Một Nguyễn Vĩnh Tiến khác lạ trong nghệ thuật

Một Nguyễn Vĩnh Tiến khác lạ trong nghệ thuật
TPO - Tôi mê nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến bởi chất thơ, bởi sự mới lạ trong giai điệu, bởi sự đa tầng, đã nghĩa trong ý tưởng, trong âm thanh và cũng bởi nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến chẳng giống ai.

Cách đây nhiều năm, ca sỹ Ngọc Khuê tặng tôi đĩa nhạc “ Giọt sương bay lên” với 7 bài hát do Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác, tôi thực sự thích thú, thậm chí cảm thấy mình “ mê” nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến và tiếng hát của Ngọc Khuê.

Chợt nhớ cuộc thi “ Tác phẩm tuổi xanh” do báo Tiền Phong tổ chức lần thứ 2 năm 1991-1993 trong buổi họp chung khảo, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Lê Minh Khuê và nhà thơ Trinh Đường (đã mất) chuyển cho tôi một số truyện và thơ mà các anh chị đã chọn, lưu ý tôi đọc kỹ và nói "lạ đấy” (lúc đó tôi vừa là trưởng ban tổ chức, kiêm trưởng ban giám khảo). Trong những truyện và thơ được các nhà văn, nhà thơ trong ban chung khảo lựa chọn có truyện ngắn “ Con chó hư” và bài thơ “ Lá rụng” của Nguyễn Vĩnh Tiến. Không ngạc nhiên khi Nguyễn Vĩnh Tiến đoạt giải cuộc thi TPTX lần đó cả về truyện lẫn thơ.  

Cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm 2012, tôi là trưởng ban giám khảo, có gợi ý ban tổ chức mời Tiến tham gia. Ban tổ chức hoa hậu Việt Nam lần đó đã mời Nguyễn Vĩnh Tiến làm thành viên ban giám khảo. Đó là thời gian tôi gần gũi với Nguyễn Vĩnh Tiến nhiều hơn cả. Tôi thấy Nguyễn Vĩnh Tiến thực sự đam mê cái đẹp. Một cán bộ của báo Tiền Phong, người đoạt giải nhất cuộc thi TPTX lần thứ nhất, bảo: “Không biết bao giờ Tiến mới thành người lớn”. Phải, mới hôm kia lên FB, đọc thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi thấy người kiến trúc sư trên bốn mươi tuổi này vẫn như một đứa trẻ, vẫn nuôi trong mình một tâm hồn trẻ thơ : “ Chiều nay bỏ học tôi về / Bố tôi quăng cái roi tre lên trời ...”.

Quả thực, tôi mê nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến. Bởi chất thơ; bởi sự mới lạ trong giai điệu; bởi sự đa tầng, đã nghĩa trong ý tưởng, trong âm thanh và cũng bởi nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến chẳng giống ai cả.

Tôi cho rằng ở Việt Nam có bốn nhạc sỹ lời bài hát rất giầu chất thơ : cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn; cố nhạc sỹ Hoàng thi Thơ; Phú Quang và Nguyễn Vĩnh Tiến. Tôi cũng thường xuyên nghe những sáng tác của các nhạc sỹ này.

Khi Nguyễn Vĩnh Tiến đoạt giải cao “Bài hát Việt”, có người nói Nguyễn Vĩnh Tiến không học ở một trường nhạc nào cả, có biết nhạc lý không? Tôi hỏi Tiến điều này, Tiến bảo, Tiến học nhạc lý từ nhỏ, và nhờ có 10 giải thưởng về văn học ở thập kỷ 90 đã tạo nên thế mạnh khi viết ca từ. Nguyễn Vĩnh Tiến rất mê triết học, nhất là nhà triết học trực giác người Pháp Henry Bergson.  Tôi cảm thấy trong những sáng tác văn học cũng như những ca khúc của Nguyễn Vĩnh Tiến đầy tính trực giác.

“Bà tôi đưa tôi ra đầu làng / Một mình bà đội cả trời nắng to / Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng / Này là bóng nắng liêu xiêu đưa tôi về làng ...” Những câu từ như thế trong bái hát “ Bà tôi” của nguyễn Vĩnh Tiến vừa giầu chất thơ, vừa mang nhiều hình ảnh trực giác, lại vừa sống động hồn quê... Nguyễn Vĩnh Tiến nói trong dòng nhạc dân gian, Tiến mê nhất là Xoan, Ghẹo, Quan họ, Chèo, Ca trù. Tiến thường lấy cảm hứng từ miền quê Phú Thọ của mình, Từ ông, bà, mẹ, từ các loại hoa, vụ mùa, từ những phong tục tập quán của quê hương. Hầu hết các sáng tác của Nguyễn Vĩnh Tiến đều thấm đẫm hồn quê, thấm đẫm những kỷ niệm của tuổi thơ và điều mà tôi thích nhất là sự mới lạ trong giai điệu, trong ca từ. Nguyễn Vĩnh Tiến không theo một phong cách nào cả mà tự làm nên phong cách riêng của mình. Đó là điều quan trọng trong mọi sáng tác nghệ thuật. Bởi nghệ thuật, theo tôi là sự tái tạo lại cuộc sống, là tạo nên một thế giới mới, không có trong đời thực nhưng lại rất gần với đời thực chứ không phải là sao chép hiện thực! Người nghệ sỹ phải biết phá bỏ mọi rào cản để sáng tạo nên cái mới. Nói như nhạc sỹ Ngyễn Cường: “Giọt sương bay lên” bài hát dân gian đương đại nổi bật nhất và Nguyễn Vĩnh Tiến đã vượt qua mọi rào cản của kỹ thuật để chiến thắng bằng cảm xúc rất lớn của tác phẩm”.

Nguyễn Vĩnh Tiến đã tham gia sản xuất và xuất bản 9 album, nhiều album mà tôi thích như “Giọt sương bay lên”; “Sông ơi đừng chảy”; “Ngồi trên vách nắng”... 

Trong vai là một kiến trúc sư (Tiến tốt nghiệp đại học kiến trúc Hà Nội năm 1996), Nguyến Vĩnh Tiến đã có những công trình được đánh giá cao như thiết kế cổng Quảng Đức (Huế ); chùa Viễn Sơn; Giảng đường B1 đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Trụ sở ủy ban cứu nạn, cứu trợ quốc gia... và được giải thưởng Vifotec (Giải sáng tạo KHKT Việt Nam) năm 1994... Nguyễn Vĩnh Tiến còn được Tư đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao huy chương tuổi trẻ sáng tạo năm 1994 và được bình chọn 10 gương mặt trẻ xuất sắc năm 2005.

Nguyễn Vĩnh Tiến có nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực sáng tạo, nhưng, tôi vẫn cho rằng chính âm nhạc, chính những ca khúc giầu chất thơ, nhiều ý tưởng, với những giai điệu dân gian hiện đại, khác lạ, đã làm nên một Nguyễn Vĩnh Tiến thực sự trong nghệ thuật. Hầu hết nững ca khúc hay của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến đều bắt đầu, đều khởi nguồn từ làng quê của Tiến, từ những gì gần gũi nhất, thân thương nhất, từ “ Ông tôi”; “Bà tôi”; “Mẹ tôi...”; “Trai làng tôi” (tên những ca khúc ), đến con Chào mào, chim Bông lau, vòng nước xoáy; giọt sương bay lên... Phải chăng, ngoài tài năng, nghệ thuật chính là sự thăng hoa của những gì đã làm nên máu thịt cuộc đời của mỗi con người. Nhà văn Mạc Ngôn, người đoạt giải Nobel văn chương từng nói đại ý: Những gì ông có đều bắt nguồn từ làng quê của ông ở vùng Cao Mật.

Nghệ thuật chính là sự biến ảo từ giọt sương để thấy cả bầu trời, từ giọt nước để thấy được biển cả chứ đâu phải những gì nói ra có vẻ to tát mà thực tế rỗng không. Nghệ thuật phải chăng là sự biến ảo khôn lường của tâm hồn con người, của chính cuộc đời này!

MỚI - NÓNG