Mùa trăng độc đáo của người xứ Lạng

Đến nơi hò hẹn, giao duyên mùa trăng tròn tháng 8. Ảnh: Duy Chiến.
Đến nơi hò hẹn, giao duyên mùa trăng tròn tháng 8. Ảnh: Duy Chiến.
TP - Dịp cận rằm, người Tày- Nùng ở Lạng Sơn lại náo nức trẩy hội ra phố thị mua bánh nướng, bánh dẻo cúng rằm, biếu bà Tai (bà ngoại) tỏ lòng hiếu lễ. Song sự cuốn hút, sôi động hơn là từng tốp gái trai gặp nhau tâm tình, giao duyên thỏa lòng mong đợi bấy lâu.

Đông vui nhất là sáng sớm ngày 12 tháng Tám âm lịch. Trên những nẻo đường dẫn ra thành phố Lạng Sơn nhộn nhịp bóng áo chàm đến chợ. Công việc đầu tiên của người phụ nữ Tày - Nùng là chọn một góc phố kín đáo để tỉa lông mày, soi gương, làm đẹp. Còn cánh đàn ông vào các quán phở ven đường làm tí cay chờ đợi người thương từ phương xa.

Nhộn nhịp, đông người qua lại là nơi bán bánh nướng, bánh dẻo ở khu Nam Kai, Kỳ Lừa trung tâm thành phố Lạng Sơn. Dù giàu nghèo, nhưng người dân địa phương vẫn mua nhiều bánh Trung thu để bày mâm cỗ cúng tổ tiên và biếu ông bà, cha mẹ. Tục lệ này có từ lâu đời, đến nay chưa mai một.

Bà Lộc Bích Kiệm, nhà nghiên cứu dân gian ở Lạng Sơn cho biết: Ngày xưa chỉ có một loại bánh duy nhất, đặc trưng của người miền núi xứ Lạng mỗi dịp rằm tháng Tám đó là bánh nướng. Người con gái đi làm dâu xa nhà, dịp này mua bánh biếu bà Tai (bà ngoại), thể hiện sự trân trọng, biết ơn bậc sinh thành. Ai được nhiều bánh, người ấy rất vinh dự với xóm trên, làng dưới.

Không ai bảo ai, sau khi lo sắm bánh Trung thu xong, mọi người đều rộn ràng tỏa về Dốc Đồn (phường Hoàng Văn Thụ), hoặc khu vực Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn (phường Chi aaLăng, thành phố Lạng Sơn), uống nước, uống rượu, ăn cơm nắm mang từ nhà đi. Họ chờ đợi nhau để được tỏ bày tình cảm bằng những điệu Sli, Lượn. Dịp này, họ ca ngợi công ơn sinh thành của mẹ cha; ôn lại kỷ niệm tuổi trăng tròn. Vừa say mê vừa luyến tiếc nhưng tự hào khi gặp lại nhau sau những tháng ngày lao động vất vả. Bà Hoàng Thị Pẻn (34 tuổi), dân tộc Nùng đến từ Cao Lâu, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn tâm sự: “Mỗi năm chỉ có đôi ba dịp như thế này. Mong mỏi bao ngày mới gặp lại người xưa nên không thể không hát cho đỡ nhớ”.

Tiếng hát, tiếng trò chuyện rì rầm bên hàng cây, góc phố càng về chiều, càng đông. Họ nối nhau bằng sự giao duyên đầy bản sắc của người miền núi từ ngày này sang ngày khác, đến khi trăng khuyết mới thôi.

MỚI - NÓNG