Múa tiền tỷ bao giờ kiếm sống?

Múa tiền tỷ bao giờ kiếm sống?
TP - “Ngọn lửa Hà thành”, “Mệnh trời tình đất”, “Chuyện tình non sông” nằm trong số các vở múa được đầu tư công phu, sau đó vô hiệu. Đó là nỗi bức xúc của nhiều nghệ sĩ về thực trạng các vở múa đề tài lịch sử.

> BNHV: Thí sinh đuối sức hay giám khảo khó tính?
> 'Sương sớm' - tục và thoát tục

Múa với đề tài lịch sử, hội thảo của Hội Nghệ sĩ Múa diễn ra trọn ngày 4/4 tại Hà Nội. “Các vở múa lịch sử để cúng cụ chứ chưa thể kiếm cơm được. Để tổ chức một buổi kịch múa, một chương trình múa rất tốn kém nhưng chưa có đầu tư dài hơi. Chờ khán giả mua vé thì hơi hiếm”, nhà nghiên cứu Thái Phiên, Trưởng ban Lý luận Hội nói.

NSƯT Bùi Chí Thanh nhấn mạnh thực trạng nhiều tác phẩm tốt về đề tài lịch sử và cách mạng mờ dần, còn tác phẩm công phu ít được diễn cho đông đảo công chúng.

NSƯT Nguyễn Bá Thái cho rằng, hàng loạt vở kịch múa chi phí bạc tỷ mà chỉ để báo cáo rồi đắp mền: “Chẳng thu về cho quốc gia được một đồng đầu tư ban đầu. Một sự lãng phí, nghịch lý không thể chấp nhận nổi”.

NSND Lê Ngọc Cường, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa kể bên lề hội thảo: có lần lãnh đạo Chính phủ đến Bộ VHTT&DL hỏi, để dựng một tác phẩm múa khoảng bao nhiêu.

“Đương nhiên vô cùng, nhưng với thời giá hiện nay ít ra cần 2 tỷ. Phải tập, ôn, thuê âm thanh ánh sáng, thuê nhà hát, nhiều thứ khác. Diễn “sống” rất khó khăn, chứ nào ai muốn dựng xong rồi xếp kho.

Chưa kể dựng vở cho 10 - 20 người nhưng về các đoàn địa phương, diễn viên ốm đau chỉ diễn với 6, 8 người nên mất hiệu quả”, ông lý giải. Hiện, giải pháp của Hội là ghi hình các vở đạt giải cao, đàm phán để chiếu định kỳ 4 số một tháng trên Đài PTTH Hà Nội.

Về sáng tác, một số người cho rằng không phải cứ dính đến chút lịch sử đã gọi múa lịch sử. Phải có điển hình, có nhân vật, sự kiện trong sử sách. Giới trong nghề còn nhắc Ngọn lửa Hà Tĩnh ra đời những năm 1960, được Giải thưởng Hồ Chí Minh, khái quát một giai đoạn lịch sử- phong trào Xô Viết.

Gần đây, Ngọn lửa Hà Thành thể hiện tinh thần yêu nước của danh tướng Nguyễn Tri Phương, gây tiếng vang dịp đại lễ. Mệnh trời tình đất nói về sứ mệnh của Lý Công Uẩn, hay Bà má miền Nam ca ngợi phụ nữ Việt Nam anh hùng, được dựng mấy chục năm nay.

Đa số vở diễn lịch sử quy mô, chất lượng kể trên đều của nghệ sĩ gạo cội. NSND Lê Huân: “Hội thảo như thế này mà không có biên đạo trẻ. Biên đạo trẻ dựng những bài hát múa về đề tài cách mạng, chả có gì tự dưng bồng bế nhau lên, kiến thức lịch sử hời hợt”.

Một lãnh đạo Hội có ý phân trần rằng các biên đạo trẻ mải theo học các khóa nâng cao, đúng đợt thi nên không thể dự. Nhưng vị này cũng thừa nhận, biên đạo trẻ mải mê làm những thứ thực tế hơn, dù Hội chủ trương ưu tiên cho đám trẻ vì “thế hệ lớn tuổi đã gác kiếm rồi”. Hội muốn mở trại sáng tác cho lớp trẻ, họ ít mặn mà.

Gần đây chương trình Thử thách cùng bước nhảy hoặc vài sô múa đương đại, dân tộc của một nghệ sĩ trẻ thu hút công chúng. Chứng tỏ múa vẫn có khán giả, nhưng các vở múa lịch sử thì sao?

“Đương nhiên nếu đầu tư tốt vẫn có. Đã đến giai đoạn phải có nhiều thước đo, chả ai dại gì mà tư duy cổ hủ. Trước kia không ai dám nói đến chức năng giải trí của nghệ thuật, thực tế đó là chức năng quan trọng. Thời gian qua giới trẻ đi sâu vào giải trí, coi nhẹ chức năng giáo dục cho nên phải điều hòa”, NSND Ngọc Cường nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG