Một thời đáng nhớ

Một thời đáng nhớ
TP - Khó khăn thời cuộc đủ bề vật chất, kỹ thuật in ấn, phát hành,Tiền Phong có thời từng phải từ thịnh vượng ba kỳ/tuần rút xuống thành tuần san. Mỗi tuần một số báo một đảo lộn, thay đổi lớn lao nếp nghĩ, cách thức làm báo thời sự, chính trị cập nhật đã thành máu thịt. Chuyển dịch khó khăn, nhọc nhằn, vất vả với người tổ chức mặt báo lẫn người trực tiếp cầm bút viết. Sau này, Tiền Phong lại một lần vượt cạn từ báo tuần sang báo ngày, vì yêu cầu cùng những nhân lực, vật lực đã mạnh mẽ, dồi dào.

> Chuẩn bị lực lượng và đổi mới thành công
> Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam

Phóng viên Tiền Phong đến tác nghiệp nơi anh Lê Đình Chinh hy sinh tại biên giới phía Bắc. Ảnh: Mai Nam
Phóng viên Tiền Phong đến tác nghiệp nơi anh Lê Đình Chinh hy sinh tại biên giới phía Bắc. Ảnh: Mai Nam.

Tổng biên tập Đinh Văn Nam hồi đó ý chí, rành nghề, tâm huyết với tuổi trẻ quyết đoán. Mỗi số báo ra đời là một chuyên đề hôi hổi khí phách tuổi trẻ “đâu cần thanh niên có”. Mỗi chuyên đề choán 1/4 số trang, mặc sức tung hoành đặt vấn đề, luận bàn, phân tích, nêu gương, minh họa, đôi khi cả nhắc nhở, góp ý kiến, tạo nên khí thế báo chí giáo dục, vận động, tập hợp thanh niên một cách hào hùng, thuyết phục. Khởi thủy là gắng gượng, dần dà trở thành cuộc đua tranh giữa các ban thanh niên công nhân, nông thôn, học sinh - sinh viên. Những ban này gắn bó với tên tuổi: Đỗ Cao Đáng, Lê Văn Ba, Đỗ Văn Thoan, Trần Quang, Kim Khang, Cao Năm... Họ đã làm nên tính cách báo Tiền Phong.

Với phương châm, phương thức tập hợp thanh niên qua các hoạt động theo tâm lý, nhu cầu tuổi trẻ: Văn hóa - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật, thể thao, Tiền Phong càng rõ định hình với các trang chuyên mục phong phú, sâu đậm. Gặp sự kiện, các chuyên mục phá rào tăng trang. Kết thúc vòng chung kết bóng đá thế giới Espana 82, Tiền Phong làm 3 trang đặc sắc trên một số báo, thỏa lòng người hâm mộ khao khát thể thao vua. Cuộc thi định kỳ hằng năm “Nghiên cứu khoa học trẻ ngành y” được Tiền Phong phản ảnh, cổ vũ bài bản... giúp Trung ương Đoàn hình thành bộ phận chuyên trách thanh niên khoa học - kỹ thuật.

Uy tín, Tiền Phong lên nhanh bởi một lực lượng phóng viên hùng hậu, vững vàng. Mai Nam báo Tiền Phong, sau thời gian chịu kỷ luật nghiêm túc, được tin cậy cầm máy trở lại, chớp những gương điển hình, căng trọn trang nhất, như một bích chương cổ động chủ đề mỗi số báo. Bức ảnh đàn gà con nhởn nhơ theo gà mẹ kiếm ăn quanh quẩn bên chân pháo cao xạ phòng không đầy tính nghệ thuật, đã được giải thưởng Vàng cuộc thi nhiếp ảnh toàn quốc. Tất Vinh bị đưa đi lao động tiếp phẩm cho một đơn vị thanh niên xung phong vì bị kỷ luật sinh hoạt. Nhìn nhận năng lực của Vinh đích thân Tổng Biên tập Đinh Văn Nam đi xin Vinh về làm phóng viên. Không phụ lòng, Tất Vinh đảm trách trang viết lí thú, cuốn hút nhất mỗi số báo: truyện nhiều kì. Truyện sau đó được tập hợp xuất bản thành sách, dựng thành phim. Một phim theo tiểu thuyết của Tất Vinh tạo cảm hứng cho Trịnh Công Sơn cất lên tiếng hát: Em là bông hồng nhỏ... Em gối đầu trên những vần thơ.

Phóng viên Mai Cát (ngoài cùng bên phải) đang tác nghiệp. ảnh: Mai Nam
Phóng viên Mai Cát (ngoài cùng bên phải) đang tác nghiệp. ảnh: Mai Nam.

Thời bao cấp, không có chuyện trả nhuận bút bài viết trên báo nhà. Khuyến khích những nỗ lực, những tìm tòi, khai thác sắc sảo, Tổng Biên tập Đinh Văn Nam mạnh bạo đề ra chế độ thưởng định mức. Mỗi phóng viên, theo cấp bậc, hằng tháng phải đóng góp số chữ nhất định. Vượt định mức theo hệ số chất lượng, bài viết được thưởng hậu hĩnh, hụt thì ghi nợ, cuối năm trừ điểm thi đua. Rất sòng phẳng. Báo bạn sang học tập cách làm khuyến khích lao động sáng tạo, làm đẹp trang viết, nhưng rồi phải để đấy, vì vướng mắc chế độ tài chính.

Một điều cấm kị bất thành văn trong làng báo, phóng viên nhà không được viết bài cho báo khác. Riêng Tiền Phong vượt lời nguyền đó. Một phóng viên Tiền Phong công khai làm cộng tác viên ruột một loạt báo ngoài Bắc (Nhân Dân thứ bảy, Lao Động) trong Nam (Tuổi Trẻ, Thanh Niên)... Tổng Biên tập Đinh Văn Nam cho qua, như ngầm khuyến khích rèn nghề, quảng giao, phô trương danh hiệu báo Tiền Phong!

Bản thể vị thế, sự tin yêu trong lòng bạn đọc là bản lĩnh Tiền Phong trí tuệ, tự tin, kiên định với đối tượng của mình là thanh niên.

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn hồi đó, Hồ Anh Dũng, đã lớn tiếng chất vấn: Bệnh viện C phụ sản trung ương can chi tới thanh niên mà Tiền Phong cũng nhảy vào “đánh tới tấp “vậy! Tiền Phong vững vàng trình bày thuyết phục rằng, thanh niên đâu sống tách biệt trên ốc đảo lứa tuổi, luôn chịu mọi tác động lớn, nhỏ từ xã hội. Với lại, con gái từ tuổi 18 được pháp luật cho phép lập gia đình, sanh con đẻ cái. Nhất là tổ chức Đoàn Bệnh viện phụ sản kêu cứu Tiền Phong, sao lại làm ngơ, sao lại hèn nhát thoái thác, sao không nêu gương dũng cảm đấu tranh.

Đấu tranh chống tiêu cực đâu phải là “đánh ai” mà là công khai khiếm khuyết, chứ theo thói cũ sợ “xấu chàng hổ ai” giấu kín, bưng bít, nung nấu thành tội ác, gây tai họa tày đình. Tiền Phong công khai ngay trên báo Đoàn một vài cán bộ ban quốc tế Trung ương Đoàn lạm dụng chức trách cài đồ cá nhân kiếm lời vào lô hàng viện trợ thiếu nhi quốc tế, với cái tựa nhẹ nhàng nhưng gây chấn động: “Lấy khăn quàng đỏ các em làm bình phong”.

Kĩ thuật thời bao cấp không như ngày nay. Sự thân thiết ấy, mối quan hệ cộng tác cả làng báo đã giúp Tiền Phong khắc phục những hạn chế, về không gian, thời gian. Được Thông tấn xã Việt Nam cung cấp những “sớ” dài các tê lếch tin bài của Tass, Novosti, Tiền Phong kịp thời chuyển tải tới bạn đọc đầy đủ, chi tiết các hoạt động phong phú, không khí cuộc Liên hoan thanh niên Việt-Xô mà không phải chờ bế mạc, đoàn ta trở về mới có được bài vở, hình ảnh lên báo. Là báo hằng tuần, Tiền Phong vẫn cứ “thời sự các sự kiện quốc tế” ra trò.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng, với thâm niên đi nhà in từ thuở Tiền Phong chào đời, sáng kiến đập bản nhũ, đóng ống quyển cùng ảnh đâu đấy để hàng không Việt Nam ưu ái vận chuyển tức thời. Thế là cùng ngày, Tiền Phong in ở hai đầu đất nước, trong khi các tuần báo khác chỉ in ở Hà Nội.

Ban bạn đọc của Tiền Phong không đóng khung quan hệ báo chí mà chủ yếu là giao lưu thân tình sau mặt báo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng thanh niên, làm nguồn sinh động cho bài viết, tư vấn, khuyên răn mọi điều. Gắn bó nhiều năm ở Ban bạn đọc Tiền Phong, Lê Thị Túy trở thành chuyên gia tâm lý, được tin cậy nhờ giải đáp.

Giờ giải lao một lần họp toàn cơ quan, Bí thư Trung ương Đoàn, chuẩn bị chuyển công tác, khoác tay phóng viên Tiền Phong vừa dạo bước trên sân, vừa tâm tình to nhỏ, thân thiết. Sau này, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn ấy đảm đương chức vụ cấp cao nhà nước. Đương nhiên đó là sự phấn đấu, trưởng thành tất yếu của một cán bộ Đoàn giỏi giang, nhiệt thành. Nhưng những ý kiến trao đổi của phóng viên Tiền Phong với cấp trên không phải là vô vị.

Phải đến giữa thập niên 80, Tiền Phong mới có khả năng, đủ bản lĩnh mời đồng nghiệp quốc tế sang trao đổi, luận bàn, hợp tác. Cầu thị, tổng biên tập báo Sự Thật thanh niên cộng sản Komsomol G.N. Seleznev cất công dẫn đầu đoàn, cùng với phó ban quốc tế Trung ương Đoàn Liên Xô, phóng viên báo Komsomol thường trú tại Việt Nam. Dẫn khách đi thực tế miền Nam, Tổng Biên tập Đinh Văn Nam buộc phóng viên của mình đi theo làm thông dịch. Lên ô tô sang sân bay Nội Bài, hai tổng biên tập tranh luận sôi động. Không bên nào chịu bên nào, kì cùng cho đến tận lúc chia tay. Nhân viên hàng không vào dọn phòng khách cao cấp sững người: Kì thiệt, máy bay cất cánh đến nơi mà vẫn say sưa ngồi tranh cãi được! Tất cả tá hỏa, ùa ra thẳng nơi máy bay đang nổ máy ầm ầm, nhấp nháy đèn hiệu liên hồi, chuẩn bị lăn bánh. Không còn cách nào phải liều lĩnh dàn hàng ngang, trực diện với con chim sắt khổng lồ IL 62. Cầu thang máy bay được lệnh đưa tới. Cơ trưởng như lao xuống, vung tay xỉa xói. Phóng viên Tiền Phong rối rít xin lỗi, rồi từ tốn đối đáp lại rằng, hành khách chưa lên hết, chưa kiểm tra đã vội cất cánh là sao! Nhận ra tổng biên tập báo Komsomol, cơ trưởng liền dịu giọng, hối thúc lên máy bay để kịp cất cánh đúng giờ. Về đến Hà Nội, trưởng ban quốc tế Tâm Tâm đánh vật nhận những lẵng quà tết nặng tay, lời cảm ơn chân thành, lời chúc năm mới thân tình. Sau này, G. N. Seleznev có dịp sang thăm nước ta lần nữa, với tư cách Chủ tịch Duma quốc gia nghị viện Liên bang Nga, thượng khách của Chủ tịch Quốc hội nước ta. Không có điều kiện gặp lại tay bắt mặt mừng, chỉ gửi lời chào hết mức tình cảm thân thiết, trọng thị.

Một thời Tiền Phong đáng nhớ, đáng tự hào như thế đó.

Tiền Phong là tờ báo đầu tiên, duy nhất hồi đó tự hạch toán, không làm báo bằng ngân sách Trung ương Đoàn, toàn quyền tự thu - chi cân đối, sau khi đóng góp nghĩa vụ tài chính đầy đủ với phong trào Đoàn. Cơ ngơi trụ sở tòa soạn hôm nay, Tiền Phong hoàn toàn tự đầu tư bằng lưng vốn riêng xây cất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG