'Một hôm núi khóc'

'Một hôm núi khóc'
TP - Giải thơ Bách Việt lần thứ hai được trao cho Phạm Phú Hải (đã mất), một người con đất Quảng sau khi giải lần đầu năm 2008 vinh danh nhà thơ Trần Tuấn (Đà Nẵng).

Lọt vào chung khảo có Mùi thơm của im lặng (Đồng Chuông Tử), Giấc mơ đa chiều (Tuệ Nguyên), Hai bầu trời (Khánh Phương), Với tay ngắt bóng (Đỗ Trọng Khơi) và Một hôm núi khóc (Phạm Phú Hải).

Sau khi giải thưởng Hội nhà văn VN, Hội nhà văn Hà Nội không có giải cho thơ, giải Bách Việt được kỳ vọng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bật mí, giải thơ Lá Trầu dành cho các nhà thơ nữ đang khởi động lại.

Sau phút vui mừng của người yêu thơ Phạm Phú Hải, cả hội trường lặng đi khi em gái nhà thơ - Phạm Thị Thuận không cất nên lời thay người anh quá cố nhận giải thưởng. Ông ra đi ngày 6-5-2009.

Bà Thuận kể: “Chúng tôi hỏi anh về việc chọn các bài thơ dự giải, khi công việc hoàn tất anh không còn tỉnh táo lắm, nên chúng tôi cố gắng lựa”.

Phạm Phú Hải làm khoảng 1.000 bài thơ, có đăng báo, tạp chí nhưng chưa từng xuất bản. Ba tập thơ do ông đánh máy định xuất bản nhưng chưa thực hiện: Tiếng hú đầu, Gánh nước tưới sông, Thâm lâm ngâm.

Sinh ở Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam, năm 1972, ông mắc bệnh tâm thần phân liệt, từ đó sống với mẹ già ở Đà Nẵng cho đến khi mất vì tai biến mạch máu não.

Trong lời phát biểu nhận giải, người em gái nhắc về người mẹ già gần 40 năm nuôi con, nuôi một nhà thơ kỳ dị. Phạm Phú Hải còn được gọi là “Bùi Giáng thứ hai”.

“Dường như Phạm Phú Hải không mấy quan tâm hình thức. Trong ngôi nhà cổ điển của thơ ngụ ngôn, thất ngôn, lục bát, thất ngôn bát cú ông đã bày ra thế giới Phạm Phú Hải - thế giới được phát sáng bởi chính tâm hồn ông” (chữ của Ý Nhi).

Trong lời đề tựa tập thơ, nhà thơ Ý Nhi cho rằng những bài: Thanh Xuân, Không đề, Lời của người tình điên, Nắng trong mưa, Họa, Xuân, Ông cụ mù, Cho lênh đênh theo thời gian, Ta ở phương Đông buồn mặt trời, Đại xá, Uyên Viễn... trĩu nặng tình yêu cõi người: “Ta rút xương làm gậy chống đi/ Lột da chân mà kết làm giày/ Bứt ngàn sợi tóc làm mũ”. Nhiều nhà phê bình cũng đánh giá thơ Phạm Phú Hải đậm chất thiền.

Bất ngờ đến giờ chót

Hội đồng thẩm định giải Bách Việt: Nhà thơ Giáng Vân (Trưởng ban), nhà thơ Thi Hoàng, Ý Nhi, Nguyễn Bình Phương, Phùng Tấn Đông.

Sáng 29-1 tại ĐH Văn hóa (Hà Nội), phong bì chứa kết quả giải thưởng được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mở, trước sự hồi hộp của tất cả tác giả được đề cử.

Điểm mới năm nay là ngoài phần công bố tác giả được giải, BTC công bố luôn giám khảo bỏ phiếu cho tác phẩm: Giáng Vân, Nguyễn Bình Phương và Ý Nhi chọn Một hôm núi khóc, còn Phùng Tấn Đông và Thi Hoàng bầu cho Hai bầu trời.

Nhà thơ Giáng Vân cho biết: “Tôi thấy cả năm tập thơ đều xứng đáng, nhưng đến khi bỏ phiếu chỉ được chọn một, tôi chọn Một hôm núi khóc. Đọc thơ Phạm Phú Hải rất xúc động, thơ rút ruột gan, và có thể gọi là những vần thơ trời cho. Phạm Phú Hải gặp bất hạnh trong cuộc đời riêng, nên có lẽ trời cho ông những thứ khác”.

Ở cương vị Trưởng hội đồng thẩm định, Giáng Vân đánh giá thơ Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên đậm văn hóa Chăm; thơ của Khánh Phương hiện đại, phóng khoáng và trường liên tưởng bất ngờ.

Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn đồng quan điểm về thơ Đỗ Trọng Khơi: Đầy suy ngẫm, gây ấn tượng với tập thơ lục bát Với tay ngắt bóng.

Ngoài giải thưởng cao nhất cho Một hôm núi khóc, một tác giả giấu tên gửi tặng 10 triệu đồng cho bốn tác giả còn lại. Giải thơ Bách Việt lần thứ ba kéo dài thời gian nhận thơ dự thi: từ 1-12-2009 đến 31-12-2011, thay vì một năm như thông lệ. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.