Một thời ta đã sống…

Một thời ta đã sống…
TP - Hơi lạ là sau 40 năm cầm máy, đây là lần đầu tiên Chu Chí Thành triển lãm và xuất bản sách. Ông nói: “Đề tài chiến tranh nhắc đi nhắc lại không bao giờ muộn. Nếu chụp tốt xem lại vẫn lay động lòng người”. 
Một thời ta đã sống… ảnh 1
Mong ước hòa hợp (Lính Sài Gòn và Bộ đội quân Giải phóng tại vùng giáp ranh - Quảng Trị 4/1973)

Trong khi nhiếp ảnh chiến tranh thường vẫn được tái triển lãm trong thời bình thì một mảng ảnh đáng quan tâm khác là hậu phương thời chiến ít thấy lộ diện. Chu Chí Thành- đương kim Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN- đã trám vào chỗ trống này bằng một triển lãm gồm 107 bức ảnh- đa số lần đầu công bố- treo tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trong 1 tháng (từ 12/12), và 3 tháng tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM (từ 25/12).

Triển lãm chia làm 8 phần: Tuyến lửa khu Bốn, Hà Nội- Hải Phòng 12 ngày đêm B52, Đường ra tiền tuyến, Đội quân không mặc áo lính, Vị thủ tướng mà tôi kính yêu, Jane Fonda và bạn bè quốc tế...  chụp tại miền Bắc từ 1967-1973, khi Chu Chí Thành là phóng viên ảnh chuyên trách quân sự, chính trị, ngoại giao của Thông tấn xã Việt Nam (TTX).

Mỗi phần lại được tác giả viết kèm vài dòng như kể chuyện- Chu Chí Thành xuất thân là sinh viên Tổng hợp Văn. Nhiều người vẫn nhớ và có thể kể lại về thời chiến ở miền Bắc, nhưng Chu Chí Thành có lẽ sẽ được lắng nghe nhiều hơn vì ông có dẫn chứng bằng ảnh.

Có những câu chuyện ít người kể như Hạnh phúc cho cả hai phía, Chu Chí Thành kể về ngày trao trả tù binh giữa 2 miền Nam Bắc mùa xuân 1973 khi Hiệp định Paris có hiệu lực (đây được xem là cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam): “Những người lính Sài Gòn khi trao trả được mặc áo sơ-mi trắng, quần kaki xanh, tay cầm túi xách.

Một thời ta đã sống… ảnh 2
Người Hà Nội đi sơ tán

Phần lớn họ xách về bên kia nhưng có một số vừa tới bờ sông là vứt liền và cởi áo sơ mi để lộ hàng chữ: Diệt Cộng trên áo may - ô hoặc trên băng trắng quấn quanh người. Họ cố ý đáp lại làn sóng từng đoàn, từng đoàn người phía quân Giải phóng bỏ hết quần áo trang bị của phía Sài Gòn, giương cao cờ cách mạng, biểu ngữ, ngùn ngụt nhảy xuống sông kéo về phía đón tiếp bên bờ Bắc.

Ngược lại, nhiều lính Sài Gòn bùi ngùi phải bước sang bên kia dòng sông chia tay với những chiến sĩ Giải phóng. Chiều về, công việc trao trả tạm ngừng, nước triều dâng cao, dòng Thạch Hãn như rộng ra.

Các túi xách tay và đồ dùng của cả hai phía vứt lại trên sông bồng bềnh trôi ngược về phía cầu Quảng Trị. Một số người già, trẻ em bên bờ Nam cầm sào tre ra vớt các túi đồ về dùng”.

Chứng kiến cảnh trên, Chu Chí Thành cho biết ông cũng hơi lo vì tình hình như thế thì biết bao giờ cuộc chiến mới chấm dứt. Nhưng khi về vùng giáp ranh, khung cảnh làng quê yên tĩnh khiến ông lạc quan hơn.

Ông viết: “Chẳng hiểu công tác binh vận thế nào mà khi chúng tôi đến thì lính ta gọi lính Cộng hòa sang chơi, nói chuyện, rồi chụp ảnh lưu niệm! Một lính Cộng hòa áo rằn ri, mặt đen bóng, vui vẻ nói với tôi: Anh nhà báo chụp hình em với anh Giải phóng! Thế là họ ôm vai nhau hồn nhiên dường như chả còn sự phân biệt chiến tuyến hai bên nữa. Tôi bấm kiểu ảnh này mà lòng thầm vui. Thì ra những người lính Sài Gòn không muốn cầm súng nữa, chắc rằng ngày thống nhất đang đến rất gần”.

Một hình ảnh quen thuộc trong thời chiến là khẩu hiệu in trên mảnh bom dựng bên đường mà hóa ra không ai ghi lại ngoài Chu Chí Thành. Cảnh người Hà Nội đi sơ tán, hay người sơ tán về đón xe ở Văn Miếu cũng là những tư liệu giàu cảm xúc.

Mặc dù ghi lại khá tường tận 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội- Hải Phòng, nhưng hình ảnh chết chóc duy nhất Chu Chí Thành đưa ra là xác phi công Mỹ. Ông chưa quyết định có treo ảnh này không nhưng nó sẽ có mặt trong sách ảnh sắp phát hành.

Hơi lạ là sau 40 năm cầm máy, đây là lần đầu tiên Chu Chí Thành triển lãm và xuất bản sách. Ông nói: “Đề tài chiến tranh nhắc đi nhắc lại không bao giờ muộn. Nếu chụp tốt xem lại vẫn lay động lòng người”.  

MỚI - NÓNG