Một điểm đến văn hoá Việt Nam tại Warszawa

Một điểm đến văn hoá Việt Nam tại Warszawa
Theo sách hướng dẫn du lịch, tôi tìm đến chùa Thiên Việt vào một ngày đầu năm Mậu Tý. Tại đây, lễ cầu an đầu năm mới đang được tiến hành với sự chủ trì của Hoà thượng Zangter từ đất Phật Nepal sang.
Một điểm đến văn hoá Việt Nam tại Warszawa ảnh 1

Phiên bản chùa Một Cột trong khuôn viên chùa Thiên Việt.

Có khoảng 200 Phật tử Ba Lan từ Trung tâm Phật giáo Tây Tạng Grabnik (cách thủ đô Warsaw 45km) và Phật tử VN tham gia buổi lễ.

Hai hội viên Hội Người cao tuổi VN tại Ba Lan - bà Vũ Thị Bảo và bà Đoàn Thanh Hằng - cùng rất nhiều hội viên tại Ba Lan yêu đạo Phật đều "thầm cảm ơn một người".

Người đó là ông Bùi Anh Thái - Giám đốc Nhà văn hoá Thăng Long Warszawa. Tôi đã có cuộc chuyện trò thân mật với người phát tâm xây chùa Thiên Việt và ông Hà Minh Hiển - Hội trưởng Hội người VN tại Ba Lan - về văn hoá tâm linh dân tộc Việt trên đất nước Thiên Chúa giáo.

Ông Bùi Anh Thái: Trước tiên phải nói, bạn là người có "duyên" mới hạnh ngộ được cao tăng Zangter hôm nay. Và tôi "có căn, có duyên" mới xây dựng được chùa Thiên Việt.

Cách đây 15 năm, cộng đồng mình tại Warszawa đã có ý tưởng xây dựng một ngôi chùa Việt. Tuy nhiên, vì một số lý do mà ý tưởng này không thành hiện thực. Năm 2005, tôi quyết định một mình đứng ra xây dựng chùa.

Ông đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì khi xây dựng chùa Thiên Việt?

Tôi gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên bao giờ cũng là vốn. Bởi 100 nghìn USD không phải là một khoản nhỏ. Rồi nhân công. Rồi một số khó khăn khác trong lúc tiến hành xây dựng một công trình ở đất nước mà khi bạn đào sâu xuống đất 50cm hay thay đổi cửa sổ cũng phải xin phép.

Tuy nhiên, sau đó những người hiểu biết về văn hoá ở Ba Lan lại rất ủng hộ. Do đó, ngôi chùa nằm trong khuôn viên 400m2 đã hoàn thành phù hợp với tổng thể không gian Nhà văn hoá Thăng Long.

Tại sao ông lại chọn tên chùa là Thiên Việt và đặt kiến trúc chùa Một Cột giữa khuôn viên? Nguyên vật liệu, ông lấy từ đâu?

Tôi chọn kiến trúc chùa Một Cột và coi như biểu tượng Phật giáo của dân tộc nơi xứ người vì đó là biểu tượng thể hiện được bản sắc dân tộc. Phiên bản chùa Một Cột được hoàn thiện tại TPHCM và vận chuyển bằng tàu biển sang, rồi được lắp ráp tại Warszawa.

Tên chùa Thiên Việt cũng đến trong đầu một cách hết sức tự nhiên. Dù có thể về mặt ngữ nghĩa chưa hoàn thiện, nhưng tôi vẫn quyết định chọn. Từ Thiên Việt có nhiều nghĩa, nhưng trong trường hợp này hiểu theo nghĩa Trời nước Việt hay ngắn gọn là Trời Việt.

Vì sao chùa lại thờ cả Phật, Thánh và Mẫu?

Điều này thể hiện tinh thần hoà đồng tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt với Phật giáo. Ngoài ra, như vậy đáp ứng được nhu cầu phong phú về tâm linh của người Việt tại đây.

Chùa được xây dựng trong khuôn viên Nhà văn hoá Thăng Long là của riêng nhà văn hoá hay của chung cộng đồng, thưa ông?

Tôi quyết định xây chùa Thiên Việt là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của toàn thể cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan không phân biệt tín ngưỡng, già trẻ, giàu nghèo hay dân tộc. Do vậy, sau khi khánh thành tôi đã chuyển giao chùa cho cộng đồng và Hội Người cao tuổi đứng ra quản lý.

Tiền công đức của cộng đồng được Hội Người cao tuổi sử dụng vào mục đích hoàn thiện ngôi chùa giai đoạn 2 (với kinh phí khoảng 100 nghìn USD nữa, được đánh dấu bằng Lễ Khai quang đợt II vào ngày 6.12.2005), vào các hoạt động từ thiện hướng vào cả người dân trong nước và người dân nước sở tại.

Hoạt động thể hiện sự hội nhập với cộng đồng Ba Lan như thế nào, thưa hai ông?

Ông Hà Minh Hiển: Ba Lan có nhiều nhóm Phật giáo. Trong Lễ cầu an đầu năm mới này, các Phật tử Ba Lan tham gia khá đông đã thể hiện rõ nhất sự hội nhập tôn giáo và cộng đồng.

Trước đây, còn rất nhiều hoạt động khác. Ví dụ, ngày 4.6.2006, Hội Người VN tại Ba Lan yêu đạo Phật cùng với Hội Người cao tuổi, Nhà Văn hoá Thăng Long thực hiện cuộc hành hương cho gần 50 Phật tử về Trung tâm Phật giáo Grabnik theo lời mời.

Cuộc gặp gỡ để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với các Phật tử Ba Lan, tăng cường đoàn kết và giúp họ hiểu biết nhiều hơn về cộng đồng người Việt trên đất nước của họ.

Ông Bùi Anh Thái: Như trên đã nói, tiền công đức dùng giúp đỡ cả những mảnh đời bất hạnh, những gia đình khó khăn ở Ba Lan.

Ngoài ra, sau khi chùa Thiên Việt khánh thành, báo chí, truyền hình Ba Lan đến đưa tin nên người dân của họ đều biết có một ngôi chùa Việt trên đất Ba Lan.

Sau đó, chùa được đưa vào sách hướng dẫn du lịch của Warszawa mà chúng tôi không hề biết cho đến khi có một du khách người Brazil đến với tấm bản đồ du lịch trong tay.

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Từ đó, các đoàn du lịch thường xuyên chọn một trong các điểm đến văn hoá của Warszawa là chùa Thiên Việt.

Xin cảm ơn hai ông!

Theo Huyền Lê
Lao động

MỚI - NÓNG