'Một thời Hà Nội cũ' của một nhà nghiên cứu mỹ thuật Đức

'Một thời Hà Nội cũ' của một nhà nghiên cứu mỹ thuật Đức
TPO - Chị Veronika Radulovic cách đây 15 năm đã dùng máy quay loại cũ để ghi lại những hình ảnh của Hà Nội. Nay chị trở lại Việt Nam và chiếu chúng cho dân thủ đô xem vào 18h hôm 9/10 tới tại Viện Goethe.
'Một thời Hà Nội cũ' của một nhà nghiên cứu mỹ thuật Đức ảnh 1
Veronika Radulovic

Trong những năm 1995 - 1998, Veronika Radulovic cùng một số nghệ sĩ trẻ và sinh viên đại học mỹ thuật đã sử dụng một máy quay phim Hi8 đơn giản – không có trụ đỡ và đèn chiếu – để thực hiện nhiều video khác nhau.

Những video này ghi lại các cảnh sinh hoạt ở đường phố, ở khuôn viên Đại học mỹ thuật và các chuyến đi lên các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Dù đó là cuộc trò chuyện với một phụ nữ quay sợi người H’Mong, là buổi trình diễn nghệ thuật đầy bí ẩn ở một bản miền núi, hay là đêm lễ Noel đầu tiên ở Nhà thờ Công giáo Sapa năm 1995 – tất cả còn được ghi lại.

Những video này, dù đẹp hay xấu, thành công hay thất bại, dù hoàn toàn không đạt chất lượng chuyên nghiệp, không nghi ngờ gì, chúng vẫn là những dữ liệu hấp dẫn về một khoảng thời gian đã qua. Nay, những video này được xử lý trong một videocollage (90 phút), lần đầu tiên ra mắt công chúng Hà Nội.

Sau buổi chiếu video, Veronika Radulovic sẽ có cuộc trò chuyện giao lưu với khán giả hôm 9/10/2008 tới tại Viện Goethe, 56 - 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Không chỉ được nghe Veronika diễn thuyết và nói về băng video của chị, khán giả có thể đem đĩa video tự quay của mình để trao đổi kinh nghiệm cùng chị.

Veronica Radulovic sinh sống và làm việc tại Bielefeld (Đức) và Hà Nội (Việt Nam). Lần đầu tiên chị đến Hà Nội là đầu những năm 1990 để nghiên cứu về nghệ thuật sơn mài.

Từ 1994 – 2005, chị tham gia giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tại đó, chị đã xây dựng một bộ sưu tập đa dạng sách vở và video về nghệ thuật đương đại quốc tế.

Với tư cách người môi giới nghệ thuật giữa Đức và Việt Nam, chị đã cùng với TS. Detlef Böckmann (BASF, Đức) tổ chức triển lãm "Sơn mài, đất, đá“ ("Lack, Erde, Stein“) tại Bảo tàng Sơn mài Münster (Đức) năm 1995 trong chương trình "Gặp Việt Nam“ của Nhà văn hóa Thế giới Berlin.

Chị là người tư vấn cho nhiều chương trình phát thanh, truyền hình của Đức về nghệ thuật Việt Nam. Năm 2006, chị cho xuất bản cuốn sách có tựa đề "Khoảng cách an toàn“ (Sicherheitsabstand) nói về nghệ thuật Việt Nam sau Đổi mới.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.