Một mùa lịch blốc có thể bị đổ vỡ

Một mùa lịch blốc có thể bị đổ vỡ
Sự kiện NXB ĐH Quốc gia TPHCM rút khỏi nhóm liên kết 48 NXB để tự xuất bản lịch blốc đã làm cho giới xuất bản không khỏi bất bình. Nguy cơ một mùa lịch đổ vỡ có thể xảy ra…
Một mùa lịch blốc có thể bị đổ vỡ ảnh 1
Chữ ký của đại diện NXB Đồng Nai trong bản cam kết ngày 8/4/2005 với các NXB làm lịch blốc 2006

Tất cả đều sửng sốt bởi lẽ tại hội nghị tháng 1/2005, Cục Xuất bản (Bộ VH-TT) đã bày tỏ quan điểm: Lịch blốc cũng là một xuất bản phẩm theo Luật Xuất bản (sửa đổi) thì tất cả đều do NXB quyết định.

Các NXB có thể tự làm hoặc liên kết với nhau hoặc liên kết với tư nhân. Bản dự thảo hướng dẫn về xuất bản và quản lý lịch blốc năm 2006 cũng đã được gửi tới các NXB.

Tại cuộc họp đó, 48 NXB (trong đó có NXB ĐH Quốc gia TP.HCM) đều nhất trí tự nguyện liên kết làm lịch blốc 2006 và bầu một Ban điều hành lịch.Tới ngày 8/4/2005, tại Nha Trang (Khánh Hòa), bà Nguyễn Quỳnh Dung (kế toán trưởng), đại diện cho NXB ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký vào bản cam kết “nhất trí với phương thức xuất bản lịch blốc năm 2006 như nội dung Công văn số 113 - CV/BĐH ngày 4/4/2005 của Ban điều hành lịch blốc”.

Và đến ngày 6/5, Cục Xuất bản đã chấp nhận số lượng lịch cho 48 NXB là 13,5 triệu lịch blốc. Đây là con số mà Ban điều hành lịch đã tham khảo các cơ sở phát hành và nhu cầu thị trường.

Thế nhưng, ngày 26/7 NXB ĐH Quốc gia đã có văn bản gửi các cơ chức năng báo cáo rút khỏi nhóm lịch 48 NXB để xin tự làm lịch riêng. NXB này đã xin Cục Xuất bản in 2 triệu lịch blốc (chỉ lịch trung và lịch đại - những loại lịch dễ bán, có lãi suất cao).

Điều này đã vấp phải sự phản ứng khá gay gắt trong giới xuất bản. Ông Trịnh Thúc Huỳnh, Trưởng ban điều hành lịch - Giám đốc NXB Chính trị quốc gia cho biết: “Các NXB đã triển khai hết việc in ấn tại 28 cơ sở in. Toàn bộ số tiền vật tư mà các NXB vay ngân hàng đã lên tới gần 100 tỷ đồng. Nếu nói sự “bung ra” của NXB ĐH Quốc gia TP.HCM có lợi cho người tiêu dùng là không đúng. Điều này sẽ gây hỗn loạn, dẫn đến tình trạng ế thừa lịch không đáng có”.

Bà Đặng Thục Trinh, Phó Giám đốc NXB Trẻ lên tiếng phản đối: “NXB ĐH Quốc gia đã vi phạm “luật chơi”. Họ lấy tư cách gì để đòi in 2 triệu lịch blốc? TPHCM còn có 3 NXB nữa nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận số lượng đã đăng ký với Cục Xuất bản để bình ổn thị trường”.

Bức xúc nhất vẫn là ông Nguyễn Cao Doanh, Giám đốc NXB Nông nghiệp. Ông này cho biết, nhiều chủng loại lịch của NXB này đã nhập kho, nếu bị NXB ĐH Quốc gia cạnh tranh không lành mạnh phá vỡ liên kết, thỏa thuận ban đầu, 11 NXB trong nhóm này có nguy cơ mất gần 10 tỷ đồng.

Chính ông Bùi Việt Bắc, Giám đốc NXB VH-TT (nhóm mà NXB ĐH Quốc gia TP.HCM cùng ký cam kết) cho biết: Nhóm này cũng đã in xong lịch trung pơ-luya và lịch trung màu. Vậy mà…

Trong khi đó, ông Huỳnh Bá Lân, Phó giám đốc NXB ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Phải cạnh tranh thì người tiêu dùng mới có lợi”, và để “chống xu hướng độc quyền”. Ngoài yếu tố đạo đức nghề nghiệp thì nhiều NXB cho rằng, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM đang toan tính có lợi cho chính mình.

Bởi lẽ, NXB này chỉ xin làm lịch trung cho đến lịch đại, đều là những loại lịch có lợi nhuận cao. Trong khi đó, các NXB khác phải bù lỗ cho hơn 3 triệu lịch blốc (giá chỉ 4000 đồng/ lịch) phục vụ đồng  bào vùng sâu, vùng xa. Nếu làm vụ lịch này đương nhiên NXB ĐH Quốc gia dễ dàng “giết” nhiều NXB và “thắng” đậm.

Ngày 25/8, tại Hội nghị triển khai thực hiện Luật Xuất bản, Thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn đã khẳng định: “Bộ VH-TT hoan nghênh và ủng hộ NXB ĐH Quốc gia TPHCM cũng như bất cứ NXB nào xuất bản lịch blốc theo văn bản hướng dẫn của Bộ VH-TT.

Tuy nhiên, về việc triển khai xuất bản lịch blốc, tại hội nghị tổng kết xuất bản lịch blốc tháng 1/2005 thì tất cả 48 NXB trong đó có NXB ĐH quốc gia TP.HCM đã tự nguyện thỏa thuận cam kết cùng xuất bản lịch blốc 2006. Căn cứ nhu cầu qua các năm, qua dự báo, điều tra của 48 NXB, cơ quan quản lý đã cấp phép hết chỉ tiêu từ tháng 5/2005.

Đến nay, việc xuất bản lịch blốc đã được thực hiện, có NXB đã có sản phẩm. Như vậy, đề nghị tại văn bản 40 ngày 15/8 của NXB ĐH Quốc gia TPHCM chỉ có thể thực hiện từ mùa lịch 2006-2007. NXB ĐH Quốc gia TP.HCM không tham gia nhóm lịch là quyền của NXB.

Nhưng nếu NXB vẫn kiên quyết để tự xuất bản lịch blốc thì cũng chỉ được thực hiện như số lượng lịch đã được phân bổ trong số lịch mà Cục Xuất bản đã chấp nhận cho 48 NXB”.

Theo chúng tôi, với mùa lịch sang năm, dù các NXB có tiếp tục liên kết hay tự chủ xuất bản lịch blốc thì việc điều tiết, khống chế số lượng của cơ quan quản lý vẫn là cần thiết, tránh tình trạng lịch “ngon” thì làm, lịch giá thành thấp phục vụ bà con nghèo thì không ai làm. 

MỚI - NÓNG