Sóng ngầm trên sân khấu - kỳ cuối

Mua vé để nhìn “sao”?

Mua vé để nhìn “sao”?
TP - Ồn ào, chen lấn, xô đẩy, toát mồ hôi là tình cảnh mà khán giả tỉnh lẻ trải qua mỗi khi xem một chương trình. Đa số, họ trẻ tuổi nên bao nhọc nhằn tan hết khi được chiêm ngưỡng “thần tượng”.
Mua vé để nhìn “sao”? ảnh 1
Mỹ Tâm trong một show xuyên Việt

Cũng vì thế, có khi họ quên hẳn yếu tố quan trọng nhất là chất lượng phục vụ của “sao”. Nhiều người vẫn mơ một chương trình nghệ thuật thực sự chất lượng ở địa phương mình.

Hơn chục năm trước, bọn choai choai chúng tôi vẫn háo hức mỗi khi đoàn nghệ thuật về quê, ngày ấy rất ít có nhưng đoàn đã về là ở liền 2 - 3 hôm, không quảng cáo rùm beng, đêm diễn cũng giản dị, đầm ấm.

Giờ thì khác, các sô diễn tỉnh thường xuyên, chương trình cũng thật ồn ào với các sao hài, ca nhạc trong Nam ngoài Bắc, tuy nhiên hầu như không ai ở lại tới đêm thứ 2 mà chỉ đánh nhanh rút gọn.

Nguyên nhân chính là bởi dù nhiều “sao” nhưng chất lượng lại không cao nên không thể níu chân người xem tới đêm thứ 2. Khi tổ chức chương trình tuyến tỉnh, bầu sô gần như không quan tâm “chất” mà chỉ để ý gương mặt. Một phần nguyên nhân là từ chính khán giả.

Bầu “sô” theo cách gọi vui của giới nghệ sĩ- chính là những “con buôn nghệ thuật”, đương nhiên phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Cứ ai được yêu thích thì mời, bất cần biết họ diễn gì (miễn không vi phạm pháp luật).

Một diễn viên sân khấu, sau khi tham gia một phim truyền hình với nhân vật nhiều ấn tượng, bèn được các bầu đồng tâm hiệp lực  “đẩy” bằng được lên sân khấu hài.

Hôm nào không “hài” được thì nghĩ ra “trò” giao lưu, tới 10-20 phút, khán giả chán mới thôi. Khán giả tỉnh lẻ mấy khi gặp được nhân vật mình yêu thích ngoài đời vậy nên khi đã “thực mục” thì chẳng cần diễn đã thấy hả hê! Kiểu làm này ngày càng phổ biến.

Tất nhiên vẫn còn nhiều khán giả mua vé là để thưởng thức nghệ thuật nhưng không phải số nhiều.

Ngoài “sao” thì khán giả đương nhiên là yếu tố quan trọng nhất của đêm diễn. Hành trình một đêm diễn bắt đầu từ việc quảng cáo với việc treo băng rôn và cho xe ô tô lưu động khắp ngõ ngách.

Làm quảng cáo kiểu này không bao giờ lọt lưới. Bất kể ai đang nấu cơm, nhặt rau, may quần áo, hớt tóc ... đều bị âm thanh dội vào tai. Nhưng rao phải có kiểu mới hòng thu hút. Phải như một nghệ sĩ hài, truyền đạt thông tin hóm hỉnh, gần gũi,  “moi” được ví dân ngay trên xe (mua vé trước).

Những lời lẽ mỹ miều gần như chỉ có duy nhất lúc quảng cáo, chức thượng đế chỉ được tính ở thời điểm này. Nhớ lần đi xem một chương trình ở Gia Lâm (Hà Nội).

Để vào được điểm diễn phải vượt qua hàng loạt thử thách. Bắt đầu, phải tìm cách thoát khỏi tắc đường, lách qua đám đông đi vào cửa soát vé. Chỉ có 1 (chương trình hào phóng thì 2) cái cửa ra vào, chiều ngang chỉ vừa 1 người qua.

Thấy được cửa rồi thì chuẩn bị bước hai: lọt vào trong. Không hề đơn giản vì đã chen tới đây ai cũng muốn vào trong thật nhanh mong dễ thở hơn, nên mạnh ai nấy chen lấn xô đẩy, hò hét, đủ các sắc thái biểu lộ...

Và tất nhiên, chẳng có “thành công” nào lại không cướp đi một “cơ số” mồ hôi. Bữa ấy tôi vào tới nơi, bở hơi tai, nỗi vui mừng chưa kịp đến thì thất vọng vì chỗ ngồi không còn, phải đứng. Được vài tiết mục mỏi chân quá đành ra về.

Cùng chung cảnh ngộ có Hường, sinh viên năm 2 Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Bạn cho biết khi còn học trung học hầu như chẳng bỏ buổi nào. Nhưng sau nhiều lần bẹp ruột lại không có chỗ ngồi, người đứng chật ninh ních, xem mà mồ hôi vã như tắm, choáng, nên  “kiềng” hẳn.

Bây giờ mỗi khi “thèm” quá Hường lại lên nhà anh trai ở Hà Nội đi xem những chương trình “xịn”.

Thủy - sinh 1982 ở Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây, hào hứng kể chuyện một đêm diễn ở địa phương  mình. Khuôn viên tổ chức thì bé, phía sau là ao làng, thế nhưng nhà tổ chức thấy người đông quá nên chỉ chăm chăm bán vé.

Tới mức khán giả tràn cả lên sân khấu chỉ bỏ trống một khoanh cho diễn viên đứng diễn, ấy thế mà vẫn chưa chịu thôi bán vé, thôi thì “tơi bời cỏ cây hoa lá” người la hét, người cứ tùm tùm xuống ao.

Không chịu nổi, khán giả tìm nhà tổ chức “xử lý” nhưng họ rốt cuộc cũng hiền, mọi chuyện lại cho qua. Còn mấy “sao” khiếp vía chạy hết vào... bếp nhà Thủy rồi dùng “ngón nghề” cải trang và ra về lặng lẽ, mặc kệ nhà tổ chức.

Thường “sao” được xếp ở cuối chương trình nên suốt buổi các fan vừa xem vừa bồn chồn hướng ra cửa ngóng. Khi “sao” xuất hiện lập tức chạy ào tới xin chữ ký, chạm vào cơ thể, toại nguyện. 

Nguyễn Thanh Sơn 19 tuổi ở Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Tây kể ở huyện ít khi có ca sĩ ngôi sao về, thế nên lần có Đan Trường, khán giả yêu quý “bu” xung quanh, thi nhau chạm vào người. Sợ quá, Đan Trường phải nhờ những người cùng đoàn hỗ trợ… trèo tường, nhanh chóng lên xe phi thẳng về Hà Nội.

Cũng Sơn thổ lộ, một trong những thần tượng của cậu là Ưng Hoàng Phúc. Hâm mộ qua CD chẳng nghĩ lại có ngày Phúc về tận quê,  nhưng bao nhiêu mong đợi thành thất vọng vì “Ưng Hoàng Phúc hát không hay như trong đĩa” - Sơn nói.

Có lẽ điều đáng buồn như đã nói, là văn nghệ đi tỉnh thường chất lượng chưa cao. Ca khúc trữ tình hoặc nhạc đỏ nếu có chỉ vào các dịp lễ, cách biểu diễn lại không hấp dẫn.

Hiện nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật của người dân tỉnh lẻ mới chỉ được đáp ứng ở mảng giải trí mang tính thương mại. Xem ra để “cán cân” được thăng bằng, khán giả còn phải hồi hộp mong chờ.

Không biết các đoàn nghệ thuật Nhà nước- hàng năm vẫn nhận trợ cấp đều đều để phục vụ nhân dân nghĩ gì?!

Kỳ I: “Sao” nào ăn khách?

Kỳ II: “Cuộc chiến” trong giới bầu sô đất Bắc

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.