Mừng và lo từ khu di tích Pác Bó

Mừng và lo từ khu di tích Pác Bó
TPCN - Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của cả nước, Pác Bó (Cao Bằng) ngày nay đã nhiều đổi thay: Nhiều ngôi nhà xây ngói đỏ tiến sát mặt đường thay cho những nếp nhà sàn nép mình bên chân núi.
Mừng và lo từ khu di tích Pác Bó ảnh 1

Nhiều cánh rừng đã được phong quang để trồng ngô, lúa; những con đường mòn ngày xưa đã được mở rộng, bê tông hóa, đường vào Pác Bó chẳng còn gập ghềnh sông suối…

Đó là những đổi thay tất yếu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Mừng lắm, Pác Bó ơi, nhưng cũng buồn và nhiều lo lắng!

Làm sao không buồn, khi cảnh quan khu vực đầu nguồn Pác Bó đã dần phong quang vì một mối lợi kinh tế (cũng chẳng to tát gì) mà người ta có thể chặt trụi một vạt rừng, chặt hạ những cây cao, bóng cả làm biến dạng một vùng đất.

Mỗi lần lên Pác Bó, có điều kiện là tôi lại lên cột mốc 108 để được nhập hồn mình vào đất trời nơi đây trong giây phút thiêng liêng Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ và được phóng tầm mắt nhìn một vùng non xa xa, nước xa xa. Mỗi ngọn cỏ lá cây, mô đá nơi đây như những vật chứng lịch sử lưu lại những dấu tích xưa.

Quả thật Pác Bó, nhìn từ điểm cao 108 mới cảm hết được sự thiêng liêng và hùng vĩ… Lần này, lên mốc 108, tôi thật sự ngỡ ngàng khi cây si cổ thụ cách cột mốc chừng 30m và vạt rừng xung quanh đã bị chặt trụi.

Vật chứng lịch sử này – một điểm nhấn của bức tranh Pác Bó hùng vĩ – có thể nay mai chỉ còn tồn tại trong những trang hồi ký của đồng chí Lê Quảng Ba, người cùng Bác Hồ trở về Pác Bó tháng 1 năm 1941: “Tôi đã nhận ra cây Mạy Rầy (cây si) xum xuê như cây cổ thụ mọc không xa mốc đá 108.

Mốc đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp. Bác dừng lại cúi đọc những chữ khắc sâu trên đá, rồi Người hướng tầm mắt nhìn hồi lâu về dải đất tổ quốc trùng điệp, thấp thoáng dưới xa một cụm nhà nhỏ trong lũng ngô.

Hoa đào, hoa mai, hoa bjoóc cà trắng thơm mùi huệ, tô điểm thêm những cây mạy rầy, mạy tơ, cây báng, cây bưởi, cây chuối rừng…”. Tôi không biết người dân Pác Bó vì nguyên cớ gì mà ra tay tàn sát thiên nhiên như vậy.

Hỏi những người quản lý thì được trả lời: “Trung Quốc họ thu mua lá và rễ cây si!”. “Sao không ngăn chặn?”. “Có mà trời ngăn!”. Quả vậy, rừng đã giao cho người dân quản lý, những người bảo vệ lại ở quá xa nên chỉ có trời mới biết họ chặt hạ như thế nào!

Rồi đây nếu có một chiến dịch thu mua lá, rễ của một loại cây nào đó của ngành dược Trung Quốc (và cả bên ta nữa) chắc chắn sự tàn sát rừng Pác Bó sẽ bạo liệt hơn! Dân Pác Bó còn nghèo, đó là điều không cần giấu giếm, nhưng mấy cái lá, cái rễ cây rừng kia có làm cho họ bớt nghèo đi không?!

Vấn đề tuyên truyền, giáo dục và cả biện pháp bảo vệ khu di tích đầu nguồn không thể coi nhẹ đến mức dửng dưng như vậy.

Cũng gợi buồn, khi những điểm di tích quan trọng nơi đầu nguồn được phục chế còn xa với nguyên trạng. Nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong hang Pác Bó, được những người trong cuộc kể lại: “Ông Máy Lỳ đem tới 4 tấm ván dài ngắn, khấp khểnh và một tấm cót rách.

Ván kê lên chỗ lõm phía trong, phía ngoài nền hang bằng phẳng hơn, chúng tôi lót cót, cắt lá cây mạy tẹc rải làm đệm nằm cho đỡ lạnh, đỡ đau lưng” (Hồi ký của đồng chí Lê Quảng Ba). Nay du khách đến thăm hang không thấy được một chút nào của những cái ngày xưa.

Năm 2004, khu du lịch Pác Bó được đầu tư xây dựng với nguồn vốn gần một chục tỷ đồng có cái cổng “gây ấn tượng mạnh”, tạo dáng một gốc cây cổ thụ bằng… xi măng cốt thép trổ nụ cười đón khách rất khó miêu tả, trông giống như một cái tẩu hút thuốc lá cỡ lớn, lại cũng giống như một khẩu pháo cao xạ…

Khu du lịch khánh thành đã lâu nhưng nói theo ngôn ngữ kinh tế thì “chưa phát huy được tác dụng”.

Tất cả những điều thực tế đặt ra buộc phải tìm biện pháp bảo tồn và tôn tạo hữu hiệu. Tháng 6/2005 tỉnh Cao Bằng đã tổ chức hội thảo: Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Pác Bó – Cao Bằng với 25 tham luận của các nhà quản lý, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, bàn tới những vấn đề cấp thiết phải xây dựng khu di tích lịch sử Pác Bó xứng tầm, giai đoạn 2006 đến 2010.

Sau hội thảo các ngành chức năng đã lập báo cáo xây dựng bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử Pác Bó tỉnh Cao Bằng với tổng số vốn xây dựng là 4,62 tỷ đồng.

Trong các hạng mục công trình bảo tồn, tôn tạo đặc biệt có khu di tích gốc (từ làng Bó Bẩm tới cột mốc 108) “Tại khu di tích gốc, điểm di tích bảo tồn, phục dựng hiện vật, không gian nhằm tạo lại khung cảnh, đời sống hiện thực của thời điểm lịch sử năm 1941, đảm bảo tính chân thực, chính xác nguyên trạng lịch sử”.

Vấn đề bảo tồn nguyên trạng đặt ra một cách cấp thiết… trên giấy tờ, trong khi nguyên trạng hàng ngày, hàng giờ bị phá vỡ!

Bảo tồn nguyên trạng dựa trên những cứ liệu nào? Hẳn phải là từ nhiều nguồn mà một trong những nguồn quan trọng là những trang hồi ký của các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí đã có thời hoạt động cùng Bác Hồ ở Pác Bó như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Vũ Anh, Dương Đại Lâm…

Những cứ liệu lịch sử có trong các trang hồi ký đó giờ đây đã trở thành những tài sản quý mà mỗi lần đọc lại ta nhận chân lịch sử thêm sáng rõ.

Các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định cần lưu tâm đến điểm này và sẽ không có gì quá khi đề nghị có một cuộc gặp mặt, trao đổi để xác định những cứ liệu lịch sử có trong các trang hồi ký trước khi phục dựng, làm mới các điểm di tích quan trọng như: Hang đá Pác Bó, bàn đá dưới gốc si, cột mốc 108…

Các nhà làm sử, các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… cần được can dự nhiều hơn nữa vào những việc này, không phải đòi được chia phần mà là trách nhiệm và tình cảm đối với Pác Bó lịch sử, để những đồng tiền của nhân dân đóng góp vào xây dựng công trình không “lỡ bị sai” mà phá đi như cánh cổng khu du lịch Pác Bó, những cây cầu, bãi đỗ xe bên bờ sối Lê Nin…

Mùa này lên Pác Bó, tôi gặp nhiều đoàn khách tham quan đến từ mọi miền Tổ quốc. Họ đến rồi đi không nhàn tản, không vội vã. Khách đến, vào hang xem để biết, chẳng có gì giữ chân họ, không tạo điều kiện để họ suy ngẫm. Đó là cái yếu của việc xây dựng khu di tích mấy mươi năm qua và có thể là của thời gian tới nếu ta không có một cái nhìn thấu đáo về đặc trưng du lịch tại đây?

Ngày 9 tháng 7 năm 2006

Hoàng Quảng Uyên
(Nhà văn)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.