Một ngày chơi với thơ

Lễ thả thơ màu đỏ ảnh: N.M.Hà
Lễ thả thơ màu đỏ ảnh: N.M.Hà
TP - Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội đương đại được nhiều người chờ đón. Điều này thể hiện tình yêu thi ca nồng nàn của dân ta. Nhưng thơ ta không chỉ để chơi hội. Những nóng lạnh của tình hình thời sự cũng theo thơ phả vào ngày thơ…

Mọi năm bước vào khuôn viên Văn Miếu trước Khuê Văn Các đã thấy các quầy thơ, bàn chữ giăng ra rôm rả, năm nay thì không. Có thể do đó mà một số ý kiến cho rằng, Ngày Thơ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm nay không được xôm bằng mọi năm. 

Nhưng kỳ thực là tất cả đã được đưa ra bãi cỏ bên ngoài, cạnh chỗ gửi xe, quy tụ thành sân Thơ Trăm Miền. Ở đây tập trung toàn các thi nhân cao tuổi, không chỉ đọc thơ, họ còn say sưa múa hát, ký tặng.

Không khí thơ ở Sân Trăm miền đậm đặc, say sưa một cách dân dã. Đây đó lại có một đám lão thơ ngồi quây quần nhắm rượu, đọc thơ. Kế đó các “thầy đồ” ngồi bán chữ, họa sĩ bán ký họa chân dung và mảnh ni-lông bán đồ lưu niệm.

Một hội chợ xuân mà mặt hàng chủ lực là thơ. Sân chơi thiết thực cho những người tuổi cao mà tình yêu thơ vẫn dạt dào. Về thời lượng, Thơ Trăm miền có vẻ bền lâu nhất vì là sân chơi tự giác. Khi hai sân thơ trong đã tàn cuộc, thì sân này vẫn chưa có dấu hiệu hết om sòm.

Chương trình chính thức của sân thơ trẻ kéo dài chưa đầy tiếng. Sau đó là phần trình diễn thơ - nhạc của sinh viên. Khi không còn gì ở sân trẻ nữa, mới đến tiết mục thả thơ ở sân chính. 

Tất cả các thiếu nữ mặc áo dài tuyền đỏ, cầm những câu thơ in trên là cờ đuôi nheo đỏ buộc quả bóng bay đỏ sắp hàng. Họ lần lượt bước lên sân khấu mỗi khi người dẫn đọc các câu thơ mà họ đang cầm. Cả thảy 50 câu được chọn cho năm nay.

Tiến trình lễ đẹp và khá trang trọng. Không biết có bao nhiêu người chứng kiến rồi ước ao một ngày câu thơ mình viết cũng được bóng mang lên trời?! Câu cuối cùng “Mây trôi một chiều chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh” (Hoàng Nhuận Cầm) được xướng lên xong, nhạc nổi ngay: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về…”. Khán giả theo nhịp hành khúc kéo ra sân ngoài để xem thơ bay bên giếng Thiên Quang.

Rất tiếc tôi không chứng kiến được cảnh này, vì đoàn người bị nghẽn lại ở cửa. Một số người không ra nổi lại đi vào. Lúc ra được thì thơ đã bay hết, lại thấy cái ví đen rơi trên sân. Một bác cao tuổi nhặt lên đưa cho các anh bảo vệ. Mọi người mở ra thấy thẻ nhà báo. Anh bảo vệ nói: “À, của cái ông dẫn chương trình vừa đi qua đây, tôi nghe các ông ấy rủ nhau đi uống bia…”.

Quây quanh sân thơ trẻ, ngoài các bàn bán sách hạ giá, là các gian hàng của các hội văn học nghệ thuật tỉnh, của các tờ báo văn chương và vài trường ĐH. Nhiều quầy trữ sẵn rượu đặc sản để mời khách thơ. Thịt gác bếp, xúc xích oi khói treo lủng lẳng bên các bắp ngô tại quầy Hà Giang. Các tỉnh khác thì có trà, mật ong, bánh đậu xanh, bưởi… Tất cả để trang trí cho đẹp chứ không bán.

Sân thơ trẻ có sự tham gia của 9 tác giả: Bình Nguyên Trang, Trương Xuân Thiên (Hà Nội), Nguyễn Minh Cường (Bắc Ninh), Lê Vi Thủy (Gia Lai), Lê Vĩnh Thái (Huế), Lương Thìn (Bắc Ninh), Lò An Dương (Hà Giang), Nguyễn Thế Kiên (Nam Định).

Nguyễn Vĩnh Tiến được giới thiệu như một khách mời đặc biệt. Có thể vì anh biết tự phổ nhạc cho thơ của mình. Bài anh hát có câu: “Ruộng đồng tháng Hai/ Đậu xanh vừa gieo/ Mồng tơi giàn ai leo/ Lòng anh nhuộm theo màu cây/ Những ngày mình bên nhau…”. Có vẻ rất thời sự vì rau năm nay tự dưng tốt đột biến, nhà thơ tha hồ mơ mộng, chứ nông dân thì méo mặt.

Sân thơ trẻ được dàn dựng theo 4 tổ khúc lấy chữ Xuân làm nền: Mùa xuân vỗ cánh, Ngày trong veo ý tưởng thanh xuân, Xuân trầm tích và Xuân của mẹ. Tổ khúc cuối cùng đậm tinh thần hướng về biển đảo.

Giọng đọc người thì hay, người thì không. Âm thanh đáng tiếc lại còn tậm tịt. Nhưng đôi khi chỉ một động tác của nhà thơ cũng tiềm ẩn cảm xúc. Chẳng hạn khi tất cả các nhà thơ lần lượt nâng dải vải đỏ, tôi bỗng bị ấn tượng với Lò An Dương (trước đó anh diễn thơ khá vụng về) với cách nâng niu có cái gì đó rất rưng rưng của “người trai bản”. Thơ anh: “Tin thắng trận vang lên/ Người trai bản đã làm tròn ước nguyện/ Tấc đất này đã được bình yên…”.

Những tiết mục múa và âm nhạc minh họa cho thơ, nhất là tổ khúc cuối có ý tưởng tốt, được dàn dựng công phu. Các vũ công thực hiện những động tác khó một cách thuần thục. Nhưng âm thanh đã phản lại các nhà thơ. Khi họ đang tập trung vừa nhớ thơ vừa thể hiện cảm xúc mà lại gặp sự cố âm thanh, phải đổi mic thì đủ biết! 

Nữ ca sĩ khả ái hát bài phổ thơ Trương Xuân Thiên, đến đoạn: “Xa hơn chân trời, nơi tâm linh bị chặn lối/ Những giác quan chỉ thắp một lần trong đời/ Em mặc áo màu lãng quên, em vẫn gặp… ó… ồ…ề…”. Và tịt. Đến đây thì nhiều khán giả đã nhận ra cô hát nhép.

Những câu thơ của Nguyễn Minh Cường được đọc lại một lần nữa làm cái kết cho tổ khúc Xuân của mẹ: “Lính biển không cần thao thức/ Hơi thở phả vào đêm/ Vì mỗi hạt cát ngọn cây trên đảo quê hương/ Cũng tự biết giữ mình tâm thế nước/ Chùa Trường Sa ngân vang hồi chuông/ Thỉnh sâu lòng biển/ Theo sóng lan bốn bề/ Sư ông bình thản ngồi trước Phật bàn/ Với mảnh đá san hô trắng/ Viết chữ Quốc màu xanh dương”.

Âm hưởng chủ đạo của sân thơ trẻ là tình yêu và chủ quyền đất nước.

Trên sân khấu cứ đọc, trong lều thơ cứ ngâm… đâm ra Thơ Trăm miền hơi loạn miền… âm thanh. Mỗi lều thơ là của một CLB, nào là CLB thơ Công Nhân, thơ Điện Lực, thơ Đường, thơ Haiku Việt, thơ Hồ Gươm, thơ Bút Tháp… Nhặt được mấy câu ở lều thơ Trào Phúng không thấy đề tác giả: “Chấp hành luật biển phải nghiêm/ Hòa bình ổn định vững bền biển Đông…” Một câu khác: “Mất vật chất là chưa bị mất/ Mất niềm tin mất tất cả rồi/ Mất tin ý chí rã rời/ Mất tin thì cũng đồng thời mất nhau”. Cũng hay nhưng dường như không trào phúng mấy.

MỚI - NÓNG