Một thi sĩ xin được... vô danh

Một thi sĩ xin được... vô danh
TP - Một thi sĩ có những bài thơ gây xúc động hàng triệu độc giả nhật báo Asachi, Nhật Bản, nhưng, vẫn khăng khăng xin không công khai danh tính, dù độc giả rất mong chờ được biết tên tuổi thật của ông.
Một thi sĩ xin được... vô danh ảnh 1
Đây có thể là một thi sĩ vô danh?

Đó là điều khá lạ, vì người cầm bút nào chẳng ao ước tên tuổi và tác phẩm của mình được công chúng mến mộ.

Người Nhật vốn có truyền thống thi thơ. Trong thời truyền thông đại chúng nở rộ như hiện nay, các cuộc thi thơ càng có nhiều cơ hội để đua nở. Nhiều tờ nhật báo đều dành một vị trí trang trọng cho chuyên mục thi thơ.

Cộng tác đắc lực với mục này là một số độc giả ưu tú, được một ban giám khảo tuyển lựa. Các độc giả đặc biệt đó sẽ tham dự vòng sơ tuyển thơ tại khu vực mình sinh sống và gửi bài dự thi về tòa soạn. Công chúng sẽ chấm giải, căn cứ vào tác phẩm đăng đều đặn trên từng số báo. Cuộc thi thơ, vì vậy, như một phong trào quần chúng sâu rộng.

Cuộc thi thơ năm nay gặp một chuyện lạ. Một nhà thơ gửi thẳng thơ đến nhật báo Asachi chứ không thông qua “đại độc giả” khu vực. Ông cũng xin phép không dự thi như mọi người, mà đề nghị được góp một tiếng nói thôi.

Ban biên tập Asachi vui vẻ chấp nhận ngay sau khi tiếp nhận chùm thơ thứ nhất. Sau đó, nhà thơ vẫn liên tục ký dưới các bài thơ của ông gửi tới tòa soạn là Koichi Koda, song khi in, ông xin Asachi ghi “Khuyết danh”.

Bạn đọc ngỡ ngàng vì những chi tiết đời thường của những kiếp người sống bên lề xã hội, từ việc kiếm miếng ăn lầm lũi ban ngày cho tới khuya thì ngủ trong các thùng các-tông rỗng ngay dưới chân những khách tầu điện ngầm về muộn, chờ chuyến xe cuối cùng.

Những bài thơ của thi sỹ vô danh toát ra một âm điệu riêng da diết và ám ảnh. Từ những con chữ tưởng chừng đơn giản, vang lên những chiêm nghiệm và tâm sự phổ biến và thâm trầm không thể thờ ơ. Có thể kể vài trường hợp.

Quen sống không chìa khóa/Tôi lại ổn năm này/ Phải hiến gì nữa đây?

Rồi: Phố trẻ em bất hiếu/Ấy là tên phố này/Thế thì tôi thật may/ Không con, không bố mẹ…

Hay như: Bánh mỳ thôi chưa đủ/Cho cuộc sống con người/Riêng tôi, đã quá tươi/Miếng bánh được phân bổ...

Ông chọn lối thơ cổ waka, súc tích, đẹp cao ngạo, bâng khuâng buồn. Nhiều, rất nhiều độc giả gửi thư động viên và ca ngợi nhà thơ vô danh.

Các chuyên gia văn học và xã hội học nghiên cứu tỉ mỉ thơ của ông và kết luận thi sĩ giấu tên có lẽ hiện sinh sống tại khu Kotobuchi-cho, ở thành phố cảng Yohokama, nơi rất nhiều nhà trú tạm rẻ tiền và nhếch nhác, dành cho người làm công nhật.

Chữ viết nắn nót, hồn thơ phảng phất tâm tình của Juliette Greco, nguyên hai chuyện này đủ để người ta nghĩ ông là người có học và tuổi ngoài 70.

Đáp lại sự đồng cảm đầy trân trọng và thân thương của bạn đọc xa gần, ông vừa có lời ngỏ trên tờ Asachi rằng: “Đọc các bài viết về tôi như thể về một người khác, tôi không sao cầm được nước mắt”.

Tờ nhật báo đề nghị ông công khai danh tính, vì Koichi Koda dù sao vẫn chỉ là bút danh, với hy vọng có thể bù đắp về tài chính cho ông một phần. Ông trả lời ngay: “Tôi cảm kích trước tấm lòng của quý vị. Nhưng hiện thời, tôi không có can đảm tiếp xúc với quý vị, những ân nhân của tôi”.

Cả Đất nước mặt trời mọc vẫn đang xúc động với một hồn thơ mới lạ.

Phú Khê
Tổng hợp

MỚI - NÓNG