Một người Pháp làm hồi sinh “Ký ức cầu Long Biên”

Một người Pháp làm hồi sinh “Ký ức cầu Long Biên”
TP - Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, làm hơn 20 bộ phim về Việt Nam đạo diễn Pháp Daniel Roussel trở lại Việt Nam chuẩn bị làm bộ phim tài liệu trình chiếu tại Festival Ký ức cầu Long Biên diễn ra vào tháng 11/2008.
Một người Pháp làm hồi sinh “Ký ức cầu Long Biên” ảnh 1
Đạo diễn Daniel Roussel và vợ

Cầu Long Biên không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch của Hà Nội trong quá khứ mà đã trở thành một phần tiềm thức trong ký ức của nhiều người dân Hà Nội cũng như những người nước ngoài đã từng sống và làm việc tại Việt Nam. Đạo diễn Daniel cũng vậy.

Trong suốt thời gian ở Việt Nam, ông đã từng đi qua cây cầu này và đã từng hiểu về lịch sử của cây cầu qua những thước phim tư liệu. Hình ảnh những chiếc nòng pháo được gá lên cầu để bắn rơi máy bay Mỹ đã để lại trong ông những ấn tượng khó phai.

Vì thế khi nhận được lời mời làm bộ phim tư liệu về cây cầu từ vợ ông - bà Nguyễn Nga - Giám đốc của dự án Ký ức cầu Long Biên, ông đã nhận lời ngay. Kinh phí làm phim là tiền túi của Daniel, cộng với sự giúp đỡ của một số người bạn ở bên Pháp và hy vọng có thể tìm thêm được nguồn tài trợ ở Việt Nam. Daniel bảo: “Chỉ cần có quyết tâm và làm việc bằng trái tim, việc gì cũng có thể hoàn thành. Tôi luôn làm việc từ trái tim trước”.

Hiện nay, Daniel đang có mặt ở Việt Nam để thu thập những thước phim tư liệu về cây cầu. Ông cho biết: “Cầu Long Biên là “nhân chứng” lịch sử sống, chứng kiến biết bao câu chuyện, bao thăng trầm lịch sử, có người yêu nó, có người bảo vệ nó, có những người tha thiết với nó... Tất cả những câu chuyện đó như câu chuyện về một con người”.

Daniel dự kiến mỗi năm sẽ làm một thước phim trình chiếu tại liên hoan Ký ức cầu Long Biên và đến năm 2010 khi Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tất cả sẽ gộp thành một bộ phim hoành tráng nói về cả câu chuyện dài về ký ức cây cầu.

Việt Nam luôn trong trái tim tôi

Daniel Roussel lần đầu tiên đến Việt Nam cách đây 28 năm. Ông đã từng sống 7 năm tại Việt Nam khi làm việc cho báo Nhân đạo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Trong quãng thời gian từ 1979 - 1986, ông đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam và có một hiểu biết sâu rộng về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Mỗi mảnh đất ông đặt chân tới hay những con người để lại trong ông những tình cảm sâu sắc, ông đều ghi lại qua ống kính của mình. Hiện nay, trong kho của Daniel có tới một thùng tư liệu gồm hơn 80.000 bức ảnh về Việt Nam. Ông có nhiều bài viết về Việt Nam đăng trên báo Pháp nhằm giúp cho người Pháp cũng như bạn đọc quốc tế có cái nhìn đúng đắn về Việt Nam.

Ông tâm sự: “30 năm qua, tôi vẫn thường xuyên đi lại giữa hai nước. Có thể nói, tôi đã sống một phần cuộc sống của tôi ở Việt Nam. Việt Nam luôn nằm trong trái tim tôi”.

Trong suốt cuộc đời làm phim của mình, ông đã từng làm các bộ phim về nước Pháp, về các nước châu Phi, trong đó có tới 20 bộ phim về Việt Nam. Trong bộ phim Tù binh tại Hà Nội Hilton, ông đã sang tận Mỹ tìm gặp những người đã từng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm xưa và cho họ xem lại những thước phim tư liệu.

Tất cả những người mà ông gặp đều cho rằng cuộc chiến tranh đó là sai lầm vì lúc đó họ còn trẻ. Bộ phim lấy hình ảnh chiến tranh để nói lên thông điệp hòa bình, đã được chiếu trên chương trình thời sự của các đài truyền hình Pháp, Mỹ, Bỉ, Đức, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Algeria, Italia... và Việt Nam. Đạo diễn Daniel cũng đã tặng bộ phim này cho Khu di tích Hỏa Lò để trình chiếu cho du khách.

Bộ phim Cuộc chiến giữa hổ và voi nói về trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là bộ phim lớn của Daniel và ông đã mất 15 năm để làm bộ phim này (1989 - 2004). Năm ngoái, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền bộ phim này.

Những tình yêu to lớn của Daniel dành cho Việt Nam đã được ghi nhận bằng việc Chính phủ Việt Nam trao tặng cho ông Huân chương Hữu nghị.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.