Một nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng với đề tài Việt Nam

Một nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng với đề tài Việt Nam
Hơn 10 năm trước, vào năm 1994, nhà văn Hàn Quốc Bang Hyun Suk lần đầu tiên đến Việt Nam và nơi đây đã thực sự “hút hồn” anh. Để từ đó, mỗi năm Bang có vài lần sang Việt Nam, có những tác phẩm về Việt Nam...

Bang Hyun Suk thuộc thế hệ những nhà văn trẻ của Hàn Quốc, anh sinh năm 1961, hiện là giáo sư trường Đại học Chung - Ang. Ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ. Bang đặc biệt yêu mến Việt Nam, là Hội trưởng Hội các tác giả trẻ muốn tìm hiểu Việt Nam. “Tôi phải mất 10 năm mới hình dung ra được câu chuyện lấy Việt Nam làm đề tài. Không phải vì tôi không thể hiểu Việt Nam. Cái mà tôi không hiểu đó là chính bản thân tôi. Việt Nam đánh thức tôi để tôi nhận ra một trong những hình thức tồn tại của con người, dù là mờ ảo nhưng vô cùng mãnh liệt” - Bang thổ lộ.

Sau lễ ra mắt “Thời gian ăn tôm hùm”, Bang Hyun Suk  về Hàn Quốc và chỉ chưa đầy nửa tháng sau, vào những ngày giáp Tết ất Dậu anh trở lại Việt Nam để kiểm định lại những tư liệu cho việc hoàn thành cuốn sách “Bình truyền Hồ Chí Minh”. Đây là cuốn sách mà Bang ấp ủ suốt 4 năm nay. Bang không thể nhớ nổi, 4 năm đã có bao nhiêu chuyến bay đi - về Việt Nam - Hàn Quốc để thực hiện tác phẩm này.

Anh lặn lội xuống Đồng Tháp thăm khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ra Nghệ An thăm mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ. Bang vào Huế- nơi Nguyễn Sinh Cung sống những ngày thơ ấu, vào Phan Thiết đến trường Dục Thanh- nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học, trở ra Cao Bằng- nơi Nguyễn ái Quốc  về Việt Nam sau mấy chục năm bôn ba nước ngoài... Về làng Sen - Nghệ An, Bang thực sự quan tâm tới cuộc sống những ngày cuối đời của O Thanh, ông Cả Khiêm là chị gái và anh trai của Bác.

Cùng đi với Bang là Ku Su Jeong, nghiên cứu sinh Hàn Quốc tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Cũng giống Bang, Ku Su Jeong là cô gái cực kỳ yêu mến Việt Nam. Chị nói rất sõi tiếng Việt, là bạn và cũng là một phiên dịch trung thành đồng hành trong những chuyến đi dọc Việt Nam của Bang. Năm 2000, Ku Su Jeong đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ tại Việt Nam với đề tài “Sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam từ năm 1964-1973”. Hiện chị đang đi sâu vào đề tài này trong quá trình thực hiện luận án tiến sĩ sử học.

Ku Su Jeong cũng là phóng viên Hàn Quốc đầu tiên đề cập đến vấn đề thảm sát thường dân vô tội do quân đội Hàn Quốc gây ra trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Còn nhớ, bắt đầu từ cuối năm 1999, ngay sau khi Ku Su Jeong đưa những vụ thảm sát này lên loạt bài phóng sự trên Tuần báo Hankyoreh 21 tại Hàn Quốc, tòa soạn Báo Hankyoreh đã phát động chiến dịch “Xin tha thứ cho lịch sử đáng xấu hổ của chúng tôi” để phần nào chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh Việt Nam.

 Kết quả của chiến dịch nói trên, vào năm 2002, với sự quyên góp của độc giả, tòa soạn đã xây dựng Công viên Hòa bình Hàn - Việt tại tỉnh Phú Yên nước ta. Chiến dịch này cũng dẫn đến nhiều hoạt động tại Việt Nam do các tổ chức phi Chính phủ của Hàn Quốc thực hiện như xây dựng Đài tưởng niệm, gửi tiền trợ cấp hàng tháng cho nạn nhân chiến tranh.

Giáp tết ất Dậu 2005, khí hậu miền Bắc không ngừng những đợt mưa rét, lạnh cóng da thịt, Bang Hyun Suk và Ku Su Jeong vẫn tất bật ngược xuôi giữa phố phường Hà Nội. Họ hẹn gặp đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc ở một quán cà phê góc phố Thái Hà để phỏng vấn xung quanh việc làm phim “Hồ Chí Minh - chân dung một con người” của ông. NSND Bùi Đình Hạc dù rất bận chuẩn bị cho chuyến đi Pháp dự liên hoan phim, nhưng ông vẫn dành hai buổi để gặp gỡ Bang và Ku Su Jeong.

Họ tìm đến nhà đạo diễn Hãng phim Quân đội Phạm Quốc Vinh để được nghe chuyện quay những thước phim cuối cùng về Bác. Cuộc gặp này kéo dài tới 1h sáng hôm sau. Cứ vậy, họ rong ruổi trên những cuốc xe ôm, taxi. Với nhà văn Sơn Tùng, dù sức khỏe dạo này không được tốt lắm nhưng ông vẫn dành liền 3 buổi chiều để đón Bang và Ku Su Jeong. Những văn nghệ sĩ này đều nói với chúng tôi, trước một nhà văn yêu Việt Nam, tôn kính Bác Hồ như Bang Hyun Suk, họ đều muốn dành nhiều thời gian hơn để tiếp chuyện.

Bang Hyun Suk cho biết, sau cuốn tạp văn viết về đất nước, con người Việt Nam: “Sao mọc lên ở Hà Nội” xuất bản năm 2000, dày 300 trang, với số lượng in lần đầu tiên lên tới 8.000 cuốn (chưa kể tái bản), anh đã có ý tưởng phải cho ra đời một tác phẩm về Bác Hồ. Bởi hình ảnh Bác Hồ trong “Sao mọc lên ở Hà Nội” là mối quan tâm lớn để độc giả trẻ Hàn Quốc tìm đến cuốn sách này. Không ít người Hàn muốn tìm hiểu về Việt Nam cũng đã tìm đọc ‘’Sao mọc lên ở Hà Nội”.

Bang không ngờ cuốn sách được yêu thích đến vậy, nên anh luôn cảm thấy tiếc vì đã không đầu tư nhiều cho tác phẩm. Do vậy, viết “Bình truyền Hồ Chí Minh” Bang dành gần 5 năm trời chuẩn bị.  “Bình truyền Hồ Chí Minh” dự kiến dày 500 trang sẽ được xuất bản tại Hàn Quốc trong năm 2005 này. Nhà văn Bang tiết lộ: “Mở đầu Bình truyền Hồ Chí Minh sẽ bằng câu hỏi, vì sao Bác Hồ sống mãi  ở mọi thời đại, cuốn sách sẽ dần trả lời qua từng trang điều đó.”  Bang Hyun Suk cho rằng: “Trên thế giới có rất nhiều lãnh tụ vĩ đại, nhưng hiếm có vị lãnh tụ nào có được sự vĩ đại thể hiện ngay chính trong cuộc đời rất bình thường của mình như Bác Hồ”.

Bang không nói sõi tiếng Việt nhưng đã làm cho đạo diễn Bùi Đình Hạc và nhà văn Sơn Tùng phải xúc động khi anh hỏi chuyện thường dùng hai từ thành kính “Bác Hồ”. Bang cho biết, những thông tin tìm hiểu được anh còn dự định xây dựng một kịch bản cho một bộ phim tài liệu về Bác Hồ .

Về Hàn Quốc, thi thoảng Bang Hyun Suk vẫn ra phố với chiếc áo thổ cẩm Việt Nam, trông rất lạ mắt. Bang cho biết thêm , ở Hàn Quốc mỗi khi ra đường Ku Su Jeong thường mặc bộ áo dài và đội nón lá Việt Nam, làm không ít người dân Hàn gặp chị tưởng đó là một cô gái Việt.

Cuối năm 2004, nhân Nhà xuất bản Hội Nhà văn ra mắt bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết “Thời gian ăn tôm hùm” (được bình chọn là “Tiểu thuyết hay nhất trong năm 2003” tại Hàn Quốc) Bang Hyun Suk  đã trở lại Việt Nam. Giao lưu với các nhà văn Việt Nam, Bang  tâm sự: “Giữa thế kỷ 20 Hàn Quốc đã đưa quân sang Việt Nam và gần đây lại cho quân sang I-rắc tham chiến. Xã hội Hàn Quốc thế kỷ 20 đã làm nên tôi không phải một nhà thơ mà là một nhà văn. Bởi vì hiện thực trần trụi ấy thơ không thể nói lên được. Văn học vượt qua đau khổ để gặp gỡ nhau.

Tôi không biết Thời gian ăn tôm hùm có vượt qua biên giới Hàn Quốc để đến với các bạn được không?”. Bang lại nói: “Tất cả chúng ta đều từ đau khổ đi lên và nhiệm vụ của văn học là phải nói được điều đó. ở nhiều lĩnh vực khác người ta có thể quên đi quá khứ nhưng văn học thì không. Trước khi đi đâu xa người ta phải quay lại nhìn ngôi nhà của mình. Việt Nam đang đổi mới và có những thay đổi chóng mặt, xã hội Hàn Quốc hiện nay cũng tiến bộ và dân chủ hơn.

Nhưng thỉnh thoảng chúng ta vẫn phải nhìn lại quá khứ. Bởi vì để đi đến ngày hôm nay có những người đã phải hy sinh tính mạng và có cả những nỗi ô nhục”. “Thời gian ăn tôm hùm” của Bang Hyun Suk viết nhân vật chính là trưởng phòng một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. Tại đây, Kon Suk qua một vụ dàn xếp rắc rối giữa lãnh đạo công ty với công nhân Việt Nam mà anh đã biết được một sự thật trong lịch sử: một cuộc tàn sát đẫm máu cả một làng do chính những người lính Đại Hàn gây ra cho người Việt Nam. Hôm nay, anh ta phải đối mặt với nhân chứng hiếm hoi còn sống. Hôm nay tại mảnh đất này anh ta còn có mối tình với một cô gái Việt...

MỚI - NÓNG