Vĩnh biệt nhà văn Hữu Mai (1926-2007):

Một vài kỷ niệm với tác giả 'Ông cố vấn'

Một vài kỷ niệm với tác giả 'Ông cố vấn'
TP - Tôi đọc "Cao điểm cuối cùng" của Hữu Mai từ lâu, rất hâm mộ, nhưng phải mãi sau này, khi tôi phụ trách Phòng Văn nghệ, Báo Quân đội nhân dân, mới hân hạnh được quen biết ông. Mà lại quen biết trong một tình huống khá... trớ trêu.
Một vài kỷ niệm với tác giả 'Ông cố vấn' ảnh 1
Nhà văn Hữu Mai

Đó là cuối những năm 1980, sau khi đất nước thống nhất, trong số các tác phẩm viết về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tiểu thuyết Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai tuy mới ra mắt tập đầu đã được bạn đọc hân hoan đón nhận.

Những năm đó Báo QĐND thường dành hẳn một “khoảnh đất” rộng rãi chân trang để đăng nhiều kì các truyện, kí chủ yếu do các cây bút của báo viết. Việc đăng tiểu thuyết nhiều kì hình như vẫn còn chưa có tiền lệ.

Tôi đọc tập đầu cuốn tiểu thuyết, thấy rất thích. Nếu đem so với những cuốn sách cùng viết về đề tài này, thì tiểu thuyết Ông cố vấn xuất hiện với một bộ mặt tinh khôi, mới mẻ.

Ông cố vấn được viết với một bút pháp nghiêm nhặt, ngồn ngộn đời sống, miêu tả người anh hùng của chúng ta chiến đấu trên một mặt trận đặc biệt, là thứ của hiếm, nếu được trích đăng nhiều kì trên trên báo, chắc chắn sẽ thu hút được bạn đọc cả trong và ngoài quân đội. 

Ngày đó tôi cũng có làm thơ, viết đôi ba truyện ngắn in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và những bài kí nhiều kì đăng trên báo nhà. Đối với các nhà văn quân đội tên tuổi lẫy lừng thì tôi còn lấy làm e ngại lắm, không mạnh dạn như các bạn viết trẻ bây giờ.

Vì thế tôi không dám gặp trực tiếp để xin bản thảo của nhà văn Hữu Mai. Tôi bèn đi đường vòng, làm việc với biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội để xin cho trích đăng nhiều kì.

Biên tập viên Nguyễn Quang Tính rất hoan nghênh ý tưởng của chúng tôi, hứa sẽ làm việc với nhà văn Hữu Mai để xin phép cho in. Và thế là tiểu thuyết Ông cố vấn liền được trích đăng nhiều kì trên QĐND, rất được bạn đọc hoan nghênh.

Nhưng xẩy ra một sự cố. Bây giờ tôi không nhớ rõ ai đã báo cho tôi tin, nhà văn Hữu Mai hết sức phẫn nộ, vì Báo QĐND trích đăng tác phẩm của ông nhưng không trả nhuận bút, thậm chí cũng không báo biếu.

Thời kì đó đại tá nhà văn Hữu Mai được biệt phái qua công tác bên Hội, là Ủy viên Ban thư kí Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Tôi tìm đến gặp ông ở Cơ quan Hội, nói rằng tôi phụ trách Phòng Văn nghệ, Báo QĐND.

Việc không làm nhuận bút và gửi báo biếu cho nhà văn hoàn toàn do lỗi của tôi. Tôi xin lỗi và xin sửa sai. Thái độ của nhà văn hết sức nghiêm khắc, nhưng cũng rất chừng mực. Khi tiễn tôi ra cửa, ông chủ động đưa tay ra bắt, nở một nụ cười rộng lượng: Thôi, Phú về nhé.

Tôi cảm nhận ở lời nói, ở cái bắt tay chặt của nhà văn như một sự rộng lượng và cả sự tha thứ. Tuy nhiên để hiểu được cho hết ý nghĩa của những điều đó cũng phải có một quá trình.

Ở đời có những việc khó có ai tính hết được, chỉ vài năm sau đó, năm 1990, tôi được chuyển về Hội nhà văn giữ chức Chánh Văn phòng, rồi làm Phó Giám đốc Hãng phim Hội nhà văn, là người giúp việc cho nhà văn Hữu Mai.

Trước khi về Hội, tôi có đến gặp nhà văn Vũ Tú Nam, Tổng thư kí Ban chấp hành Hội nhà văn khoá IV. Nhà văn Vũ Tú Nam nói tôi cần gặp Nhà văn Hữu Mai, là Ủy viên thường trực Ban chấp hành khoá IV, kiêm bí thư Đảng Đoàn.

Quả thực trong lòng tôi có chút e ngại, tôi vẫn chưa quên “vụ” in Ông cố vấn trên Báo QĐND, không biết ý ông thế nào. Khi tôi bước vào phòng làm việc của ông, cái cảm giác e ngại liền biến mất.

Dường như cái chuyện mà tôi vẫn còn mang nặng mặc cảm ấy ông đã quên từ lâu rôi. Ông nói, cơ quan cần người làm việc, cậu về chúng tôi rất hoan nghênh. Anh em sẽ cộng tác với nhau.

Nói rồi ông mở cặp lấy ra tờ Giấy phép của Bộ Văn hoá do Thứ trưởng Đình Quang kí, cho phép Hội nhà văn thành lập Hãng phim.

Ông bảo tôi, Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập Hãng phim là nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhưng anh Duật ở dưới Báo Văn nghệ rất bận, vì vậy có nhiều việc để làm đấy, chỉ sợ không có sức.

Tôi nhận ra rằng, ông là một con người đại lượng, biết cách tập họp anh em để làm việc, không thành kiến. Nhưng chỉ đến sau này, khi tôi theo ông đi làm phim truyền hình nhiều tập Ông cố vấn do chính ông viết kịch bản, tôi mới có điều kiện hiểu thêm ông về vấn đề này.

Đoàn làm phim chúng tôi thuê một căn hộ ở gần chợ Cầu Muối để làm bản doanh, lai rai ở suốt thời gian làm tiền kì và hậu kì. Lúc đó tuổi ông đã khá cao, bà Thu, phu nhân nhà văn phải đi kèm để chăm sóc ông.

Bà nấu cơm cho ông và nấu cho cả nhóm chúng tôi cùng ăn, vui vẻ như một gia đình. Là tác giả kịch bản và cũng là giám đốc, ông theo sát từng cảnh quay, những lúc cần thiết sửa từng câu thoại.

Ngày đó ở ta chưa làm nhiều phim truyền hình nhiều tập, việc Hãng phim Hội nhà văn nhận làm một phim nhiều tập như vậy, được nhiều người coi là phiêu lưu.

Phiêu lưu ư? Ông cười, bảo tôi rằng, trên đời này không có việc gì làm mà không có một chút phiêu lưu... Đấy là lần đầu tiên tôi làm Chủ nhiệm phim, mà là một phim vào loại lớn. Những lời của  nhà văn giúp tôi vững dạ thêm rất nhiều.

Một vài kỷ niệm với tác giả 'Ông cố vấn' ảnh 2
Hữu Mai (thứ 2 từ trái sang) và Nguyễn Đình Thi (ngoài cùng bên phải) tại chiến khu Việt Bắc

Trong quá trình làm phim, nhà văn Hữu Mai đưa chúng tôi đến nhà riêng thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, thăm ông. Nhà tình báo của chúng ta ở trong một căn hộ giản dị gần chợ Trương Định.

Thiếu tướng tiếp chúng tôi thật chân tình. Chúng tôi nhận thấy ở con người ông có cái gì đó khác với những nhà tình báo mà chúng tôi đã làm quen qua sách vở, qua phim ảnh.

Ông có đôi mắt sáng, một cái nhìn sâu thấu, hơn đời, khác người. Nhà văn Hữu Mai đã giải thích cho tôi hiểu những điều đó.

Ông nói, ông viết tiểu thuyết Ông cố vấn chính là ông cố khám phá xem cái gì giúp cho nhân vật chính của nhà văn chiếm được lòng tin của các triều đại nguỵ quyền, từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu, cái gì bảo đảm cho nhân vật sống sót giữa các làn đạn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Theo nhà văn Hữu Mai, ấy là nhà tình báo của chúng ta biết khai thác triệt để phần con người còn lại trong những kẻ thù mà ông hàng ngày phải đối mặt. Dùng âm mưu có thể thắng một lần, hai lần... nhưng không thể thắng mãi. Đối với tôi đó là một cái nhìn rất mới mẻ.

Con người không ai sinh ra mà không có chút phiêu lưu, và cũng không ai tránh khỏi sai lầm. Nhân kể về chuyến đi họp Hội nghị thành lập hiệp hội các nhà văn thế giới viết tiểu thuyết trinh thám ở Mêhicô, nhà văn kể cho tôi nghe một chuyến phiêu lưu của ông.

Thật là bất ngờ. Ngày đó nhà văn còn nhỏ, sống ở Nam Định đâu khoảng bẩy tám tuổi gì đó, với mấy đồng xèng trong túi, ông đã trốn nhà để đi Hòn Gai. Đi tầu hoả, đi tầu sông, đi bộ.

Lẽ dĩ nhiên ông không định đi lang thang. Ông muốn đến Cửa Ông thăm một bậc gia trưởng làm nghề sông nước. Nhưng một cậu bé bỏ nhà ra đi như thế phải là một chuyện động trời. Rồi cậu bé bị tóm dọc đường.

Dù vậy, cậu bé sau này sẽ trở thành nhà văn, chắc chắn trong những ngày lang thang ấy, đã phải trải qua đủ loại cảm xúc, và sự từng trải ấy hẳn đã giúp cho ngòi bút của ông viết về tình báo, về trinh thám thêm hay.

Ngẫm lại, với sự từng trải của ông thì những sai lầm của chúng tôi là điều dễ hiểu, có thể cảm thông, có thể tha thứ.

Do những điều kiện khách quan, mặc dù kịch bản phim Ông cố vấn từ tập thứ 11 đến tập thứ 20 đã hoàn thành, nhưng phim Ông cố vấn phải dừng lại ở tập 10.

Nhà văn Hữu Mai được nghỉ hưu. Tôi thay ông làm Giám đốc Hãng phim. Tiếng là nghỉ hưu, nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến Hãng phim và viết không ngừng.

Ông cho ra đời nhiều tập sách quí, bao gồm một số tập hồi kí trong bộ hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiểu thuyết Người lữ hành lặng lẽ, một số tiểu thuyết tư liệu về tình báo như Đêm yên tĩnh.

Năm 1999, chuẩn bị kỉ niệm 110 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tìm đến ông, nhờ ông viết kịch bản phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Ông không ngần ngại, tạm xếp công việc bề bộn để làm kịch bản.

Viết một kịch bản phim hay viết một cuốn tiểu thuyết, đối với ông luôn là một công việc sáng tạo nghiêm cẩn.

Ông luôn đòi hỏi cao đối với bản thân và dù trong điều kiện như thế nào, ông cũng cố gắng hết sức bảo đảm tác phẩm của mình tiếp cận gần nhất với bản chất, cái lõi sự thật của lịch sử.

Ông bắt tay vào việc tập hợp, sưu tầm tư liệu cho Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Ngoài tiếng Pháp dùng rất thành thạo, ông còn tranh thủ học thêm tiếng Anh để có thể đọc trực tiếp các tài liệu tiếng Anh do các nhà sử học nước ngoài viết hoặc cung cấp.

Ông khoe với tôi, ông đã tự viết thư bằng tiếng Anh gửi trao đổi với các học giả Mỹ và Anh qua đường thư điện tử. Tập kịch bản dầy không quá một trăm trang đã được ông sửa đi sửa lại nhiều lần, để cuối cùng tạo ra một bộ phim về Bác Hồ chân thực và hấp dẫn người xem.

Bây giờ nhà văn đã đi xa, nhưng tấm lòng ông, văn tài của ông thông qua những tác phẩm mà ông gửi lại cho đời luôn còn mãi, sáng và đẹp.

Hà Nội ngày 19/6/2007

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.