Một bé gái Việt Nam 12 tuổi đoạt giải “Thơ vì hòa bình” quốc tế

Một bé gái Việt Nam 12 tuổi đoạt giải “Thơ vì hòa bình” quốc tế
Xúc cảm từ cuộc chiến tranh Iraq và 15 phút ngẫu hứng, bài thơ Chén bạc đã ra đời và được gửi dự thi ... cho vui, nào ngờ đoạt giải.

Chuyện có thật từ năm 2004. Một nữ sinh lớp 6 (12 tuổi) vô tình lang thang trên Internet, bắt gặp lời mời của cuộc thi thơ (về đề tài hòa bình) dành cho người không chuyên do Hội thơ văn quốc tế (Mỹ) tổ chức. Xúc cảm từ một đoạn phim truyền hình thời sự về cuộc chiến đẫm máu ở Irắc, em đã hoàn tất 1 bài thơ ngắn trong vòng…15 phút và gửi đi dự thi với mục đích… cho vui. Không ngờ, bài thơ ấy lại vượt lên trên hơn 1.000 bài thơ của các tác giả khắp nơi trên thế giới. Và những điều kỳ lạ, buồn vui đến với em sau giải “Thơ vì Hoà bình” (Poem for Peace)…

Ngẫu hứng... tài năng

Em tên Hoàng Lê Quỳnh Như (sinh 20/1/1992) là con của một gia đình trí thức có ba mẹ là cán bộ giỏi về chuyên khoa, đang công tác tại hai bệnh viện nổi tiếng tại TPHCM. Năm 2004, lúc còn là học sinh lớp 6 trường Lương Định Của (nay đã chuyển sang trường Anh ngữ Quốc tế - British Intrenational School, học lớp 7), Như đã tình cờ lướt trên Internet và vào trang web của Hiệp hội những nhà thơ quốc tế (số1 Poetry Plaza – Owings Mills, MD 21117, Mỹ. Điện thoại: 410 356 2000), địa chỉ: http//www.poem.com (hoặc www.poetry.com). Tại đây em đã phát hiện Hiệp hội này đang phát động cuộc thi thơ với đề tài Hoà bình, dành cho các nhà thơ không chuyên khắp nơi trên thế giới (Free Poetry Contest).

  • Bài thơ The world (Thế giới) - đoạt giải “Chén bạc” với phần thưởng trị giá 20.000 USD nhưng số tiền này chuyển vào quỹ… UNICEF

  • 2 nhà xuất bản danh tiếng của Mỹ ký hợp đồng in tập thơ và đĩa CD

Như nhớ lại: “Khi ấy, em mới xem xong đoạn phim thời sự thế giới của đài truyền hình thành phố –HTV9 phát vào tối hôm trước, về cuộc chiến ở Irắc. Các bạn cùng lứa với mình, có cả những người nhỏ tuổi, chỉ bằng tuổi em trai của mình đã phải đổ gục xuống vì trúng đạn. Rồi máu đổ, những đôi mắt to nhìn thẳng vào em như muốn nói lên điều gì đó…Tất cả chỉ có thế và em đã viết…”.

Quả thật, với những gì mà đoạn phim thời sự ấy để lại cho một em bé 12 tuổi như Như, là một ấn tượng khó phai giống như hình ảnh cuộc chiến tranh Việt Nam ngày nào mà em được học và được nghe ba kể lại. Những cảm xúc đã bộc trào: “The world we live. The world for peace. The world not include war. The world for children. For people, for everyone. The world we call “ Greenpeace”. The world for volunteer. The world for warm heart. The world for poor people to live. The world that no one outrun. The world no gun. We leave the gun. We take the poor people in our life. We accept the AIDS people. We look after them. We do not leave them alone. The world of right people. EARTH !”

Tạm dịch: "Thế giới chúng ta sống. Thế giới dành cho hòa bình. Thế giới không có chiến tranh. Thế giới dành cho trẻ em. Cho mọi người, cho nhân loại. Thế giới chúng ta gọi “Hoà Bình xanh”. Thế giới dành cho những người tình nguyện. Thế giới dành cho những trái tim nồng ấm. Thế giới dành cho người nghèo được sống. Thế giới không ai phải trốn chạy. Thế giới không súng đạn. Chúng ta giã từ vũ khí. Chúng ta đưa những người nghèo đến sống cùng. Chúng ta tiếp nhận người bệnh AIDS. Chúng ta chăm sóc họ. Chúng ta không để họ một mình. Thế giới của những người chính nghĩa. Trái đất này!”.

Hoàng Lê Quỳnh Như còn tiết lộ thêm về nguyên nhân mà em đã “lạc bước” vào trang web trên: “Khi còn học ở trường Lương Định Của, em được cô hướng dẫn học thơ, cách làm thơ. Quả nhiên thơ có sức hút kỳ lạ và về nhà ngay trong ngày hôm đó, em đã vào Internet để lùng sục những trang thông tin về thơ để tham khảo. Khi phát hiện trang web phát động cuộc thi trên, em cũng không tìm ra thông tin nào nhiều hơn về cuộc thi, nhưng em cảm thấy muốn viết ra điều gì đó mà mình đã chứng kiến trước đó…”.

Thế nhưng, chỉ trong cái “tích tắc” ấy, để “bày tỏ” cảm xúc của mình, cô bé Như đã làm không những người thân trong gia đình phải bất ngờ mà còn thuyết phục được một Hội đồng thi gồm các giáo sư tiến sĩ của Hiệp Hội nhà thơ quốc tế và cả ông chủ khảo - Tiến sĩ Len Roberts, Giám đốc Chương trình Giáo dục, người đưa ra tiêu chí chấm giải rất khắt khe (6 mục về vần điệu, cấu tứ,…)  phải chọn bài “Thế Giới” của Quỳnh Như trong hơn 1.000 bài thơ của các tác giả khắp nơi trên thế giới gửi về dự cuộc thi năm 2004, đoạt giải nhất, cúp Chén bạc (trị giá 200 USD) và phần thưởng tiền mặt 20.000 USD, trong tổng số tiền thưởng 74.000USD/36 giải.

Tuy nhiên câu chuyện này, theo Quỳnh Như là rất “lạ lùng”. Vì thế em đã giữ “bí mật” không cho gia đình biết cho đến một ngày cuối tháng 7/2004, gia đình nhận được một lá thư gửi từ Hiệp hội, với nội dung mời đích danh “Nhu Le Hoang” (tên đăng ký dự thi của Hoàng Lê Quỳnh Như – PV) sang Mỹ dự lễ công bố và phát giải diễn ra từ ngày 13 đến 15/8/2004 tại Khách sạn Marriott Dowtown (1201, Philadelphia-Pennsylvania 19107). Lá thư còn nêu rõ “mọi chi phí đi lại, ăn ở đều do ban tổ chức đài thọ…

Trong ngày 13/8/2004, Quỳnh Như sẽ đại diện cho những người đoạt giải lên giới thiệu về bản thân và đọc bài thơ Thế Giới trước toàn thể hội nghị. Sự kiện này sẽ được các hãng thông tấn, báo chí nổi tiếng của Mỹ tường thuật chi tiết. Chân dung người đoạt giải thưởng cao cùng bài thơ sẽ được in thành tập thơ và đưa lên mạng”.

Trước bất ngờ này, mẹ của Quỳnh Như, chị Lê Đỗ Thị Lan, Phó Trưởng khoa mắt nhi, Bệnh viện Mắt TPHCM, đã không tin điều ấy là sự thật: “Quả thật lúc ấy, chuyện xảy ra quá bất ngờ và tôi cùng gia đình vẫn không tin nên đã vào trang web trên để hỏi ban tổ chức. Cho đến khi họ gửi thư về nhà lần thứ II, xác nhận chính xác việc này tôi mới tin đó là sự thật”. Niềm vui đến với cô bé Hoàng Lê Quỳnh Như và gia đình như một câu chuyện cổ tích mà em đã từng đam mê qua lời kể của nhà văn Nguyễn Nhật  Ánh…

Chị Lan cho biết, ở nhà Quỳnh Như là chị cả, sau Như còn một em trai. Từ tuổi ấu thơ cho đến nay, cả ở nhà và ở trường Quỳnh Như vẫn chưa bộc lộ được năng khiếu gì xuất sắc. Vẫn là đứa trẻ tư duy bình thường, như bạn bè cùng trang lứa, sách, truyện tranh thường gối đầu giường.

Tuy nhiên, Quỳnh Như lại có năng khiếu học văn trội hơn các môn khác. Những bài thi về môn văn của em luôn đạt điểm 9 hay 9,5. Có xu hướng sống nội tâm, ít nói. Thích thơ của chú Trần Đăng Khoa nhưng lại sưu tầm thơ của tác giả nước ngoài.

Chuyện làm thơ của bé Như chưa một lần nào gia đình được nhìn thấy hoặc tận mắt chứng kiến. Duy nhất có một lần em đã diễn tả cảm xúc quá đau khổ khi chứng kiến người ông luôn gần gũi với mình, giờ đã đi xa: “Ngày ông đi. Trời lất phất mưa. Nhớ lại ngày ấy. Tôi cùng ông. Đưa bà…. Cũng ngày này. Trời mưa. Tôi đưa ông. Mưa sao buồn quá. Cứ mưa. Mưa mãi… Ông đã về với đất. Về với bà. Ông đi rồi. Ông ơi, ngủ nhé!”. Bài thơ này em sáng tác từ năm lên 6 tuổi và đến bây giờ, em mới kể cho cả nhà nghe. Vì vậy, chuyện Như được đoạt giải bằng một bài thơ tiếng Anh cả nhà đều hoàn toàn không thể …tin nổi. Có lẽ vì Như thích “giấu riêng cho mình”, nên những gì cô bé làm được đều không “tâm sự” cùng ai. Em có tinh thần tự lập.

Theo chị Lan, có lẽ do ảnh hưởng từ môi trường giáo dục. Vì từ năm em lên 6 tuổi gia đình đã đưa em đi học ở trường quốc tế không thể sang Mỹ nhận phải vào năm 2004 theo lời mời của BTC, phải đầu năm 2005 em mới lên đường. Trước ngày đi, em cũng không tiết lộ gì cho cô giáo và bạn bè. Cho đến khi, mẹ đến xin cô giáo nghỉ học để đi Mỹ lúc đó cả trường mới biết.

Còn nữa, trước giờ bay, ba ra tận sân bay tiễn Như và dặn: “Con nên ghi ra giấy nội dung mà con phải đọc trên diễn đàn hội nghị. Phải viết thật kỹ vì người ta chỉ cho con 3 phút!”. Như khoát tay, nói: “ Ba khỏi lo, chuyện nhỏ”. Cái “chuyện nhỏ” của Như cũng đã làm chị Lan thật sự lo lắng vì trước diễn đàn Hội nghị gần 2000 người mà Như là một trong thành phần trẻ con ít ỏi được tham dự. Nỗi lo của chị Lan là không thừa.

Mỗi năm, Hội nghị công bố giải thưởng được Hiệp hội tổ chức tại các bang khác nhau. Hội nghị không chỉ phát giải mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi về thơ. Chương trình thường kéo dài ba ngày và rất đông khách (trung bình gần 2000 người tham gia hội nghị/năm), họ là những người đam mê thơ từ khắp nơi trên thế giới… Nhiều em thiếu nhi được gia đình dắt đi. Hội nghị này đã được tổ chức từ 15 năm nay. Việt kiều ở Mỹ tham gia rất đông.

Hội nghị mùa Xuân năm nay diễn ra tại Khu nghỉ mát Codornado Spring ở Orlando, bang Florida, riêng chi phí ăn ở trong ba ngày tại khu nghỉ mát này, trung bình mỗi người phải trả 500 USD. Thế nhưng những người mê thơ vẫn đến. Trong nhóm này có ông Phương Trần, Việt kiều đã mang theo hơn 50 bài thơ ông làm và tổ chức hội thảo nhỏ (workshop) cho các bạn trẻ. Còn cô Jessica, ở Newjersy, 20 tuổi, thì nói với mẹ của bé Như: “Tôi đã làm được 4 bài thơ và gửi dự thi nhưng chẳng được giải nào cả. Nhưng vẫn thích đến”. Việc Quỳnh Như được giải thưởng là điều đáng tự hào. Ông Steven Michael, Chủ tịch Hội nghị, nói với chị Lan: “Lần đầu tiên có một người từ Việt Nam tham dự cuộc thi và bất ngờ đây lại là một cô bé. Chúng tôi đã không thể tin vì lý do này mà chúng tôi cố gắng mời được tác giả sang đây”…

Không chỉ thể hiện một cái nhìn nhận của “người lớn” về đề tài chiến tranh, mà Như còn thể hiện tinh thần của một cô bé, đến từ một quốc gia đã từng gánh chịu bom đạn và chất độc màu da cam. Trong 3 phút, không cần cầm giấy đọc nhưng Như đã thuyết phục và làm xúc động toàn Hội nghị bằng lời lẽ súc tích, trôi chảy, diễn đạt bằng tiếng Anh: “Tôi là Như, đến từ Việt Nam. Tôi đã sáng tác bài thơ Thế giới trong một dịp phải chứng kiến từ truyền hình về cuộc chiến tranh tại đất nước Irắc. Nơi có những bạn bè đồng lứa với tôi phải ngã xuống… Sau đây là bài thơ Thế giới…”. Chị Lan đã khóc cho sự trưởng thành của con mình. Toàn thể Hội nghị ấy đã vỗ tay tán dương tác giả bài thơ Thế giới.

Hiện tại một nhà xuất bản đã chọn bài thơ Thế giới của Hoàng Lê Quỳnh Như in đầu tiên và trang trọng trong tập thơ “Chạm tới ngày mai” (Touch of Tommorow) gồm 224 bài thơ xuất sắc được chọn lọc trong cuộc thi năm 2004. Trong năm nay, bài thơ “Thế giới” cùng với 32 bài thơ của 32 tác giả nổi tiếng sẽ được nhà xuất bản Deluxe Hardbound tung ra, cùng chủ đề “Âm điệu của thơ” (The Sound of Poetry). Với bản hợp đồng có giá trị trong 20 năm này, Như sẽ nhận được khoản tiền mỗi năm ít nhất 1.000 USD – 2.000 USD. Và Như có thể được thêm 30% tiền tác quyền/năm trên tổng doanh thu, nếu Deluxe Hardbound in thêm ấn bản để bán.

Thế nhưng số tiền 20.000 USD sẽ không bao giờ đến tay Như được. Vì em không có mặt trong Hội nghị trao giải vào năm 2004 nên Ban tổ chức chuyển vào quỹ UNICEF của Liên Hiệp Quốc. Chuyện này đồng nghĩa với việc Như chẳng bao giờ được thỏa nguyện đóng góp vào quỹ giúp trẻ em nghèo. Vì sao Như không được đi dự lễ trao giải đúng hẹn là cả một câu chuyện dài của “người lớn” mà chúng tôi sẽ trở lại trong một dịp thích hợp.

MỚI - NÓNG