Một Hà Nội giữa Trung Quốc

Một Hà Nội giữa Trung Quốc
TPCN - 2 giờ chiều ngày 26/10, ba tấm áp phích quảng cáo giản dị bằng cả tiếng Việt và Trung được dựng lên trước phòng chiếu số 5, rạp phim Hồ Tây, Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc).
Một Hà Nội giữa Trung Quốc ảnh 1
Minh Tiệp (phải) và diễn viên Trung Quốc Đình Đình ảnh: Duy Thị

Đây là một trong những địa điểm chiếu phim của Liên hoan phim Kim Kê Bách Hoa Trung Quốc lần thứ 15. 5 phút sau, một đôi bạn trẻ đứng trước áp phích, bàn bạc giây lát rồi dắt tay nhau vào xem.

2 phút sau nữa, một cụ già lẩm nhẩm đọc những dòng “lần thứ hai điện ảnh hai nước lại hợp tác”, “bộ phim miêu tả cả ba thế hệ người Việt Nam, Trung Hoa trong suốt 40 năm” trên áp phích, gật gù rồi cũng bước vào.

Cứ như thế khán giả đến ngồi chật phòng chiếu phim số 5 chờ đón “Hà Nội, Hà Nội”. Trong khi hai tiếng trước đó, khán phòng số 3 chiếu một phim kinh dị Hồng Kông mang tên “Nhật kí” chỉ vỏn vẹn có 3 người xem! Bên ngoài trời 20 độ, mưa lất phất, rất giống cái lạnh đầu mùa ở Hà Nội.

2h rưỡi, buổi lễ ra mắt phim “Hà Nội, Hà Nội” chính thức mở màn. Không khí giao lưu văn hóa tràn ngập khán phòng khi Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam ông Hà Phạm Phú phát biểu bằng tiếng Trung về tình hữu nghị hai nước trích lời của Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Còn đạo diễn lão làng Hoàng tiên sinh (mặc dù không hề tham gia vào “Hà Nội, Hà Nội”, nhưng ông vẫn tới dự buổi lễ trong vai trò của một khán giả), người có nhiều kỉ niệm đẹp với Việt Nam thì đứng lên chào mọi người bằng tiếng Việt rất chuẩn “Đồng chí khỏe!” và kết thúc bằng một câu thơ của Bác Hồ.

Đạo diễn Trương Kinh của Hãng phim dân tộc Vân Nam bày tỏ sự kính phục của mình trước tinh thần yêu nghề của đội ngũ làm phim Việt Nam, nữ diễn viên chính xinh đẹp Can Đình Đình tâm sự về những kỉ niệm khó quên trong thời gian quay phim tại Việt Nam.

3h, “Hà Nội, Hà Nội” chính thức công chiếu. Tiếng cười thỉnh thoảng lại rộ lên trong khán phòng. Đạo diễn hai nước khéo léo dùng sự bất đồng ngôn ngữ để tạo nên những tình huống hài hước.

Cốt truyện của phim hoàn toàn hư cấu, kể về cô gái Trung Quốc Tô Tô (Can Đình Đình đóng) sang Việt Nam giúp bà mình tìm lại người tình Việt Nam năm xưa. “Hà Nội, Hà Nội” dường như là một bước đột phá táo bạo so với lần hợp tác đầu tiên khá thành công giữa điện ảnh hai nước trong “Nguyễn ái Quốc ở Hồng Kông”.

Bộ phim đem tới một luồng sinh khí mới với dàn diễn viên trẻ đẹp, lời thoại dí dỏm, tình tiết khoa trương (một số tình tiết thậm chí bị “Hollywood hóa” hơi quá đà). Tuy “Hà Nội, Hà Nội” có phong cách hiện đại như vậy, song cả bộ phim vẫn toát lên một vẻ truyền thống rất Việt Nam.

Những tà áo dài, nón lá thấp thoáng; tiếng hát trống cơm vang vang; phong cảnh chùa chiền, nông thôn dân dã; kiến trúc đặc trưng của Hà Nội như Nhà thờ Lớn, cầu Thê Húc, Ô Quan Chưởng... được đan cài cùng với cuộc tìm kiếm li kì một cách rất tự nhiên;  một Tô Tô tóc xoăn, nhuộm của Trung Quốc bên cạnh một Thanh (Quách Thu Phương đóng) tóc dài mượt, vô cùng dịu dàng thùy mị của Việt Nam...

Suốt hơn 90 phút, khán giả Trung Quốc được chiêm ngưỡng toàn diện cả nét truyền thống lẫn hiện đại của thủ đô. Phương pháp thể hiện này dường như có hiệu quả

“PR” cho văn hóa Việt Nam, cho du lịch Hà Nội hơn cả cách quảng bá của các Cty du lịch hiện giờ. Nhưng dường như đạo diễn hai nước quá chú trọng vào việc thể hiện đặc trưng văn hóa Việt Nam, nên họ cố tình xóa mờ các yếu tố không gian và thời gian khi chọn lọc các nét văn hóa. Điều này có thể khiến khán giả Việt Nam cảm thấy hơi “vô lý” khi xem.

Ví dụ như cảnh các cô gái mặc áo dài trắng quần lụa đen (thường chỉ thấy ở thời thực dân Pháp) đi chùa, hay cảnh nhà anh Trọng chị Thanh phơi nón lá ngoài sân trông rất Huế.

Tuy nhiên, sau nhiều chuyến khảo sát ở Trung Quốc, ông Hà Phạm Phú nảy ra ý tưởng làm bộ phim này từ cảm than “người Trung Quốc biết quá ít về văn hóa Việt Nam”, do vậy một “Hà Nội, Hà Nội” nhẹ nhàng, hài hước như thế này thực sự khớp với ý định ban đầu của đoàn làm phim, và chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả nước bạn.

Gần 5h chiều, phòng chiếu sáng ánh đèn, khán giả vỗ tay khi dư âm của tiếng cười từ cảnh phim cuối vẫn chưa dứt. Ngoài cửa phòng chiếu, phóng viên truyền hình, báo chí Trung Quốc vây quanh diễn viên điển trai Minh Tiệp cùng “người yêu” trong phim diễn viên Quỳnh Hoa, và người yêu thật ngoài đời diễn viên Trung Quốc Can Đình Đình.

Minh Tiệp trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh vô cùng tự tin và lưu loát. Can Đình Đình thì chia sẻ những kinh nghiệm đóng phim. Nhiều khán giả xin được chụp hình lưu niệm cùng đoàn làm phim.

Vài ngày sau, đoàn làm phim tiếp tục bay tới Côn Minh để ra mắt “Hà Nội, Hà Nội” lần thứ hai.

Duy Thị
Từ Hàng Châu, TQ

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.