuẩn bị phương án đấu tranh” (tr. 186), điều mà còn ít người biết. Tại diễn đàn Geneve đã nổi lên lập trường đúng đắn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tư thế người chiến thắng, nhưng đồng thời cũng thấy rõ sự thỏa hiệp giữa các nước lớn đã góp phần hạn chế kết quả mà ta mong muốn và có thể đạt được.

Thẳng thắn đặt ra những băn khoăn về kết quả Hội nghị Geneve, về việc ta có thể đánh tiếp không, tác giả dẫn ra nhận định của Hội nghị Trung ương lần 6 (tháng 7/1954): “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng so sánh giữa ta và địch có lợi cho ta, nhưng chưa thay đổi về căn bản”. Đặc biệt là lời của Bác Hồ “Đây là tương quan lực lượng” cũng như câu trả lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng:” Chúng ta sẽ trực tiếp đụng đầu với Mỹ ngay” để cho thấy sự cần thiết phải tạm dừng cuộc kháng chiến với việc giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu tiếp theo.

Đàm phán Paris là cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, gay go nhất và thắng lợi vang dội nhất trong lịch sử ngoại giao của cách mạng Việt Nam, đã thể hiện hùng hồn “Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” (tr. 249). Tác giả dẫn dắt người đoc đi suốt quá trình đấu tranh ngoại giao từ giai đoạn trước Hội nghị Paris 1965-1968, qua hai giai đoạn của cuộc hòa đàm 1968-1972 và 1972-1973 và giai đoạn kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 1973-1975.

Là một trong những người tham gia công tác chuẩn bị cho cuộc hòa đàm, tác giả kể lại những mẩu chuyện về việc chọn chữ, chọn từ trong các công hàm gửi đối phương; các cuộc bàn thảo về tiến công và nhân nhượng trong từng phiên họp công khai cũng như từng cuộc gặp riêng bí mật.

Tác giả cũng vạch ra thái độ lắt léo và thế lúng túng của đối phương, mặc dầu rất khôn ngoan và tàn bạo nhưng cuối cùng cũng không tránh khỏi sự thất bại. Cũng có thể thấy ở đây mối quan hệ khá tế nhị giữa lập trường không thay đổi của ta với mối quan hệ tam giác Mỹ – Xô - Trung.

Điểm nổi bật và cũng là đóng góp đáng trân trọng của tác giả Nguyễn Khắc Huỳnh chính là ở chỗ ông đã nâng lên tầm lý luận trong cách nhìn nhận những thành tựu và kinh nghiệm về ngoại giao. Tác giả đã tổng kết những kinh nghiệm trong phương sách, và nghệ thuật, phương châm đàm phán. Và theo tác giả, những kinh nghiệm đó bắt nguồn từ tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nền ngoại giao cách mạng đã kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại giữ vững chủ quyền và quan hệ hòa hiếu từ đời xưa của các bậc tiền bối.

Với độ dày 393 trang, nhà ngoại giao – nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh đã đem lại cho người đọc những hiểu biết chung theo chiều rộng về cuộc đấu tranh ngoại giao của nước nhà từ ngày Cách mạng tháng Tám, đã phân tích lý lẽ theo chiều sâu để làm nổi lên cơ sở lý luận, những nguyên tắc chiến lược và vận dụng sách lược của ngoại giao Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ Quốc.

Nội dung phong phú hàm chứa chất lượng khoa học cao của cuốn sách “Ngoại giao Việt Nam – phương sách và nghệ thuật đàm phán” là một đóng góp đáng trân trọng vào việc nghiên cứu lịch sử ngoại giao Việt Nam, đồng thời là tài liệu cần thiết và bổ ích cho các nhà ngoại giao trẻ tuổi cũng như các nhà nghiên cứu, sinh viên chuyên ngành lịch sử hiện đại Việt Nam.

MỚI - NÓNG