Một sự trùng hợp tình cờ

Một sự trùng hợp tình cờ
Trùng ý với một nhà thơ nổi tiếng mà mình yêu mến là một điều thích thú, nhưng cũng dễ bị hiểu nhầm, nên phải nói rõ như thế để không bị mang tiếng là đạo văn...

Bài thơ dưới đây tôi viết ngày 14 tháng 7 năm 1972, khi đang là chiến sĩ thông tin chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị và cùng đơn vị đóng quân bên bờ một con suối nhỏ ở vùng Cam Lộ, con suối có cái tên La La vốn đã nổi tiếng trong một bài hát của nhạc sĩ Huy Thục.

Mặc dù không phải là một người lơ đãng, nhưng không hiểu vì sao bài thơ này cùng với một số bài khác cùng làm vào dạo ấy đã bị tôi bỏ quên trong sổ tay suốt 33 năm nay, không nghĩ tới chuyện đem in. Gần đây, nhân những sự kiện lớn của năm nay, tôi có ý lục lại các tài liệu cũ ở chiến trường và đã phát hiện ra chúng.

Tôi đã cho in một số bài trên tờ Quân Đội Nhân Dân Cuối Tuần, riêng bài thơ này có một chi tiết khá thú vị với riêng tôi, nên muốn được nói thêm đôi lời. Số là, khi đọc lại bài thơ này tôi chợt phát hiện ra một sự trùng ý tình cờ. Ấy là, vào khoảng 12 năm sau ngày nó ra đời, tức là năm 1984 gì đó, tôi có dịch một bài thơ của nhà thơ Xô Viết nổi tiếng Cônxtantin Ximônốp viết về Việt Nam, bài thơ có tên là “Ném bom rải thảm”. Trong bài thơ của mình, C.Ximônốp viết:

 Nếu bấy nhiêu năm trời

 Trái bom như cái thuốn

 Nhằm thẳng xuống đất đai

 Xuyên trúng vào một điểm.

 Thì cũng như cái đinh

 Hoen rỉ vì chiến tranh

 Đóng xuyên qua ruột đất

 Và cuối cùng -  xuyên suốt!

 Và điều này có thể

 Với tiếng rên tử thần

 Nó chọc qua vỏ đất

 Thẳng tới Arlington...

Như vậy là C.Ximônốp cũng dùng cái ý những trái bom Mỹ ném xuống Việt Nam nhiều đến nỗi có thể đào xuyên qua ruột đất! Ông còn triển khai thêm : Chúng có thể đào đúng tới Arlington, nghĩa trang chôn cất lính Mỹ chết trận ở Việt Nam, và mở rộng liên tưởng: Nơi chẳng còn đọc tin / Chiếc cốc đời nốc cạn / Với những người đã chết / Thì chiến tranh cũng hết... v.v và v.v... (hình như có một ai đó cũng dịch bài thơ này và nếu tôi không nhầm thì đã dịch đầu đề bài thơ thành “Ném bom trên quảng trường”, vì trong tiếng Nga từ plôsađ vừa có nghĩa là quảng trường vừa có nghĩa là diện tích, “ném bom theo diện tích” tức là ném bom rải thảm, còn ném bom trên quảng trường thì... không... hiểu được).

Đây là một sự trùng hợp hoàn toàn tình cờ, vì cho đến thời gian ở chiến trường năm 1972, mặc dù rất yêu Ximônốp nhưng tôi cũng chỉ biết được hai bài thơ của ông do Tố Hữu dịch là “Đợi anh về” và “Aliôusa nhớ chăng...”.

Trùng ý với một nhà thơ nổi tiếng mà mình yêu mến là một điều thích thú, nhưng cũng dễ bị hiểu nhầm, nên phải nói rõ như thế để không bị mang tiếng là đạo văn hoặc thấy người sang bắt quàng làm họ là hai thói xấu mà ai có chút tự trọng đều phải tránh xa.

Bài thơ của tôi chắc chắn cũng cũ càng như cái khoảng thời gian mà nó bị bỏ quên trong đống giấy cũ, chỉ có một câu giờ này đọc lại tôi vẫn còn khá tâm đắc, ấy là câu : Khoảng yên tĩnh nằm giữa hai mảnh vỡ. Tôi không dám bình, vì sợ không khéo tránh được hai thói xấu nói trên nhưng lại rơi vào... thói xấu thứ ba – thói mèo khen mèo dài đuôi. Bạn đọc nếu có để mắt tới và có lòng yêu thơ, xin ngẫm nghĩ cho một chút về thông điệp mà câu thơ lặng lẽ mang trong mình nó. Và sau đây là bài thơ :

MỘT VÍ DỤ VỀ CHIỀU SÂU CỦA NHỮNG HỐ BOM

Những quả bom đào xuống đất quê ta

Những hố bom nhiều không đếm xiết

Hố bom tấn đào sâu năm mét

Sâu hút mắt nhìn là lỗ bom khoan.

Quanh miệng hố bom cây đá ngổn ngang

Khoảng yên tĩnh nằm giữa hai mảnh vỡ

Những hố bom trông như miệng núi lửa

Từ thẳm sâu bóng tối phun lên.

Nếu nối chiều sâu tất cả những hố bom

Giặc Mỹ dội xuống trên khắp miền đất nước

E có thể đã sâu bằng trái đất

Đông bán cầu sang tây bán cầu.

Phía bên này hố bom mặt trời rực rỡ

trên đầu

Phía bên kia sẽ là đêm đen dày đặc

Trong lòng đất, lòng người dằng dặc

Hố bom đời này xuyên thấu đến đời sau.

Qua lỗ hút bom nhân loại sẽ nhìn nhau

Thấy ruột đất cũng một màu máu đỏ

Và đấy cũng chính là ví dụ

Về chiều sâu của những hố bom.

Cam Lộ, Quảng Trị, 14/7/1972

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.