Một người mẹ bình thường với nỗ lực phi thường…

Chị Hồ Thị Hải Âu hạnh phúc bên con gái.
Chị Hồ Thị Hải Âu hạnh phúc bên con gái.
Cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” chỉ mới ra mắt vài ngày đã khiến Hồ Thị Hải Âu trở thành một “hiện tượng” kỳ lạ. Chưa có cuốn sách dạy nuôi con của mẹ Việt nào bán chạy đến thế.

Buổi ra mắt sách chưa kịp diễn ra mà 6.000 cuốn sách đã bán hết veo, sách phải tái bản sau 10 ngày phát hành qua mạng vì nhiều phụ huynh “đòi” mua sách. Nhưng “hiện tượng” Hồ Thị Hải Âu luôn nói rằng chị chỉ là một người mẹ bình thường...

Kỷ luật không nước mắt chỉ là hoang tưởng

Hỏi nhiều mẹ trẻ háo hức đặt mua cuốn “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” sẽ nhận ra, Hồ Thị Hải Âu “nổi tiếng” không phải với tư cách nhà báo, nhà văn mà là một bà mẹ thành công! Họ ngưỡng mộ Hải Âu đơn giản bởi cách nuôi dạy con tuyệt vời của chị đã giúp cô gái nhỏ Lã Hồ Minh Khuê-cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam giành được học bổng toàn phần của trường đại học lừng danh Harvard, Mỹ.

Một người mẹ bình thường với nỗ lực phi thường… ảnh 1

Hiếm có người mẹ trẻ nào đang hụt hẫng, chông chênh vì hạnh phúc gia đình tan vỡ lại có thể đứng dậy thật vững, nén đau vào trong và dồn hết tâm huyết vào hành trình nuôi con như chị. Cách nuôi dạy con của Hồ Thị Hải Âu bắt đầu ở vạch số 0. Vốn liếng duy nhất là tình yêu con vô điều kiện. Chị từng bị stress bủa vây khi sinh con nhẹ cân, gặp nhiều rối loạn về ăn uống, ngủ và bài tiết; từng hoang mang khi lần đầu làm mẹ, phải tự mày mò bằng cách đọc thật nhiều sách, báo... Nhưng đọc cả núi sách rồi chị chẳng áp dụng phương pháp đông tây kim cổ nào!

Chị tự đặt ra “luật riêng” và nghiêm khắc thực hiện với con, từ chuyện không cho con dùng bỉm, ngậm ti giả, nằm xe đẩy đến rèn con chơi một mình, dạy con tiêu tiền sớm, dạy con chấp nhận thất bại… Nếu Amy Chua trong “Khúc chiến ca của mẹ hổ” kiên định theo triết lý giáo dục cực đoan, đưa con vào khuôn khổ hà khắc thì Hồ Thị Hải Âu có một quan điểm mềm mỏng hơn, phụ nữ Việt hơn với 4 hình thức kỷ luật: Mềm, tình thương, nước mắt và nội tâm. “Kỷ luật không nước mắt” chỉ là hoang tưởng, Hải Âu dạy con phải biết đối mặt với tất cả thử thách, không bôi hồng, tô đen hay lảng tránh thực tế.

Một người mẹ bình thường với nỗ lực phi thường… ảnh 2

Có lúc chị cũng quát tháo, cáu kỉnh, nói lắm… như hàng ngàn bà mẹ khác, nhưng sai đâu sửa đấy: “Làm mẹ là chắc chắn có lúc mắc sai lầm, nhưng cầu thị thì sẽ nhanh chóng tìm được giải pháp”. Chị kiên trì dạy con tính tự lập, ngăn nắp bằng cách cho con thực hành kỹ năng sắp đặt gọn gàng căn phòng của mình. Chị “ép” con phải học mà mềm mỏng như không: “Tôi hay kể cho Minh Khuê nghe những câu chuyện truyền thống gia đình, như hồi bé mẹ phải dậy rất sớm giúp bà làm việc, sau đó rang cơm ăn rồi đi học. Có những mùa đông, mẹ không có dép, cứ lội bằng chân đất trên những lối cỏ lạnh buốt để đến lớp, nhưng không ngày nào mẹ nghỉ học, mẹ thích đi học lắm. Tôi gợi mở để con gái nhận thức rõ giá trị truyền thống và những giá trị vật chất mà con đang có”…

Một người mẹ bình thường với nỗ lực phi thường… ảnh 3

Nếu là tình yêu tràn đầy, hãy để tình yêu bay đi

Ngày Minh Khuê được vào học tại đại học Harvard, rất nhiều bà mẹ đã tìm đến Hải Âu hỏi han phương pháp dạy con. Chị càng chăm đọc sách, trau dồi kiến thức khoa học để trao đổi với mọi người. Chị sẵn sàng trò chuyện, tâm tình với các mẹ như những người bạn - những người bạn có chung một đam mê giáo dục con thành đạt hạnh phúc.

Hồ Thị Hải Âu là một người đam mê sự nghiệp giáo dục con cái, dành trọn 18 năm thanh xuân để tìm ra triết lý nuôi dạy con trên hành trình làm mẹ đầy gian nan của mình. Rất nhiều người đã động viên chị viết tất cả những gì đã trải qua, thẳng thắn và chân thành, khuyên chị chia sẻ những triết lý giáo dục mà chị đã thực hành bền bỉ. Nhưng trước “thị phi”, chị đã từng chần chừ: “Không có gì để nổi tiếng thì đành ăn theo con à?”, “bắt đầu kể lể công lao của mình với con rồi đấy”...

Một người mẹ bình thường với nỗ lực phi thường… ảnh 4

Chị Hồ Thị Hải Âu.

Chị mất ngủ nhiều đêm liền, rồi nghĩ: “Xã hội đang bị ảnh hưởng thứ cảm hứng “hy sinh” trong quan niệm làm cha mẹ. Vì có hy sinh nên cha mẹ sẽ có tâm lý “kể công” và tâm trạng “mắc nợ” của con với cha mẹ. Những việc cha mẹ làm, một khi cha mẹ lựa chọn và dấn thân, cho dù vất vả, gian nan đến mấy cũng không phải là hy sinh - đơn giản chỉ là đang sống hết mình, là một hành trình sống và dấn thân bình dị”.

Từ tình yêu con bao la, chị muốn chia sẻ tình yêu ấy đến hàng ngàn bà mẹ Việt. Viết sách với chị là một ý nguyện thiện tâm, chị muốn viết thật dễ hiểu, làm sao để mọi bà mẹ, ở mọi tầng lớp, mọi hoàn cảnh… đều thấy mình trong đó, sẽ làm những việc tốt nhất cho con như cách chị đã làm.

Nỗ lực viết hơn 700 trang sách, Hồ Thị Hải Âu không chỉ dành tặng Minh Khuê thước phim quay chậm về 18 năm khôn lớn của con gái, mà còn góp một tiếng nói riêng của mẹ Việt về cách giáo dục, uốn nắn con “Made in Việt Nam”. Chị gửi đến các mẹ Việt chỉ dẫn tỉ mỉ làm sao để kết bạn với con, sát cánh bên con một cách an nhiên nhất và không hối tiếc. Những chỉ dẫn đó ý nghĩa gấp vạn lần cách dạy cha mẹ “săn” học bổng nước ngoài cho con, như Minh Khuê từng nói: “Mẹ thân yêu, nếu mẹ nghĩ 18 năm qua mẹ đã sống dấn thân, đã tự nghiên cứu, đã nuôi con đến ngày con bước chân vào cổng trường Harvard là tất cả thành công và hạnh phúc của mẹ thì mẹ sai rồi… những gì con nhận được từ sự dạy dỗ của mẹ thực sự có ý nghĩa với con gấp 10 lần hoặc hơn thế nữa… Những gì mẹ truyền lại cho cộng đồng còn lớn hơn rất nhiều, đó là tâm huyết suốt cuộc đời tràn đầy nhân ái từ bi, yêu thương của mẹ”.

Theo Ngọc Bích/Báo Ngày Nay
MỚI - NÓNG