Một giọt muộn với Hòa Vang

Một giọt muộn với Hòa Vang
TP - Không ngờ vào đúng ngày “Cá tháng Tư” kỷ niệm 5 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, làng văn Việt Nam lại phải chấp nhận thêm một sự thật mất mát nữa, là sự ra đi vĩnh viễn của nhà văn Hòa Vang.
Một giọt muộn với Hòa Vang ảnh 1

Nhà văn Hòa Vang. ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cùng có mặt ở mặt trận Quảng Trị, nhưng mãi năm 1986, tôi mới gặp Hòa Vang tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội. Chúng tôi đều được mời tới dạy các lớp năng khiếu văn học cho trẻ thơ tại Cung.

Vừa mang chất lính, vừa có bản chất dễ gần, chúng tôi quen nhau bằng một trận rượu ra trò.

Bữa đó, Hòa Vang đọc thơ váng trời và hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Tôi đã nghe bao nhiêu ca sĩ lừng danh hát tuyệt phẩm này, nhưng đối với tôi, Hòa Vang là người hát hay nhất.

Hay như nhà thơ Trịnh Thanh Sơn hát “Sông Lô” của Văn Cao. Cũng cái bữa rượu đó, “lời say hay nói thật”, tôi khuyên vui Hòa Vang rằng đừng sa đà vào thơ. “Chất của mày là chất văn xuôi. Cứ thế mà thục vào”. Quả nhiên, ít năm sau, “Nhân sứ” của anh đã đoạt giải cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ.

Mừng giải thưởng của bạn, tôi “khao” Hòa Vang một cuộc trở lại Quảng Trị nhân dịp 20 năm giải phóng. Hình như đấy là lần đầu tiên Hòa Vang trở lại chiến trường xưa. Anh như thăng hoa giữa “trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”. Khóc cười như trẻ nhỏ.

Quảng Trị không chỉ là chiến trường xưa mà còn cho chàng trai Hà Nội hào hoa Nguyễn Mạnh Hùng - tên thật của anh - cái tên Hòa Vang. Dạo ấy, một cô gái quê ở Hòa Vang giữa bom đạn Cổ thành đã được các anh che chở. Và tên quê của cô gái đó đã trở thành bút danh của anh.

Cũng Quảng Trị cho nhiều người lính trong đó có anh tính ngang tàng, bất cần. Cái tính này rất tốt trong chiến tranh nhưng lại là một khiếm khuyết ở thời bình. Sau ngày quen nhau ít năm, cả tôi và Hòa Vang đều được nhiệm sở cho “ra đường”.

“Sống được thì sống, không thì biến mẹ nó khỏi quả đất cho khuất mắt chúng tao”. Cứ nhớ mãi cái mẹt bán thuốc lá đêm leo lét đèn dầu tại ngã tư Quang Trung- Hai Bà Trưng gần căn nhà anh trong chung cư gần đấy.

Đó là nơi cả nhà anh nhặt những đồng tiền ít ỏi trong những ngày đầu tiên “ra đường”. Lúc ấy, cháu Nguyễn Y Vân (cái tên mà Hòa Vang giải thích rằng đó là đọc lái của “Vẫn y nguyên” bởi bao năm lương vẫn thế, bởi đẻ thêm đứa thứ hai mà vẫn là con gái) còn nhỏ lắm.

Vậy mà mới ít bữa trước, cháu đã thành gia thất trước sự chứng kiến của bố Hòa Vang tươi cười đến rưng lòng. Vậy mà bữa nay đã… âm dương cách biệt.

Sau chuyến đi Quảng Trị, Hòa Vang nảy ra một ý tưởng độc đáo là “Đi bộ xuyên Việt”. ý tưởng này được nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc tán thưởng. Vậy là họ thành một “cặp bài trùng” và lên đường. Cuộc xuyên Việt này mang tầm vóc đúng như tài văn chương của hai nhà văn đích thực dám dấn thân.

Anh em văn nghệ cả nước ủng hộ ý tưởng này. Đi bộ tới đâu các anh đều được đón rước đi chơi xứ sở ấy. Riêng tôi thì cho Hòa Vang mượn tấm dù kỷ niệm Quảng Trị để giảm cân cho ba lô hành trang. Suốt một năm các anh đi xuyên Việt bằng đôi chân của mình, lúc nào có điều kiện là tôi “bay theo” để cùng chia sẻ cho vui.

Sau chuyến đi lịch sử đó, Hòa Vang có tiểu thuyết “Tai quỷ”. Bây giờ thì cả Nguyễn Lương Ngọc và Hòa Vang có lẽ lại tiếp tục rủ nhau đi bộ xuyên cõi bên kia để tới một ngày nào đó lại đầu thai lại cái “dương thế bao la sầu” này. Để lại chịu đựng. Để lại thắt ngặt. Để lại phải làm văn chương. Để lại làm lính. Để lại mắc bệnh ung thư…

Đám tang đưa tiễn Hòa Vang đúng là một đám tang của một nhà văn lặng lẽ dâng hiến, mặc dù bản tính Hòa Vang trong cuộc rượu thích ồn ào. Giữa thời đại người ta thích nhặng xị, diêm dúa cả cái chết của mình, thì Hòa Vang vẫn giữ được sự điềm tĩnh đến cùng.

Khi phát hiện ra khối u ở bệnh viện, Hòa Vang nhập viện điều trị với tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng, với thân phận một thường dân vô danh. Nếu không có nhiều nhà văn thương anh đến thăm thì anh đã không bị lộ thân phận. Nhưng dù lộ thì anh vẫn thu phục được những người điều trị.

Họ đã nhận xét về anh thật hay : “Chú ấy là nhà văn nhưng mà tốt, chứ không như…”. Hòa Vang lạc quan đến cùng. Vẫn cười khơ khớ khi nhắp cùng tôi một ly rượu Tết. Tiếng cười như còn dư vang ngay cả trong khi tôi đang cầm bút viết ra những giọt muộn màng này.

Anh “đã dấn thân như một con người - đã sống như một người lính - đã dâng hiến như một nhà văn - đã chết như một thường dân”. Vĩnh biệt Hòa Vang. Vĩnh biệt Hùng. 

MỚI - NÓNG