Một thủ lĩnh tiểu thuyết mới vừa qua đời

Một thủ lĩnh tiểu thuyết mới vừa qua đời
TP - Alain Robbe-Grillet (1922-2008) là cháu nội một thầy giáo trường làng, con một cai thầu nhỏ cháy túi. Tuy nhiên, ông vẫn được học hành đến nơi đến chốn ở Paris.
Một thủ lĩnh tiểu thuyết mới vừa qua đời ảnh 1
Alain Robbe-Grillet

Tốt nghiệp Viện Nông nghiệp quốc gia năm 1945, ông làm việc ở Viện này sau khi ra trường, rồi ở Viện rau quả thuộc địa. Do đó, ông từng chu du nhiều nơi tại châu Phi, như Maroc, Ghinée, và Guadeloupe…rồi New Zealand.

Ông say mê văn chương, nên rốt ráo tự học, bằng nhiều con đường. Hoàn cảnh xuất thân, môi trường lao động, học vấn uyên thâm, cả ba hun đúc cho ông một bản lĩnh người và bản lĩnh nghệ sỹ gần như ngoại cỡ. Vừa tận tụy với chức phận của một kỹ sư, ông vừa miệt mài sáng tác.

Năm 1949, bản thảo tiểu thuyết đầu tay Tội giết vua  bị Nhà xuất bản danh tiếng Gallimard trả lại. Ông không nản, mà tin rằng mình sắp đem đến cho văn học một điều mới mẻ.

Quả thật, chính ông cũng bất ngờ với bản thân. Khi nghiên cứu, ông tôn thờ các đại tác gia cổ điển. Song bắt đầu viết, ông thấy họ đã lỗi thời. Ông trăn trở về một cách cảm nhận đời sống và chữ nghĩa khác hẳn.

Và chuyện kỳ diệu đã xuất hiện. Gần đồng thời, một số cây bút trẻ cũng suy nghĩ như ông, Michel Butor, Natalie Sarraute, Clode Simon...chẳng hạn. Các nhà văn trẻ không họp thành nhóm đoàn gì cả. Họ chỉ cùng chí hướng, cùng công bố đa phần tác phẩm ở Nhà xuất bản Minuit.

Điểm chung của họ là phủ nhận những nguyên lý và thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực kiểu Balzac. Với họ, cốt truyện, nhân vật, tâm lý là thứ yếu, đồ vật trở thành trung tâm.

Chú mục vào đồ vật là nhiệm vụ số một của nghệ sỹ ngôn từ. Ngôn ngữ đóng vai trò cốt tử. Nỗ lực cách tân ấy của họ được mệnh danh là Tiểu thuyết mới, dù đây không phải một trường phái hay một trào lưu.

Khuynh hướng “Tiểu thuyết mới” phát triển mạnh trong những năm 1950 và 1960. Nó có đóng góp cho sự phát triển của văn học, song đến nay, chỉ còn là một biểu tượng của khát khao đổi mới. Alain Robbe-Grillet vĩnh viễn được ghi công là một chủ soái của hiện tượng văn chương kỳ lạ này.

Năm 1951, ông viết cuốn sách thư hai, Những chiếc tẩy, trên chuyến tầu thủy đưa ông tới quần đảo Antilles. Ông chủ NXB Minuit thích thú nó, cho in ngay năm 1953. Alain Robbe-Grillet chuyển sang sống bằng ngòi bút.

Ông chủ Minuit  ủng hộ mọi dự án văn chương của ông và hai năm sau, mời ông làm cố vấn văn học cho NXB cho đến tận 1985. Những chiếc tẩy gây nên một cơn sốt tò mò. Nó đoạt giải Fenelon. Hiện nay, nó vẫn là tác phẩm được nghiên cứu nhiều nhất và là “thương hiệu” duy nhất của Alain Robbe-Grillet.

Năm 1955, Kẻ nhìn trộm chấn động không chỉ giới văn nghệ. Nhiều tên tuổi đương thời, George Bataille, Jean Paulhan, đặc biệt Maurice Blanchot và Roland Barthes, nhiệt liệt cổ xúy cuộc Cách mạng Tiểu thuyết mới và bênh vực tác giả của tiểu thuyết, một tài năng trẻ.

Không ít học giả chỉ trích ông. Có người cho là ông mắc bệnh tâm thần. Có người, như nhà báo lừng lẫy Emile Henriot của Le Monde khét tiếng, doạ kiện ông ra Toà đại hình về tội báng bổ văn chương, gây rối xã hội.

Một cuộc tranh luận nảy lửa bùng nổ mỗi lúc một dữ dội. Chủ đề được bàn thảo nhiều nhất là cần xem xét lại bản chất của văn chương và tự sự. Dưới vẻ ngoài của một truyện vụ án, cuốn sách của Alain Robbe-Grillet đặt ra những vấn đề nóng bỏng.

Ví như, thế giới đổi thay, nhà văn phải đổi thay thế nào cho phù hợp. Được trao giải thưởng Các nhà phê bình năm ấy,  Kẻ nhìn trộm hiện giờ vẫn là một kiệt tác và một cuốn sách bán chạy nhất của Tiểu thuyết mới Người hùng.

Góc nhìn mới lạ của ông được không chỉ những nhà ngôn ngữ kiệt xuất như Roland Barthe mà cả các nhà điện ảnh bậc thầy chú ý. Ví dụ điển hình, Alain Resnais phải nhờ ông viết kịch bản cho Năm cuối cùng ở Marienbad, một phim kiệt tác Sư tử vàng 1961 tại Liên hoan phim Venice.

Xin nhắc lại, Alain Robbe-Grillet cũng hoạt động tích cực trên phim trường. Ông đạo diễn nhiều phim do ông biên kịch. Con đường “chiếu bóng” của ông không hoàn toàn suôn sẻ.

Năm 1960, ông ký vào bản Tuyên ngôn 121 chống cuộc chiến tranh của Pháp ở Algerie. Thế là, Bộ trưởng Văn hóa André Malraux không tài trợ cho bộ phim đầu tiên của ông, 1963, Người nữ bất tử.

Gần đây, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, ông vẫn gượng dậy, làm xong phim sau chót Gradiva, xuất xưởng vào tháng năm 2007.

Bê bối phim trường của ông giờ này càng “nhức nhối”. Một mặt, “tác phẩm điện ảnh của ông lỗi mốt rồi”. Mặt khác, “hẳn ông là một trong những nhà điện ảnh vĩ đại đích thực của nửa sau thế kỹ 20”.

Dù muốn dù không, các nhà nghiên cứu tâm huyết còn nhiều việc phải làm để khẳng định vị thế của ông trong Nghệ thuật thứ bảy. Đương nhiên, kết luận chính xác duy nhất phải xuất phát từ cái nhìn tổng thể và toàn diện đối với cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Giới đại học toàn cầu sẽ ghi nhớ mãi gương mặt hiền minh của giáo sư  Alain Robbe-Grillet, bao năm truyền thụ cho các bạn trẻ, nhất là ở Hoa Kỳ, không chỉ cái hay cái đẹp của ngôn ngữ và văn chương Pháp, mà cả tình yêu đời thanh thản, đặc biệt là “nhu cầu đổi mới róng riết và quyết liệt”.

Không hề ngẫu nhiên, nhiều năm nay sinh viên say sưa tìm đọc và chiêm nghiệm các sáng tác văn chương của ông, kể cả các sách tiểu sử ông viết cuối đời. Một lý do chính: Theo R.Barthe, văn của ông là cực kỳ Pháp, Pháp đến tột cùng. Từ văn ấy, vang lên một tiếng cười lớn sảng khoái và ý nhị.

Thanh thiếu niên lấy ông làm gương cho sự điều chỉnh không ngơi nghỉ cách nhìn nhận thế giới và xử lý những vấn đề thời sự liên tiếp được đặt ra.

Hiếm thấy những con người và nghệ sỹ bao giờ cũng ung dung tự tại như tác giả Những chiếc tẩy. Nhất định ông vững tin rằng mình ứng xử không sai. Ông còn công khai thích thú với những biệt danh người đời gán cho mình, “kẻ chuyên gây rối”, “tay khiêu khích đáng gờm”, “người gieo rắc nghi kỵ và bất hòa”…

Ông vừa tạ thế ngày 18 tháng hai năm nay, vì suy tim nặng. Những tổng kết về con người và sự nghiệp của ‘nhân vật ngược đời bậc nhất thời đại” đang được công bố.

Hóa ra, ông là nhà văn Pháp còn sống được dịch nhiều nhất sang tiếng nói của Khuất Nguyên và Đỗ Phủ. Trong các cây bút Pháp nửa thứ hai của thế kỷ vừa qua, ông là người được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài, nhưng lại ít được yêu mến nhất tại Tổ quốc quê hương.

Cuốn sách suối cùng, Tiểu thuyết tình cảm,  như lời chào vĩnh biệt của ông, vừa ra mắt năm 2007. Một kỷ niệm bất hủ của ông liên quan đến Viện hàn lâm Pháp.

Ngày 17 tháng tư 2004, ông được bầu vào Viện này. Theo thông lệ, viện sỹ mới phải chuẩn bị một diễn văn cảm ơn, được duyệt trước, rồi tại lễ kết nạp, phải mặc đồng phục mầu xanh truyền thống kèm theo một cây kiếm ngàn đời của các viện sỹ, “Những người bất tử”.

Alain Robbe-Grillet cho nghi thức đó là cổ hủ. Ông thương lượng với lãnh đạo Viện, xin đọc diễn từ ứng tác tại chỗ, xin mặc kimono như ông vốn thích mặc mọi nơi. Không được chấp nhận, ông vẫn làm thế. Buổi lễ đón tiếp biến thành một trò đùa. Và ông vĩnh viễn không bước chân vào Viện nữa.

Vụ tai tiếng tưởng là vu vơ hiện châm ngòi cho một cuộc cách mạng. Sau cái chết của ông, viện sỹ danh nghĩa, Viện hàn lâm Pháp, mấy thế kỷ nay chỉ có 40 ghế, đang khuyết bảy. Các nhà văn đang từ chối gia nhập Viện. Thậm chí, sự tồn tại của Viện cũng được nghiêm túc mang ra mổ xẻ…

 Đinh Thủy Hương
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.