Một phụ nữ Đức chọn VN làm nơi yên nghỉ cuối cùng

Một phụ nữ Đức chọn VN làm nơi yên nghỉ cuối cùng
Di hài của Bà Sybille Weber, nguyên Tổng thư ký Tổ chức Hành động giúp đỡ Việt Nam (HAV) của CHLB Đức vừa được đưa vào Việt Nam an táng. Đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ!

Bà  Sybille Weber qua đời ngày 10/10/2008, thọ 82 tuổi. Trong di chúc để lại Bà bày tỏ nguyện vọng được chọn Việt Nam làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Chúng ta, ai mà chẳng cảm động trước nguyện vọng đó của Bà. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt các cơ quan hữu quan Việt Nam trước một quyết định không đơn giản vì chưa từng có tiền lệ, phải trình lên cấp Chính phủ quyết định.

Do vậy quá trình xem xét khá lâu, mặc dù lễ truy điệu Bà đã được bạn bè tổ chức rất trọng thể tại Duesseldorf (CHLB Đức) từ ngày 23/11/2008 và sau đó lọ tro đã sẵn sàng được đưa sang Việt Nam...

Theo thông tin của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (UBCTVCTCPCPNN), mới đây Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã chấp nhận nguyện vọng của Bà Weber và giao cho Ủy ban trên phối hợp với các cơ quan có liên quan cấp Trung ương và TP.HCM đón di hài do các bạn Đức mang sang để an táng.

Một phụ nữ Đức chọn VN làm nơi yên nghỉ cuối cùng ảnh 1

Quang cảnh lễ truy điệu

Sáng ngày 14/3, Lễ truy điệu và an táng di hài Bà Weber đã được tổ chức rất trọng thể và đầy tình nghĩa sâu nặng tại nghĩa trang Lạc Cảnh, Quận Thủ Đức với sự tham dự của rất nhiều quan chức Việt Nam, đông đảo đối tác, bạn bè thân thiết của Bà Weber cũng như anh chị em Việt Kiều đã từng gắn bó với Bà từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước... cũng đã đến tiễn đưa Người bạn đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp đoàn kết với nhân dân Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng !

Tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng quen biết và được hợp tác với Bà Weber từ đầu những năm 70. Khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ngoại giao cuối cùng tại CHLB Đức, trong chuyến thăm từ biệt Bà tháng 11/2002 (và không ngờ đó cũng là lần cuối cùng gặp Bà), Bà Weber đã tin cậy giao cho tôi một bộ hồ sơ đầy đủ của HAV từ ngày thành lập 1965 đến lúc giải thể 1996. Sau khi được tin Bà mất tôi đã lần giờ lại các hồ sơ này nhiều lần để viết bài tôn vinh Bà, cung cấp tư liệu cho báo chí...

Toàn bộ hoạt động phong phú của HAV cũng như hình ảnh Bà Weber, người với cương vị Tổng thư ký đã đóng vai trò quyết định trong mọi hoạt động và kết quả to lớn của HAV trong phong trào đoàn kết với Việt Nam, lại hiện lên như một cuốn phim tài liệu sinh động đầy ắp những kỷ niệm.

Bà Weber sinh ngày 26/12/1925 tại Tây Đức, trong một gia đình có truyền thống yêu chuộng hòa bình. Ngay sau chiến tranh thế giới thứ II, lúc mới 20 tuổi bà đã gia nhập Đảng Cộng sản Đức (KPD) của Thaelmann, đã cùng chồng tích cực hoạt động chính trị, đặc biệt trong phong trào hòa bình và phong trào phụ nữ Đức đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội...

Lời kêu gọi nổi tiếng: Hãy giúp đỡ Việt Nam

Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, cuộc đời của Bà Weber bước sang một chặng mới và từ đó gắn liền với phong trào đoàn kết với Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam và leo thang chiến tranh ra miền Bắc, Bà và các lực lượng tiến bộ ở Tây Đức đã thành lập tổ chức “Hành động giúp đỡ Việt Nam và ngày 02/9/1965, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm  Quốc khánh VNDCCH, HAV đã ra lời kêu gọi nổi tiếng „Hãy giúp đỡ Việt Nam“. Bà là hội viên sáng lập và liên tục là Tổng thư ký của HAV.

Ngoài ra, Bà còn là hội viên sáng lập và liên tục là ủy viên BCH Hội Hữu nghị Đức - Việt từ khi thành lập. Để toàn tâm toàn ý điều hành hoạt động của HAV, Bà đã bỏ nghề kỹ sư hóa đang làm với thu nhập khá hấp dẫn trong bối cảnh „Thần kỳ kinh tế Đức“ để nhận một mức lương thấp chỉ có tính chất tượng trưng của HAV, vì Bà muốn dành toàn bộ tiền quyên góp được để ủng hộ Việt Nam.

Một phụ nữ Đức chọn VN làm nơi yên nghỉ cuối cùng ảnh 2

Vòng hoa tiễn đưa của những người yêu mến Bà Weber

Hoạt động nổi bật của HAV do bà Weber điều hành là vận động, quyên góp giúp đỡ vật chất cho nhân dân Việt Nam với nhiều hình thức hoạt động rất sáng tạo.

Nhờ kiên trì vận động và bằng nhiều hoạt động quyên góp rất phong phú, trong 35 năm hoạt động HAV đã quyên góp được gần 200 triệu DM tiền mặt và một khối lượng lớn viện trợ vật chất không thể thống kê hết giá trị ủng hộ Việt Nam.

Đặc biệt, HAV là tổ chức duy nhất ở CHLB Đức đã cung cấp nhiều thiết bị y tế và thuốc men quan trọng cho Việt Nam trong chiến tranh (cung cấp phần lớn nhu cầu thuốc ký-ninh chống sốt rét cho chiến trường miền Nam hồi đó).

Sau chiến tranh, HAV và cá nhân Bà đã tập trung mọi nỗ lực giúp đỡ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh với khoảng 100 dự án lớn nhỏ rải khắp các tỉnh thành trong cả nước, trước hết tại các tỉnh miền núi, nông thôn và dành cho các đối tượng đặc biệt là phụ nữ, trẻ em với tất cả tấm lòng nhân hậu!

Trọng tâm giúp đỡ của HAV là lĩnh vực y tế (chiếm khoảng 80%), giáo dục và bảo vệ môi trường, điển hình là các cơ sở y tế như Bệnh viện Nhi Hải Phòng, Khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trung ương và Bệnh viện Đại học Huế, Bệnh viện Lao Thái Bình, Bệnh viện Cần Thơ...

Thông cảm với những khó khăn của chị em phụ nữ VN thiếu từ cây kim, sợi chỉ, bà Weber đã đề xướng dự án viện trợ cho Hà Nội một nhà máy sản xuất kim khâu (5 triệu DM), khánh thành tháng 10/1983. Ngoài ra, HAV còn giúp đỡ xây dựng 42 xưởng may ở khắp Việt Nam để tạo công ăn việc làm, trước hết là cho phụ nữ.

Thật khó mà kể hết các dự án và sáng kiến của HAV và cá nhân Bà Weber, lại càng không thể nói hết tấm lòng của Bà đối với Việt Nam! Ngay khi đã nhắm măt xuôi tay, Bà vẫn để lại một cử chỉ rất cao thượng và cảm động: Theo ý nguyện của Bà thay vì hương hoa phúng viếng mọi người quyên tiền vào tài khoản để tiếp tục giúp đỡ trường học ở tỉnh Lào Cai. Địa danh miền núi thân thương này không chỉ thu hút Bà trong hầu hết các chuyến sang Việt Nam công tác, mà còn theo Bà đến khi Trái tim đã ngừng đập!

Nhưng hoạt động của HAV không chỉ mang tính chất nhân đạo thuần túy mà còn có thiên hướng chính trị rõ rệt. Trong thời kỳ chiến tranh (1965-1975), HAV đã một mình hoặc phối hợp với các lực lượng hòa bình, dân chủ ở Tây Đức tổ chức hàng trăm cuộc mít tinh, tuần hành đoàn kết với Việt Nam; các cuộc diễn thuyết về Việt Nam, phân phát tài liệu, lấy chữ ký... ủng hộ Việt Nam, lên án cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần tạo nên "Thế hệ Việt Nam“ tại CHLB Đức.

Trọn cuộc đời vì người dân Việt

Có thể nói chưa có một tổ chức đoàn kết nào ở CHLB Đức có thời gian tồn tại và hoạt động lâu bền như HAV; chưa có tổ chức nào thu được kết quả to lớn cả về vật chất và tinh thần như HAV. Kết quả đó trước hết là nhờ tài tổ chức, vận động, thuyết phục và rất nhiều sáng kiến của cá nhân bà Weber. Bà thực sự là linh hồn của phong trào đoàn kết với Việt Nam, là người hoạt động không mệt mỏi từ ngày đầu thành lập HAV, suốt đời tận tụy với công việc của HAV, mặc dù tuổi cao, chồng lại đau yếu nhiều năm  nhưng theo các cộng sự kể lại Bà không vắng mặt ngày nào tại trụ sở làm việc.

Vợ chồng Bà đã hiến tặng toàn bộ số tiền thừa kế của mình (trên 10 vạn DM) vào quỹ ủng hộ Việt Nam, để sống rất giản tiện trong một căn hộ đơn sơ, hàng ngày vẫn đi làm bằng phương tiện công cộng mặc dù nhà cách nơi làm việc đến gần 20 km.

Bản thân bà Weber đã sang Việt Nam trên 20 lần, nhất là trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ Bà đã không ngần ngại đến cả các vùng chiến sự ác liệt nhất. Bà đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các vị lãnh đạo khác của Việt Nam tiếp với tất cả tình cảm quý mến và đánh giá cao hoạt động đoàn kết của HAV và cá nhân Bà.

Năm 1980 tổ chức HAV và cá nhân bà Weber đã được Nhà nước ta tặng Huân chương Hữu nghị, đó là tổ chức và một trong hai cá nhân đầu tiên ở CHLB Đức được nhận phần thưởng cao quý này. Năm 1995 Bà là đại biểu duy nhất của CHLB Đức được Chủ tịch nước ta mời sang dự lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước Việt Nam.

Các đối tác và bạn bè Việt Nam có nhiều dịp tiếp xúc và làm việc với bà Weber đều rất quý mến và cảm phục Bà là người vô cùng tâm huyết và có tình cảm rất đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam. Sinh thời, Bà rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên khi phải nằm điều trị lâu dài tại bệnh viện Bà đã đề nghị Đại sứ quán ta cung cấp cho Bà một bức ảnh Bác Hồ.

Tấm ảnh này luôn được đặt trên đầu giường bệnh của Bà trong suốt bốn năm cho tới ngày Bà qua đời. Thật cảm động khi được bạn bè cho biết Lễ truy điệu Bà Weber tại Đức mở đầu bằng hát Quốc tế ca và kết thức bằng bài hát „Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng“! Đó cũng chính là lý tưởng cộng sản và sự nghiệp đoàn kết với Việt Nam mà Bà đã theo đuổi và cống hiến trọn cuộc đời.

Trần Ngọc Quyên
(Nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao; nguyên Tham tán-Công sứ VN tại Đức)
Theo TT&VH

MỚI - NÓNG