Một thú chơi tao nhã ngày xuân

Một thú chơi tao nhã ngày xuân
Ngày trước, trong các thú chơi  ngày Xuân, chơi chữ chơi thơ có lẽ là thú chơi tao nhã và thú vị nhất – tất nhiên là  với những người “có chữ”.     Tác giả Lãng Nhân, trong sách “Chơi chữ” (NXB Văn học), đã công phu giới thiệu rất nhiều kiểu chơi chữ. Chỉ riêng thơ thất ngôn bát cú đã có hơn 10 kiểu “chơi” như thủ vĩ, nhất khí, hạn vần, hạn chữ, thuận nghịch…
Một thú chơi tao nhã ngày xuân ảnh 1
Chơi chữ. chơi thơ có lẽ là thú chơi tao nhã và thú vị nhất

Thơ thuận nghịch là bài thơ đọc xuôi hay đọc ngược đều được. Viết về   mùa xuân, bài thơ của nữ sĩ Chim Hoàng khá độc đáo: bài chỉ có một vần và mỗi câu đều nhắc đến một loài  hoa:

Xuân thêm nét đẹp vẻ đào thơ

Ngọc điểm mai vàng, bút đợi thơ

Xuân tứ ngập tràn, lan ý  nhạc

Liễu hồn ngơ ngẩn, luyến tình thơ

Xuân vì mến cảnh mơ cùng nhạn

Vận bởi say lòng mộng điệp thơ

Xuân cảm những vang lời hứa hẹn

Xuân chào phượng hót tiếng vui thơ

Bạn thử đọc ngược lại (ví như câu 8 sẽ thành câu 1: “Thơ vui tiếng hót phượng chào Xuân”…) sẽ thấy bài thơ vẫn có nghĩa và sẽ phục tài tác giả.

Ở Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Vy cũng là người chơi thơ. Ông có bài thơ theo kiểu hạn chữ (ví như mỗi câu buộc phải dùng tên một loài vật) viết   về “Mười hai con giáp”, có điều đặc biệt là ông như muốn mời người đọc cùng chơi, vì phải suy từ những câu tục ngữ, thành ngữ mới ra tên 12 con giáp:

Tha ra, cắp lấy bộ loay hoay (1)

Đào lỗ không nên tiếng cả bầy (2)

Lạc ngõ theo đuôi đâu ngại bước (3)

Cả gan bóp dái chẳng dờm tay (4)

Cám treo nhịn đói nhăn răng chịu (5)

Cõi vẫn ăn no, ỉa miễu đầy (6)

Cá gáy hoá ra, chi có cánh (7)

Mống năm len lét trốn đi ngay (8).

Đáng lẽ để bạn đọc cùng chơi, nhưng chợt nghĩ đâu phải ai cũng giỏi văn học dân gian và ngày Xuân chẳng nên làm ai mệt trí nên xin chú giải những câu tục ngữ, thành ngữ mà tác giả vận dụng như sau: 1-Chó tha ra, mèo cắp lấy; 2 – Chuột bầy đào không nên lỗ; 3 – Lạc ngõ theo đuôi trâu; 4 – Cả gan bóp dái ngựa; 5 – Cám treo heo nhịn đói/ nhăn răng như khỉ ăn gừng; 6 – Gà què ăn quẩn cối xay/ nuôi dê để ỉa miễu; 7 – Cá hoá rồng/ cơ chi hùm có cánh; 8 – Len lét như rắn mồng năm.Bạn đếm thử xem có đủ 12 con giáp không?

Hẳn sẽ có bạn bảo: các cụ nhà nho ngày xưa rỗi rãi, mới có thì giờ làm những bài thơ “khó khăn” như thế; chứ ngày nay, đêm thức xem phim   Hàn Quốc, phim Tàu vô số tập, sáng ra vừa mở mắt đã lo phóng xe đi    làm vì còn phòng xa kẹt đường, xin vái các cụ. Tôi cũng từng nghĩ vậy. Nhưng thật bất ngờ, một đêm cuối năm, thằng cháu tôi từ Hà Nội điện   vào, giọng mừng rỡ như bắt được vàng.

Thì ra, bạn nó, anh Phạm Công Ngà, một kỹ sư ngành than, vừa viết một bài thơ rất thú vị tặng bà Thiếu Anh, sau khi đọc mấy tập thơ, truyện của bà. (Bà Thiếu Anh là một cựu nữ sinh Đồng Khánh- Huế, nay đã 84 tuổi, từ hồi 16 tuổi đã có bài thơ “Chiếc nón Huế” được nhiều người biết và khi đã trên 70 tuổi, xuất bản mấy tập sách, trong đó có tập “Tình yêu thuở ấy” được những người cỡ như giáo sư Trần Văn Khê, Hoàng Phủ Ngọc Tường… ngợi khen). Bài thơ không chỉ theo kiểu khoán thủ (tức là các chữ đầu câu ghép lại thành đề mục của bài) mà còn sáng tạo kiểu chơi thơ mới, ghép các chữ cái ở một vị trí nhất định của 8 câu thơ thành tên người mình tặng thơ.

Con mất mấy ngày đọc

                             truyện thơ…

Chân tình mẹ viết tự ngày xưa

Thành vì sao sáng soi mọi nẻo

Kính, chê, khen, diễu thật

                                 như đùa!

Tặng đủ cho đời lòng nhân hậu,

Mẹ là cánh võng tiếng gà trưa.

Thiếu tiền, thiếu học, đâu

                               đã thiếu

Anh minh, chí, nghĩa mẹ

                              có thừa!

Gần đây hơn, nhà thơ trẻ Hải Trung (con trai thi sĩ Hải Bằng) một tay chơi thư pháp từng đem tác phẩm triển lãm ở mấy thành phố châu Âu, đã cho in cuốn sách “Chơi chữ Hán Nôm – những bài thơ độc đáo”, tuyển chọn những kiểu chơi chữ đáng gọi là kỳ công, tiêu biểu nhất là bài thơ “Vũ trung sơn thủy” của vua Thiệu Trị. Bài thơ được khảm trai (cẩn xà cừ) hiện đang treo trên vách điện Long An (Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế), chỉ 56 chữ mà biến hoá tài tình.

Năm 1994, Nguyễn Tân Phong đã giải mã đọc thành 64 bài tứ tuyệt và gần đây, G.S Nguyễn Tài Cẩn lại đọc được thành 64 bài bát cú. Đây là thể thơ hồi văn liên hoàn, nghĩa là xuất phát từ điểm nào cũng có thể đọc thành câu, thành bài. Ta thử đọc một trong 64 bài (dịch thơ) theo cách giải mã của G.S Nguyễn Tài Cẩn: “Tròn vây gió nổi triều lan ngập/ Rộng thoáng mưa vờn nước biếc xanh/ Non kín đen trời mây cuốn gấp/ Sóng dâng gieo ngọc tiếng vang quanh/ Tuôn reo suối thắm rêu dâm dấp/ Bóng dợn cồn vươn cỏ mướt xinh/ Buồn giải rỗi câu thuyền lướt khắp/ Động về chia dãy én bay nhanh”.

Từ việc chàng kỹ sư ngành than làm thơ khoán thủ tặng bà Thiếu Anh đến nhà thơ Hải Trung 31 tuổi đam mê thú chơi chữ Hán Nôm, tôi chợt nghĩ:  kiểu chơi thơ có thể là vốn cổ dân tộc đã bắt đầu được khôi phục chăng? Trong cơn lốc chạy theo những vòng quay chóng mặt của cơ chế công nghiệp – thị trường, hẳn là dành đôi chút thì giờ “chơi chữ, chơi thơ” cũng là cách thư giãn tâm hồn có ích, ít ra cũng hơn những trò chơi điện tử hoặc các kiểu đánh bạc. Không tin, bạn thử chọn một cách “chơi” làm một bài thơ tặng vợ (hoặc người yêu) nhân ngày Xuân mới, nhất định sẽ được “đền đáp” một cách thích đáng! Mà chỉ cần như đứa cháu tôi, được nỗi vui mừng không vì danh lợi và sự thỏa mãn những ham muốn tầm thường khác, con người ta kể như đã thăng hoa.

MỚI - NÓNG