Múa ứng tác - tự do chuyển động xúc cảm

“Nhật ký không gian” - tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả. Ảnh: Đỗ Huyền
“Nhật ký không gian” - tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả. Ảnh: Đỗ Huyền
TP-  Sân khấu trống trơn. Năm chàng trai chuyển động như đùa nghịch. Lúc giận hờn, lúc xoắn xuýt. Đôi khi đàn, hát và đôi khi... không biết đang làm gì. Đó là múa ứng tác “Nhật ký không gian” của nhóm +84.
“Nhật ký không gian” - tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả. Ảnh: Đỗ Huyền
“Nhật ký không gian” - tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả.
Ảnh: Đỗ Huyền.

Chương trình diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp vào các tối thứ năm của tháng bảy. “Chẳng hiểu đang nói về cái gì nhỉ?”. “Chắc là về sinh viên trong ký túc xá. Thấy có bàn học, đàn ghi ta, mắc áo, bể nước...”. Hai khán giả kế bên thì thào.

“Tuần trước, thấy họ như những người đàn ông trưởng thành với những câu chuyện mệt mỏi. Tuần này lại thấy như những chàng trai mới lớn, rất hồn nhiên, tươi vui”- một khán giả nữ trẻ tuổi nhận xét. “Có phải các bạn đang nói về hiện trạng ở các công sở với những đấu đá, kèn cựa, tranh giành?” - Khán giả trung niên hiếm hoi của chương trình phỏng đoán.

Năm chàng trai của +84 dường như còn bối rối hơn khán giả khi đi tìm câu trả lời về chủ đề thực sự của những chuyển động họ vừa làm trên sân khấu. Bởi, chính họ- 5 người với suy nghĩ khác nhau cũng đang loay hoay đi tìm một câu chuyện chung.

Nhật ký không gian là ý tưởng của Phượng Hoàng và Nguyễn Anh Đức, trưởng nhóm +84. Đức và Hoàng đều là dân múa chuyên nghiệp, từng tu nghiệp ở nước ngoài. Họ quyết định trở thành nghệ sĩ tự do sau một số năm làm việc tại các nhà hát. Ba người còn lại của dự án là Hùng, Tuấn Anh và Thái Sơn đều là giảng viên trường Múa Việt Nam. Thái Sơn còn là diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch VN. Cảm giác tự do trong sáng tạo là điều họ tìm kiếm khi đến với Nhật ký không gian.

Không kịch bản, không dàn dựng, mọi chuyển động đều ngẫu hứng. “Khi múa, chúng tôi cũng hồi hộp như khán giả, hồi hộp vì những cảm xúc bất chợt. Giống như khi ta tình cờ gặp một người nào đó, không ai biết trước được câu chuyện sẽ ra sao, sẽ đi về đâu”- Quách Phượng Hoàng chia sẻ.

“Đó là một cảm giác tự do trong mỗi chuyển động, tự do trong cảm xúc và tư duy. Chúng tôi không xây dựng trước một cốt truyện. Để nghĩ ra một câu chuyện và kể lại nó thì không khó. Đích đến của chúng tôi không phải là một câu chuyện hay, một ý tưởng thú vị mà là liệu có thể cùng nhau xây dựng một ý tưởng chung chỉ thông qua ngôn ngữ của chuyển động hay không? Đến hôm nay, sau ba tuần làm việc, chúng tôi cảm thấy dường như đã tìm được một nhịp bước chung nào đó, dù còn rất mơ hồ”, Anh Đức cho biết.

Tuần đầu tiên, Nhật ký không gian thu hút 12 nghệ sĩ tham gia, hiện chỉ còn 5 người đủ kiên trì. Lượng khán giả đồng hành với +84 lại tăng lên sau mỗi tuần, đa phần là khán giả trẻ. Dường như chính khán giả cũng đi tìm cảm giác tự do và không khí cởi mở - điều mà các loại hình nghệ thuật cổ điển không làm họ thỏa mãn.

Buổi biểu diễn cuối cùng của nhóm diễn ra tối 29-7. Đức nói, anh chưa dám mơ chuyện bán vé. Giấc mơ hiện nay của Đức là có được một địa điểm biểu diễn cố định, để nghệ sĩ múa đương đại có nơi đi về.

MỚI - NÓNG