Một văn hóa mới

Một văn hóa mới
TPCN - Muốn ổn định mọi sinh hoạt xã hội một trong những điều quan trọng hàng đầu là xác định những giới hạn.
Một văn hóa mới ảnh 1
 Nhà thơ Lê Đạt   ảnh: Ng. Đ. Toán

Như mọi người đều biết một phóng sự báo chí và một sáng tác văn học về cơ bản là khác nhau, không phải vì giá trị – có những phóng sự rất siêu và những sáng tác văn học rất xoàng – mà vì giới hạn: giới hạn của một phóng sự báo chí là hiện thực, giới hạn của một sáng tác văn học là hư cấu.

Không ai khen thưởng hoặc kỷ luật một cấp hành chính vì một phản ánh hư cấu. Bởi vậy xin các cấp hành chính chớ quá để tâm mà hành một nhà văn vì chính những hư cấu của anh ta.

Nếu sự đời cứ rạch ròi như vậy thì đã không có chuyện.

Nói của đáng tội các nhà văn cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc gây ra những rắc rối hiểu lầm.

Một nhà văn đồ sộ của thế giới, có thể vào một lúc ấm đầu nào đó, bỗng tuyên xưng một cách trịnh trọng rằng nhà văn là thư ký của xã hội. Tên ông là Balzac.

Mặc dầu là một người cầm bút và lẽ đương nhiên ít nhiều thiên vị đồng nghiệp, tôi cũng xin hư tâm đề nghị với xã hội, căn cứ vào quy chế viên chức Nhà nước, dứt khoát sa thải những viên thư ký này. Vì một lý do rất đơn giản: những báo cáo, tường trình của họ đều hư cấu hay nói nôm na hơn là bịa.

Những lý do thường đơn giản mà cuộc đời thường phức tạp.

Xem kỹ lại những báo cáo bịa này thượng cấp bỗng nhận thấy có những hình ảnh hiện thực khá bắt mát cũng như một số dự báo xã hội khá hấp dẫn.

Người ta nghĩ đến việc chuyển đám thư ký này sang Cục dự báo xã hội. Nhưng Bộ Xã hội dứt khoát từ chối vì một lý do rất chính đáng: những dự báo xã hội đáng tin cậy (?) thường dựa trên những thống kê, những điều tra xã hội học cụ thể chứ không linh tinh thiếu sở cứ khoa học như của đám thư ký xã hội.

Bỏ thương vương tội, tập thể liền sắp đặt và giúp đỡ họ tổ chức thành một hội đoàn tạm đặt tên là Hội Nhà văn.

Tưởng đã ổn. Nhưng đám nhà văn vốn có hai tật cố hữu: đó là nhiễu sự và nghiện tuyên tố (đã thế lại hay dại miệng). Sau khi đã yên vị chưa ấm chỗ, một nhà văn được coi là khá tiêu biểu viết:

“Nhà văn là người lao động chuyên sản xuất ra những ảo thể”.

Đúng là nói phải củ cải nghe cũng được. Nhưng mới được nửa câu, chẳng biết ngứa ngáy thế nào anh ta lại “tương” luôn ra một mệnh đề khó ngửi “những ảo thể này nhiều khi sâu sắc và thực hơn hiện thực (?)”.

Thế là cánh đồng bất tận những hiểu lầm lại tiếp diễn.

Tôi từng đã nhiều lần ca ngợi sự phong phú và sâu sắc của ngôn ngữ dân gian.

Chẳng hạn khi muốn đề cao giá trị một sản phẩm, người ta nói: “Đồ của em là hàng độc chứ không phải hàng chợ”.

Các danh ngôn cũng phải được coi như những hàng độc. Chúng rất giầu giá trị dinh dưỡng nhưng khi sử dụng cần hết sức thận trọng nếu không muốn xuống Bạch Mai cấp cứu về nạn ngộ độc thực phẩm.

Các nhà văn Mỹ thường chiếm ưu thế thượng phong trong việc sản xuất ra những cẩm nang nghĩa là những thủ thuật những mẹo hữu hiệu.

John Kiss cũng không nằm ngoài thông lệ. Cuốn Để được yêu của ông mau chóng trở thành một bét-xelơ. Không biết bao nhiêu cặp tình nhân, những cặp vợ chồng đã hàm ơn ông – Thư của các fan gửi tới nặng hàng tạ tây.

Cái phiền hà nhất của các ông bà mối là sẽ có lúc phải mai mối cho chính mình.

Như một nhà văn tự trọng, Kiss bắt bồ một cô gái chân rất dài và mắt xanh mỏ đỏ rất Kpop.

Không biết vì quá hưng phấn quên lời sách dạy hay vì mỹ nhân bỗng lên cơn hâm pha điên mà khi nhà văn cúi xuống hôn, nàng liền tặng chàng một cái tát nẩy đom đóm mắt. Bị một cái tát đẹp chẳng phải một sự cố gì đáng nghiêm trọng.

Nhưng không phải chỉ ở Việt Nam, mà ở Mỹ, mà trên toàn cầu, đám văn sĩ nghệ sĩ bất kể tài năng họ như thế nào, đa phần đều nổi tiếng về lòng đố kỵ.

Khắp các báo đều “buôn” chuyện cái tát và nhân tiện mạt sát Kiss là nói láo.

Việc phê bình có cơ biến thành một cuộc chửi hội đồng quá ầm ĩ làm kinh động không khí thiền mặc của một nhà bác học top ten thế kỷ XX.

Ông thanh tra tác phẩm và chứng minh rằng Kiss nói không sai, chỉ không đầy đủ.

Ông là Godel, cha đẻ lẫy lừng của nguyên lý bất toàn có thể diễn nôm là nguyên lý về tính không đầy đủ của mọi hệ kiến giải (principe d’incomplétude).

Nó được coi là một nguyên lý khoa học có tầm quân trọng hàng đầu trong tự trào hiện đại thế giới.

Vì hai lý do. Thứ nhất vì nó khái quát được bi kịch của con người với tư cách là sinh vật tư duy: xã hội không có định nghĩa (kiến thức tính đến cùng chỉ là một chuỗi những định nghĩa) thì không phát triển được nhưng đó cũng là khởi điểm của những rắc rối vì mọi định nghĩa đều không đầy đủ.

Thứ hai vì nó là cơ sở khoa học đáng tin cậy nhất cho một nền văn hóa mới; nhân bản của đối thoại và lòng bao dung.

Nhà thơ Lê Đạt

MỚI - NÓNG