Một sinh viên người Huế ghi lại ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh

Một sinh viên người Huế ghi lại ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh
TP - Đó là ngày 10/10/1954. Trên các tờ lịch tường hàng năm ngày 10/10 đều được ghi một dòng màu đỏ “ngày giải phóng thủ đô”.
Một sinh viên người Huế ghi lại ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh ảnh 1
Bộ đội ta hành quân trên phố Hàng Gai

Bên cạnh đoàn quân tiến về Hà Nội mùa thu năm ấy, ngoài các phóng viên từ các chiến trường trở về, các nhà báo quốc tế, có không ít những tay máy nghiệp dư đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử cực kỳ sinh động diễn ra trên từng con đường, trên từng góc phố...

Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm  giải phóng thủ đô, UBND TP Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử VN, Bảo tàng Cách mạng VN đã tổ chức một cuộc triển lãm “Ngày tiếp quản thủ đô qua ống kính người dân Hà Nội”.

Thế là, sau nhiều chục năm cất giữ trong ngăn lưu trữ của mỗi gia đình, hàng trăm bức ảnh tư liệu được “gõ cửa ngày mới”, đủ một bộ sưu tập về Hà Nội trong ngày lịch sử trọng đại, ngày quân và dân Hà Nội ca khúc khải hoàn sau cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của cả dân tộc.

Trong những tay máy nghiệp dư ngày ấy có một sinh viên người Huế. Hồi đó ông đang theo học Hà Nội. Ông ở trong nhà người chú ruột ở phố Nguyễn Gia Thiều.

Ông biết được ngày quân ta về tiếp quản thủ đô qua loa phóng thanh gắn trên xe ô tô chạy khắp các đường phố thông báo từ ngày hôm trước. Thế là ông chạy đi mua 2 cuốn phim kodak (phim đen trắng) lắp vào chiếc máy ảnh Rétina 2A chụp quang cảnh Hà Nội trong bầu không khí chuẩn bị cho ngày tiếp quản.

Từ sáng sớm ngày 10/10, ông chạy bộ ra phố Hàng Bông, Hàng Gai, Bờ Hồ, ra bờ đê sông Hồng...  chụp những người lính Pháp cuối cùng trên đường phố, những người lính đi bộ về các điểm tập kết, những người lính đang đứng gác ở các chốt giao thông trước giờ bàn giao chính quyền; chụp những đoàn xe nhà binh nối đuôi nhau theo đường Trần Quang Khải để qua cầu Long Biên về Hải Phòng...

Khi nghe tiếng reo hò từ khu trung tâm thành phố, biết là quân ta đã về, ông chạy trở lại đường Đinh Tiên Hoàng, Bờ Hồ, phố Tràng Tiền, Hàng Gai... chụp các đoàn quân giải phóng; chụp các đoàn xe quân giới, xe chở các vị lãnh đạo thành phố; chụp quang cảnh đường phố tràn đầy người dân ra đón chào, bắt tay bộ đội tiếp quản.

Những chiếc xe chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ, xe chở các nhà báo nước ngoài, các phóng viên mặt trận trở về cũng được ông ghi lại bằng hình ảnh.

Ông là một trong số ít tay máy chụp được những góc độ với hai, ba thời điểm khác nhau - những góc phố hôm trước còn lính Pháp; buổi sáng hôm đó vắng bóng người dân, chỉ có những người lính Pháp cuối cùng ở Hà Nội; gần trưa thì cả biển người với cờ hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về...

Trong bộ sưu tập ảnh triển lãm “Ngày tiếp quản thủ đô qua ống kính người dân Hà Nội” có 36 bức ảnh của ông. Thời bao cấp, phóng viên ảnh được cấp phát phim, giấy rửa ảnh.

Tỷ lệ ảnh sử dụng có tờ báo quy định 1/4 (nhận 1 cuốn phim nộp 9 ảnh sử dụng được). Tay máy nghiệp dư như ông mà ảnh được sử dụng với tỷ lệ 1/2 thuộc loại hiếm.

Hai cuốn phim với 72 kiểu ảnh hiện nay vẫn còn rất tốt nhờ của bền tại người. Ông vẫn cất giữ phim trong hai chiếc hộp bằng nhôm. Thỉnh thoảng lại giở ra kiểm tra và nâng niu như một kỷ vật, một kỷ niệm về cái ngày không thể nào quên.

Cái ngày ông quyết định ở lại Hà Nội mà không về Huế vì cứ tin chắc rằng chỉ hai năm nữa sẽ đoàn tụ gia đình sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956. Ai ngờ ông đã phải đợi chờ mất hơn 20 năm mới được trở về quê hương, gặp lại mẹ già, người thân.

Là sinh viên nhưng lúc đó ông đã 32 tuổi, đã lập gia đình. Ông là nhà sinh vật học, nhà giáo hồi hưu Thân Trọng Ninh, nay đã ngoài “80 xuân” nhưng vẫn còn rất minh mẫn, vẫn rất say sưa với các hoạt động xã hội và công việc của gia đình, công việc nghiên cứu lịch sử, truyền thống dòng họ.

Khi tôi viết bài này thì ông đang ở Hà Nội. Đài Truyền hình Hà Nội mời ông ra  tham gia một chương trình với tư cách là một nhân chứng ngày tiếp quản thủ đô.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến ông ra vùng tự do khu Bốn dạy học. Lúc đầu ông làm việc trong phòng thí nghiệm điều chế axít sunfuric, cung cấp cho xưởng quân giới, do giáo sư Phạm Đình Ái, Giám đốc Nha Giáo dục liên khu Bốn kiêm nhiệm phụ trách.

Năm 1949, khi ông đang dạy học ở Nam Đàn - Nghệ An thì cũng chính giáo sư Phạm Đình Ái điều động ông trở vào Thừa Thiên dạy học ở trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu. Trường đóng ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền.

Năm 1951, một ngày Chủ nhật, ông về Niêm Phò (quê Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) để gặp mẹ từ Huế ra thăm. Ông đi bộ từ Phong Chương, mới qua khỏi thị trấn Sịa thì gặp trận càn.

Ông bị địch bắt đưa về giam ở đồn Mang Cá, bị tình nghi là “sếp” Việt Minh vì Phòng Nhì có lưu một tấm ảnh ông chụp bên ngôi mộ một học trò lúc dạy học ở Nghệ An.

Người chú ruột của ông là Thân Trọng Yêm, một quan chức cấp cao ở Hà Nội, hay tin đã vào Huế xin bảo lãnh và đưa ông ra Hà Nội học đại học.

Trước ngày ký kết hiệp định Genève cả gia đình người chú và vợ ông đã di cư vào Nam. Riêng ông tự tin ở lại Hà Nội vì từng tham gia kháng chiến ở khu Bốn, từng tham gia các phong trào sinh viên kháng chiến ở Hà Nội. Nhờ vậy ông trở thành một nhân chứng ngày tiếp quản Hà Nội, một người chép lại ngày tiếp quản Hà Nội bằng ảnh.

MỚI - NÓNG