Một Liz Taylor đáng ghét

Một Liz Taylor đáng ghét
TPO - Không phải Liz ngoài đời (dù sao bà cũng qua đời rồi), mà là Liz trong phim Cha của cô. Có lẽ nhà văn Alice Munro ghét vai diễn của Liz, nên để nhân vật Grace nói hộ trong truyện ngắn Đam mê.

Cha của cô dâu (Father of the Bride, phim hài ra mắt năm 1950, từng được đề cử giải Oscar Phim hay nhất) có gì khiến Grace, một cô gái trẻ nghèo túng nhưng ham học và cương trực, phải nổi giận? Không phải là sắc đẹp hơn người của Elizabeth Taylor, năm đó 18 tuổi, trong vai Kay - cô tiểu thư sắp làm đám cưới với một anh chàng giàu có. Cả sự giàu có đó cũng không phải luôn.

Ai cũng có thể nghĩ Grace đơn giản ghen tị vì cô “làm hầu bàn và nghèo đến mức không đủ tiền học lên đại học, và rằng nếu muốn có một đám cưới như vậy thì cô phải mất nhiều năm dành dụm chắt bóp mới tự tay trả nổi”. Nhưng Alice viết: “Cảm xúc của cô nhất định không phải là thứ gì giản đơn, nữ tính như sự ghen tị. Mà đó là do cô không thể chịu nổi sự phù phiếm, cô không cam lòng để mình giống như đa số các cô gái khác. Cô là người đặc biệt”. Nét đặc biệt đó được Maury, anh chàng mê mệt Grace, nhận thấy, khiến anh tôn trọng cô và gần như sùng kính.

Diễn biến chuyện tình của họ? Sau này Grace đã rời bỏ Maury vì một bước ngoặt khó ngờ đến nhất nhưng đó không phải là điều quan trọng cho lắm. Có ai để ý Grace muốn làm việc và tự tay trả tiền cho đám cưới của mình? Bạn lỡ bỏ qua chi tiết đó? Vậy hãy bắt đầu để ý dần đi. Càng chứng kiến nhiều người cuộc đời trải dài trong nhung lụa, càng nhớ câu “Các em chẳng hề đặc biệt” của giáo viên người Mỹ David McCullough Jr. tại lễ một tốt nghiệp trung học ở bang Massachusetts (Mỹ) hồi tháng 6 năm nay. Còn Alice Munro đã khẳng định Grace - nghèo khó và nhan sắc bình thường, chẳng có vẻ gì là sẽ có cống hiến lớn lao cho nhân loại - là người đặc biệt, từ năm 2004 (năm tập truyện Trốn chạy ra mắt).

Alice Munro, bậc thầy truyện ngắn của (Canada), các tác phẩm của bà chủ yếu lấy bối cảnh giai đoạn từ 1930 đến 1980, nhưng những gì bà gửi gắm trong truyện đến bây giờ chưa hề cũ.

8 truyện ngắn trong tập Trốn chạy, bà kể về những người phụ nữ bỏ trốn (người vợ rời bỏ người chồng nhàm chán và cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt, đứa con gái rời bỏ mẹ vì cảm giác bị kìm kẹp, cô gái rời bỏ làng quê bé nhỏ và đầy ngờ vực để đi cùng người đàn ông mình yêu…). Cuối cùng, ẩn phía sau nhưng không hề mờ nhạt là tinh thần nữ quyền, mà việc Grace nhận ra đàn ông hiểu sai phụ nữ, theo cách coi thường, và ngụy trang sự coi thường bằng tình yêu và sự tôn thờ hào nhoáng, chỉ là một trong những cách Alice mà thể hiện tinh thần nữ quyền.

Bên cạnh đó, dám trốn chạy là điều Alice tặng cho các nhân vật nữ của mình (chưa nói đó là thông điệp chính của bộ truyện ngắn). Có khi, trốn chạy mới là dũng cảm. Dù đó là một lựa chọn không bình thường (thậm chí quan niệm chung cho là hèn nhát).

Nhưng có những lúc nếu không rời đi thì có thể mãi mãi bạn không biết hạnh phúc thực sự là gì. Trốn chạy, cuốn sách của Alice Munro, nói cho người đọc biết điều đó. Một cách nhẹ nhàng, thậm chí mờ nhạt, nhưng thấm sâu, cay đắng.

Penelope, con gái của Juliet trong Run rẩy chẳng hạn. Ít ai dám chọn bỏ người mẹ của mình ra đi khi biết rõ rằng nếu không có bà thì mình (tức Penelope, một thiếu nữ chưa trưởng thành) sẽ gặp phải hai khó khăn lớn nhất mà một con người có thể gặp phải: không có tiền để sống và chỉ biết dựa vào chính mình. Thiếu tiền khó khăn đến mức nào thì ai cũng hiểu, còn “chỉ biết dựa vào chính mình” tức là lúc người ta cực kỳ cô đơn. Không dũng cảm, không làm được như thế. Penelope đã chọn, bỏ mẹ (đừng hiểu lầm!). Để rồi không gặp lại bà từ đó về sau, chỉ thoáng trở về qua lời kể của một người bạn, rằng cô đã lấy chồng, sinh con và sống ổn thỏa.

Bản thân Juliet trước đó cũng trốn chạy khỏi cuộc sống buồn tẻ, già cỗi nơi quê nhà để tìm kiếm một thời tuổi trẻ sôi động hơn. Cô gặp một người đàn ông trên tàu, gắn bó với anh ta, không kết hôn, sinh con gái, mang con về quê thăm ông bà và rồi lại ra đi.

Tất nhiên không phải tất cả đều đúng đắn, cũng có người sớm thấy cuộc trốn chạy là sai lầm, hoặc có người phải gánh chịu hậu quả của sai lầm đó. Người vợ Carla đã hốt hoảng gọi điện cho chồng đến đón mình ngay trên chuyến xe bus (dự định là sẽ) đưa cô rời khỏi anh ta mãi mãi.

Lòng dũng cảm đâu có hứa hẹn hay đảm bảo bất cứ thứ gì. Thế nên người ta mới gọi đó là dũng cảm.

Cứ thử bỏ qua cụm từ “bậc thầy truyện ngắn xứ sở lá phong đỏ”, bỏ qua dòng giới thiệu hấp dẫn “Joyce hơn cả Joyce và chiếu tướng cả Chekhov” trên bìa cuốn sách để không bị choáng ngợp trước tầm cỡ của tác giả (tên nghe còn mới ở Việt Nam). Bỏ qua hết đi, thử đọc như chưa biết gì để xem những câu chuyện nhẹ nhàng của Alice Munro làm bạn phải suy nghĩ bao lâu.

Alice Munro là một nhà văn lớn của Canada, đã được nhiều giải thưởng quốc tế và có một lượng độc giả trung thành. Trang Guardian nhận xét về bà “đã rất nổi tiếng nhưng vẫn đáng được nổi tiếng hơn nữa”.

Bà xứng đáng được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam. Dịch giả Trần Thị Hương Lan cũng gây ngạc nhiên với cách dịch tiêu đề khá lạ, không phải là không thú vị. Như Runaway dịch là Trốn chạy thì đương nhiên, nhưng còn có những tiêu đề đáng chú ý hơn như Chance - Tình cờ, Silence - Nín lặng, Soon - Sắp rồi, Tricks - Mắc lỡm.

Anh đưa cô đi xem xi nê. Họ xem phim Cha của cô dâu. Grace ghét nó. Cô ghét bọn con gái giống cô đào Elizabeth Taylor trong phim, cô ghét lũ con gái nhà giàu õng ẹo hễ mở mồm ra là chỉ rặt đòi hỏi với vòi vĩnh, không hơn. Maury bảo người ta cố ý làm phim thế cho hài hước thôi mà, nhưng cô cái đó không phải là điểm chính…

Cô không thể giải thích hay hiểu ra được rằng chung quy không phải cô cảm thấy ghen tị, mà là cô nổi giận. Cô nổi giận không phải vì cô không có tiền mua sắm vung vít hay mặc váy sống thế kia. Cô giận vì người ta nghĩ phải như thế mới là con gái. Đó là những gì đàn ông - người ta, tất cả mọi người - nghĩ con gái phải như vậy. Xinh đẹp, giàu có, hư thân, ích kỷ, óc bã đậu. Đó là những gì một cô gái nên có để được yêu. Rồi sau này khi thành mẹ cô ta lại phải tận tụy cung phụng con cái. Cô ta sẽ không ích kỷ nữa, nhưng óc bã đậu thì vẫn còn. Mãi mãi. (“Đam mê” – Alice Munro)

Theo Hỗ trợ
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.