Mưa lá tre

Minh họa: Tuấn Tú.
Minh họa: Tuấn Tú.
TP - Chị ấy không buồn hỏi tôi từ đâu đến và đến đây để làm gì. Đã một tuần trôi qua, sự hiện diện của tôi trong ngôi nhà này cũng có chừng đó. Cứ ngày ba bữa chị nấu cơm dọn lên mâm rồi mời cậu và tôi vào ăn.

Hôm nay tôi ngồi ngoài ngõ, không thấy tôi vào ăn cơm, chị ra gọi tôi. Tôi lơ đễnh quay sang hỏi. Ăn cơm ư? Chị “vầng” một tiếng rồi lại đi vào. Tôi chưa thấy đói nên ngồi nán lại nhìn đám ngô bên cái ao. Đám ngô gần nước xanh mướt, hoa nó thơm ngậy cả một vùng. Phấn ngô rơi xuống mặt ao tạo nên mặt nước vàng đúng điệu. Cậu vào ăn cơm, thầy đợi. Chị ra mời tôi thêm lần nữa, tôi đứng nhìn chăm chú vào gương mặt phảng phất chút buồn. Trong bữa cơm, tôi hỏi cậu.

- Con không thấy chị Vân ăn cơm?

- Nó ăn ít lắm, có khi bỏ bữa.

- Thế làm sao sống nổi?

- Vẫn sống đấy thôi. Ăn gì cho lắm, phởn người.

Chỉ có bấy nhiêu, suốt bữa cơm cậu cặm cụi ăn no rồi bỏ bát nhìn tôi.

- Nãy giờ anh không ăn?

Tôi chép miệng.

- Ngày mai con về.

- Anh không ở chơi thêm mấy bữa, nhà vắng người buồn.

- Chị Vân đẹp quá cậu nhỉ.

Cậu lặng lẽ nhìn tôi rồi mang ấm chè ra gốc tre ngồi. Ở đó có mấy cục xi măng chết vưa được lướt đá hoa, ngồi ở đấy gió mát, cảnh đẹp nhưng vẫn buồn lắm. Nhìn xa xa có cánh đồng lúa, hòn núi đục mờ sương, cây xà cừ thỉnh thoảng trảy lá vàng xuống mặt nước. Tôi vào nhà trong, chỗ chị Vân hay rửa bát. Tôi thấy chị Vân ngồi ăn trái ngô. Tôi nhìn chị, như kiểu cầu mong chị nói với tôi một vài chuyện chứ không chỉ cái câu quen thuộc khi mời tôi vào xơi cơm. Nhưng không hề, đôi mắt chị vô cảm, chị ăn ngô mà như người ta đánh liều lội qua sông trong mùa nước lớn. Làn môi đỏ chót rất đẹp khi đằn lên bắp ngô. Và đôi mắt chị sâu vời vợi. Tôi lặng lẽ nhìn và khát vọng. Có cả sự xót xa và thắc mắc. Tôi hỏi chị.

- Tôi ít thấy chị đi ra ngoài.

- Vầng.

- Chợ chị cũng không đi?

- Vầng.

- Sao thế, chị để cậu đi chợ mãi vậy?

- Vầng.

- Chị là đàn bà...

Không trả lời tôi, chị đi ra bồn nước rửa bát. Đôi tay trắng nõn nà, trên hai tay có đôi cặp vòng vàng. Ở chân chị còn đeo sợi dây có lục lạc vàng to tướng. Dưới làn nước, đôi tay chị càng trở nên lấp lánh. Tôi đến vòng tay ôm chị từ sau lưng, đôi tay chị ngừng lại, chị đứng lặng im, giọt nước mắt rớt xuống. Cậu trông thấy chúng tôi liền lắc đầu rồi đi lặng lẽ ra phía cánh đồng, mãi tối không thấy cậu về. Chị lại dọn cơm lên mời tôi ăn.

- Cậu tôi đâu?

- Tôi sẽ mang cơm cho thầy.

- Cậu không về sao?

- Vầng.

Chị gói cơm và lặng lẽ đi. Tôi ngồi một mình trong căn nhà vắng. Ánh đèn tù mù, phía cái chuồng trâu tre kiền vào nhau kèn kẹt. Tôi còn nhớ đó là chỗ ngủ của bà, một cái giường hôi hám với cái màn muỗi vá chằng chịt. Đêm xuống muỗi và bò ho bay vi vu, lần đầu tiên nghe âm thanh ấy tôi đã không ngủ nổi. Giờ đây vắng muỗi, bà cũng đã ra ở ngoài đồng dưới ba tấc đất lặng lẽ. Mấy người con trai cậu ra nước ngoài, chỉ còn cậu ở nhà với chị Vân. Chị ấy là con dâu của cậu.

Trời tối mịt mù, tôi ngồi dưới gốc tre châm điếu thuốc, bà Chiểu đi qua quát tôi làm người mà hóa ma. Tôi không nói gì. Bà nói tiếp, có thêm con đực về làng rồi thì loạn lên. Tôi nhíu mày không hiểu, nhưng rõ ràng mấy ngày qua tôi không thấy người đàn ông ở đây. Ngoài Trường ra, Trường cao chừng mét rưỡi, râu quai nón, người còm nhom hay đi xe đạp. Mấy hôm Trường lấy xe ra khỏi nhà là vợ rầy la inh ỏi. Đi làm con đực cho nát bét mả nhà mày, đi mà mang sida về nhá.

Chị Vân về, chị đi lững thững, trên tay cầm vài trái bí ngô nhỏ bằng nắm tay nhưng đã già bóng. Tôi đón lấy mấy quả bí ngô rồi nhìn chị. Trông vẻ mặt chị có chút đổi thay. Cậu Sâm đâu? Tôi hỏi, chị vẫn lặng im. Đến đoạn rửa chân ở bể nước chị mới nói với tôi. Thầy ở ngoài đồng với bà Chiểu. Tôi nhíu mày, không phải chứ? Bà Chiểu làm dâu họ ta. Chị lại lên tiếng “vầng”.

Hôm sau cậu Sâm về. Nhìn cậu có vẻ nhọc nên tôi lánh đi. Lúc sau, cậu đi rửa chân xong rồi cho chị Vân ra gọi tôi vào nhà.

- Ngồi ở đấy.

Cậu rót rượu ra ly.

- Mai tôi chở anh lên thành phố đón xe.

- Con chưa muốn về.

Cậu đưa ly rượu đánh ực, tôi liều mạng.

- Chẳng lẽ cả đời này cứ để chị Vân sống thế?

- Con trai tôi đã chết đâu.

- Nhưng khi nào thì anh ấy về?

- Đấy không phải là chuyện của anh.

- Con sẽ ở lại đây.

Cậu nghiêng mặt nhìn tôi.

- Bao lâu?

- Hết mùa lá tre rụng.

- Thôi được.

Cậu miễn cưởng chấp nhận. Uống thêm vài ly rượu nữa, cậu đi ngủ. Chị Vân ra bể nước giặt quần áo, tôi đi theo sau.

- Cậu về đi.

- Chị đuổi tôi ư?

- Cậu ở đây tôi khổ lắm!

Tôi rúc tay xuống đám bọt xà phòng nắm lấy đôi tay chị. Từ nhà trong, tiếng đằng hắng của cậu vọng ra, tôi biết đó là sự cảnh giới. Cứ mặc kệ, đằng nào thì cậu cũng chẳng giết tôi được. Hai bàn tay nằm trong bọt xà phòng trơn nhẫy, tôi cố nắm chặt vì mấy lần chị Vân có ý rụt nó ra. Tôi ghé sát đầu mình vào chị Vân rồi nói khẽ khàng.

- Vân đi với tôi nhé?

- Đi đâu?

- Bất cứ đâu.

- Cậu có họ với nhà chồng tôi đấy.

- Nhưng tôi muốn mang chị đi.

- Vầng.

Chị Vân gói ghém vài thứ đồ đạc vào một cái túi nhỏ. Khuya thức dậy đi vệ sinh, cậu nhìn thấy nhưng chẳng hỏi gì. Cậu chỉ dặn chị Vân mai ở nhà nấu cơm, trưa cậu đi làm đồng về ăn. Cậu là người háu đói, về mà không có cơm là cậu vã mồ hôi nằm vật ra giường.

Chị Vân lấy đồ bỏ vào ngăn tủ. Tôi đứng lặng im, thất vọng. Tôi lấy chiếc xe đạp trong nhà cậu rồi đi ra ngõ, chị Vân hỏi với theo.

- Cậu đi đâu đấy?

- Tôi đạp xe đi quanh xóm.

- Đừng làm thế.

- Tại sao?

- Người ta nghĩ cậu là con đực đấy.

Tôi dắt xe trở vào rồi lấy cuốn sách ra ngồi gốc tre, lá tre trút lên đầu xao xác. Tôi đưa tay sờ lên tóc, những lá tre mới rụng đã khô trơ. Cái xóm Thủ này đàn ông đi lao động ở nước ngoài hết, chỉ để lại đàn bà. Trường cũng đi xuất khẩu lao động nhưng hay bị sốt rét vì không chịu nước nên trở về. Một thằng đàn ông yếu ớt nhưng lại là sự khát khao của đám đàn bà ở xóm Thủ. Tối Trường dắt xe ra và ghé bất cứ nhà nào mà anh ta thích và ở lại luôn đấy. Trường nằm trên chiếu chăn của những người đàn ông đi xa. Khi trở về nhà Trường mang một vài thứ linh tinh như bột ngọt, cà chua rồi trứng gà. Đôi lúc có bánh gạo từ mấy người đàn bà trong xóm. Vợ Trường khi chồng đi thì chửi be bét nhưng khi nhận quà về thì cười nói rổn rảng. Làm đực thì có cái để ăn như này, chứ làm không tội gì rót xương trút tủy cho chúng nó hút. Chồng chúng nó lại phởn bên trời Phi.

- Chồng tôi đã ngủ với một người đàn bà gốc Phi. Chị Vân nói với tôi, giọng trầm.

- Ai nói với chị như thế.

Chị Vân bặm môi, lần đầu tiên tôi thấy chị có xúc cảm.

- Trường nói, Trường trước qua đó làm phụ hồ cho chồng tôi. Chồng cặp với nó mấy bữa thì chia tay. Đàn ông ta không đáp ứng được với nhu cầu của họ.

- Chị định ở mãi như vậy?

- Vầng.

- Để làm gì?

- Nấu cơm cho thầy ăn.

- Để thầy chị đi ngủ với bà Chiểu ngoài đồng? Sao chị sống được như thế?

- Tôi không biết, anh ấy gửi về cho tôi rất nhiều tiền và dặn tôi trông thầy.

- Chị thỏa mãn với thứ đó?

- Tôi đã đưa hết cho thầy.

- Tôi thấy chị hay ăn canh lá răm, cơm cá thì ít.

- Thầy bảo làm thế.

- Để làm gì?

- Để khỏi phởn, thầy sợ lúc thầy đi vắng thằng Trường ghé sang.

Tôi lặng nhìn bụi tre, nó đã trút lá hơn phân nửa. Những bông tre lộ ra chùm hoa bé, chúng kết lại dày đặc. Tôi ngắt một chùm hoa tre đưa cho chị Vân.

- Chị sờ đi.

Chị Vân đưa tay sờ nhẹ lên chùm hoa tre trắng xanh lẫn lộn.

- Tội nghiệp quá! Hoa mà khô khan như nhựa.

- Khi trổ hết hoa cây tre sẽ chết hàng loạt.

- Vì sao?

- Tre trút hết sức mình.

- Vào hoa ư?

- Đúng thế.

- Nhưng hoa đâu có thơm, đâu có sống.

- Chị đi cùng tôi đi, ở đây rồi chị sẽ chết mất thôi.

- Không.

- Vì sao?

- Tôi ở đây để lo cho thầy, thầy sắp có chuyện đấy.

- Chuyện gì?

- Tôi không biết, nhưng theo xưa, tre nhà ai trổ hoa người ấy chết cậu à.

Tôi xiết lấy bàn tay chị Vân, môi chị run run. Chị khóc, mắt tôi năn nỉ nhưng chị dựt tay ra khỏi tay tôi.

*   *

*

Cậu chết, các con của cậu về hết riêng chồng chị Vân không trở về. Anh chỉ nhờ gửi tiền về lo tang ma cho cậu, người giúp anh gởi tiền tên là Julia.

Xong tang ma ba ngày, khăn trắng bỏ xuống bàn thờ cậu. Qua tuần thì con cậu mua vé máy bay ra nước ngoài. Trong nhà giờ chỉ còn chị Vân, tôi ở lại thêm một thời gian. Bà Chiểu sang thắp nhang cho cậu nhưng thực chất là để răn chị Vân.

- Đàn bà đã có chồng thì lo thờ chồng. Ở đấy mà cơm quảy cho thầy, đừng nghe giai làm điều bậy bạ.

- Vầng.

Lá tre trút mùa cuối cùng lên đầu tôi. Đêm trăng sáng, có thể ngước nhìn những cành tre chỏng chơ không còn lá nữa. Hoa của chúng giờ đã khô cứng. Cây tre chết đứng trước thềm nhà. Tôi ngồi lặng lẽ, chị Vân ngồi kế bên không nói gì. Tôi víu tay chị Vân đặt vào ngực tôi, chị Vân để bàn tay nằm yên ở đấy.

- Nhà có tiền đấy, có vàng đấy cậu có cần không?

- Tôi cần chị.

Chị Vân nhíu mày nhìn tôi.

- Tôi bận nấu cơm và thắp nhang cúng thầy.

Tôi cố nuốt sự uất nghẹn ở cổ rồi nhìn vào mắt chị.

- Chị thấy không? Tôi rất thương chị.

Tôi ôm lấy chị Vân hôn lên môi, đầu tôi cúi vào ngực chị. Chị khóc rồi gỡ bàn tay tôi ra.

- Cậu mất mới chỉ hơn tuần...

Đã đến giờ cúng cơm, chị Vân vào nhà lấy áo quần ra bể tắm để vào thắp nhang cho cậu. Tôi đứng nhìn chị, ánh đèn lấp lóa, tấm thân trần mảnh mai lấp lánh nước. Tôi vào nhà gói hết tư trang. Chị trở vào rồi nói với tôi.

- Mai tôi chở cậu lên thành phố đón xe.

- Tôi tự đi được.

- Vầng.

Tôi hét toáng lên trong căn nhà, quần áo tôi vung lên vương vãi. Tiếng thét khiến chị run sợ.

- Vầng! Vầng! Vầng! Tre đã chết hết rồi đấy. Chị không thể làm tre trút hết lá rồi chết, tôi sẽ chết cùng đấy.

Tôi ôm chặt lấy chị rồi đặt chị xuống trên tấm phản màu nâu. Tay chị run run chống lại, mắt chị nhìn lên bàn thờ. Ở đó chỉ còn đốm lửa nhang nho nhỏ. Chợt gió giông vần vũ, lá tre trút hết xuống đường và theo gió vào phủ lên tấm thân chị.

Mưa lá tre ảnh 1Bằng một góc nhìn rất hẹp và tĩnh - nhân vật “tôi” chỉ quanh quẩn trong căn nhà u ám - nhưng đời sống quái lạ của một ngôi làng bị lột trần. Chỉ với ba nhân vật, trong đó nhân vật “chị” nói rất ít mà những chữ “vầng, vầng” đã chiếm phần lớn - nhưng những xung động nội tâm lại như những luồng gió lốc quẩn quanh tâm bão.

Nhà văn trẻ Hoàng Hải Lâm sống và làm việc tại Quảng Trị.

                L.A.H

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.