Múa khó sống

Múa khó sống
TP - Không xô bồ, thời nào múa cũng có những tên, những vẻ đẹp để nhớ. Tiền Phong trao đổi với Nhà giáo Ưu tú Vũ Dương Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường.
Múa khó sống ảnh 1
Giảng viên Nguyễn Kim Oanh dạy học viên khóa 23B hệ bốn năm động tác múa Ảnh: Hồng Vĩnh

Xin ông cho biết về Trường Cao đẳng Múa hiện nay?

Trường đào tạo 62 khóa hệ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp chính quy và hàng chục khóa bồi dưỡng với gần 3.000 diễn viên, biên đạo, huấn luyện và cán bộ nghệ thuật múa cung cấp cho hầu hết nhà hát, đoàn ca múa nhạc và đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Hiện, 65 phần trăm trong số nguồn học sinh là từ nông thôn, miền núi, 35 phần trăm còn lại xuất thân thành thị.

Có năm, sinh viên Hà Nội chiếm số lượng đông, nhưng những em đạt điểm cao lại không phải ở Hà Nội. Chất lượng đầu vào của học sinh cũng chưa cao, dù học sinh múa rất được ưu ái: Tiền thanh sắc 44.000 đồng/tháng, phát quần áo, giày tập, học phí 50.000 đồng/tháng. Chúng tôi hạ điểm chuẩn dần dần.

Nguồn học sinh như vậy khó sản sinh diễn viên tài năng?

Nhiều khi thầy dạy hết giờ ban ngày còn dạy thêm buổi tối, tức là làm mọi cách cho chất lượng lớp mình tốt hơn. Mấy năm gần đây có Ly Ly, Quỳnh Lan, Minh Thu, Cao Chí Thành, Tuyết Minh… đều giỏi nhưng hình thể chưa chuẩn. Họ đều đang giảng dạy, trừ Cao Chí Thành làm diễn viên.

NSND Doãn Hoàng Giang bảo sân khấu kịch rất hiếm người đẹp. Múa thì sao?

Trước, khen nhiều hơn chê. Hiện học sinh trường múa tỷ lệ xấu cao. Có em từ nông thôn lúc vào trường rất đẹp, sau mấy năm lại béo ra. Đã béo thì hạn chế chiều cao, trong khi múa cần người thanh mảnh. Vì vậy, chúng tôi rút kinh nghiệm trong tuyển học sinh hệ dài hạn - học sinh đã học hết lớp 6.

Lứa này bấp bênh lắm, ban đầu người đẹp, vài ba năm sau lại phát triển chiều ngang. Chúng tôi tăng cường hệ ngắn hạn đào tạo diễn viên múa dân gian dân tộc, với lứa tuổi 15- 16, qua các tiêu chí chiều cao, mặt, da… xem có phù hợp múa không, có năng khiếu hay không.

Múa khó sống ảnh 2
Nhà giáo Ưu tú Vũ Dương Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam

Như ông nói, lượng diễn viên ballet tương lai sẽ ít?

Quá ít. Chỉ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Nhà hát Giao hưởng Thính phòng TPHCM mới cần nghệ sỹ ballet. Ba năm gần đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dựng nhiều vở hơn - đó là tín hiệu đáng mừng cho các học sinh đang theo ballet.

Tuy nhiên, học ballet vất vả hơn múa dân gian nhiều. Ra trường phải tập nặng nề, bồi dưỡng ít, nhiều em không đủ sống, làm đủ thứ, dạy thêm, diễn ngoài, bán hàng thuê… Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam khai thác không hết công suất của Cao Chí Thành nên thi thoảng chúng tôi mời Thành về dạy.

Múa mờ nhạt thì anh nhầm

Nhìn lại 50 năm thành lập, Trường Múa có những trở ngại gì?

Kinh phí trường eo hẹp nên mời chuyên gia nước ngoài hay cho giáo viên du học đều không nhiều. Trong số giáo viên trẻ mới chỉ một người học ở nước ngoài về, còn học trong nước thì chưa nói được gì. Chúng tôi có mở một vài lớp ở ngoài nhằm tăng nguồn thu nhưng không đáng kể.

Trường có sân khấu nhưng không dùng được, trần nhà sát sân khấu đến mức đèn không thể chiếu sáng hiệu quả cho sàn diễn. Trước kia, Đỗ Hải Yến (đóng phim Người Mỹ trầm lặng, Chuyện của Pao…) bị một mảng tường rơi xuống đầu.

Đời sống nghệ thuật múa Việt Nam đang mờ nhạt?

Múa mờ nhạt thì anh nhầm. Lễ hội nào chả có múa. Sân khấu ca nhạc cũng không thể thiếu múa. Chúng tôi sợ rằng biểu diễn ngoài nhiều quá sẽ ảnh hưởng việc học tập của học sinh. Còn, nếu không, đầy hợp đồng.

Ea Sola Thủy (biên đạo múa Việt kiều ở Pháp - nổi tiếng với các vở Hạn hán và cơn mưa, Thế đấy thế đấy…) nói Việt Nam không có múa?

Dân tộc nào ở Việt Nam cũng có múa. Người Việt có múa trong quan họ, trống cơm, múa tay không, múa quạt… Nhưng để có một loại múa tiêu biểu mà nhìn vào biết ngay là của Việt Nam thì chưa. Lê Vũ Long cũng nói học múa hiện đại không cần học ballet. Long cũng chứng minh được.

Cảm ơn ông.

Trường Múa Việt Nam thành lập ngày 25/10/1959 tại Hà Nội. Năm 2001, được nâng cấp thành Cao đẳng Múa Việt Nam, với các khoa: múa dân tộc, múa nước ngoài và âm nhạc, văn hóa và kiến thức cơ bản. Trải qua 50 năm, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo cán bộ, diễn viên múa chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Trường có chức năng đào tạo và bồi dưỡng diễn viên có trình độ cao đẳng và thấp hơn về nghệ thuật múa dân gian - dân tộc truyền thống đồng thời tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật múa thế giới làm phong phú thêm sự phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam.

Trường quan hệ hợp tác đào tạo với Trường Trung học Nghệ thuật Huế, Trường Trung học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, Học viện Múa Leningrad, Học viện Múa Lyon, Trường Múa Quảng Đông...

Cao đẳng Múa Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba (1979), Hạng Hai (1989), Hạng Nhất (1994) và Huân chương Độc lập Hạng Ba (2004) do những công lao đóng góp qua từng thời kỳ. Trường có hơn 40 giáo viên cơ hữu và hơn 100 giáo viên thỉnh giảng. Tại cơ sở liên kết với trường nghệ thuật Lào Cai (TP Lào Cai), có hai khóa múa trung cấp và một lớp cao đẳng huấn luyện với hơn 40 học sinh.

MỚI - NÓNG